TP.HCM: Ứng dụng AI trong khu vực hành chính công chưa bài bản, đồng bộ

Bạch Dương Thứ ba, ngày 27/12/2022 16:04 PM (GMT+7)
Tại hội thảo "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực hành chính công" ở TP.HCM ngày 27/12, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, TP.HCM quyết tâm thực hiện chuyển đổi số.
Bình luận 0
TP.HCM: Ứng dụng AI trong khu vực hành chính công chưa bài bản, đồng bộ - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức tại hội thảo. Ảnh: Nguyên Vũ

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng, năm 2022, TP.HCM quyết tâm thực hiện chuyển đổi số, thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số do Chủ tịch UBND TP.HCM làm trưởng ban.

Thành phố đã ra mắt một số nền tảng quan trọng để phục vụ người dân, doanh nghiệp và việc điều hành như hệ thống giám sát xử lý phản ánh và kiến nghị của người dân thông qua tổng đài 1022, hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của thành phố…

Hiện tổng thể chuyển đổi số của TP.HCM đang xếp hạng thứ 3/63 tỉnh, thành cả nước. Tuy nhiên sẽ còn rất nhiều việc phải làm so với yêu cầu đặt ra. Ông Thắng cho rằng, việc ứng dụng AI trên địa bàn TP.HCM, đặc biệt trong khu vực hành chính công chưa có tính hệ thống, bài bản, đồng bộ.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, chủ đề năm 2023 của thành phố là "Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội". Để thực hiện các mục tiêu trên, thành phố sẽ thúc đẩy nhanh chương trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, AI để nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng.

Theo ông Đức, Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học Công nghệ phải xác định, phân biệt rõ AI với ứng dụng công nghệ thông tin, từ đó ứng dụng trí tuệ nhân tạo cải tiến năng lực hoạt động các lĩnh vực. "Nếu không, sẽ giống như gắn mác AI lên nền tảng cũ", ông Đức nói thêm.

Sở Thông tin và Truyền thông cần nêu được những vấn đề mấu chốt, bài toán quan trọng, giới thiệu giải pháp tiềm năng để đưa vào sử dụng trong điều hành của hệ thống chính quyền, phục vụ người dân tốt hơn.

Trong đó, tập trung 3 vấn đề: Nguồn nhân lực, hạ tầng, xác định các bài toán cốt lõi. Về nguồn nhân lực, phải luôn nâng cao đội ngũ cả về quy mô lẫn chất lượng cho lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung và AI nói riêng.

TP.HCM: Ứng dụng AI trong khu vực hành chính công chưa bài bản, đồng bộ - Ảnh 3.

Một ứng dụng AI được trưng bày tại hội thảo. Ảnh: B.D

Đồng thời, tập trung xây dựng hạ tầng phần cứng, phần mềm, đưa dữ liệu đưa vào khai thác và tạo ra các giá trị của cải vật chất. Cuối cùng, thường xuyên nghiên cứu thực tiễn hệ thống chính quyền nêu bài toán cốt lõi, kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, các nhóm nghiên cứu tham gia cùng thành phố đưa ra giải pháp hiệu quả.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Bùi Thế Duy, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, AI không thể thay thế con người hay trở thành trợ lý trực tiếp mà chỉ giải quyết những công việc lặp đi lặp lại trên diện rộng, thường xuyên hoặc vấn đề con người không thể làm được.

Hiện thế giới chia AI thành 2 nhóm rộng và hẹp. Trong đó, AI diện rộng hướng đến phát triển, tích lũy thông tin và suy nghĩ đưa ra giải pháp, nhưng hướng tiếp cận này chưa phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Thay vào đó, Việt Nam chọn AI diện hẹp, tức là ứng dụng các kỹ thuật của AI trong chuyên môn để giải quyết vấn đề xã hội, hỗ trợ thêm cho con người.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem