TP.HCM đã làm xanh, sạch những dòng kênh đen đã hàng chục năm nay.
TP.HCM: Xanh, sạch những dòng kênh đen
Đông Anh
Thứ năm, ngày 24/12/2020 11:59 AM (GMT+7)
Hưởng ứng Chỉ thị 19-CT/TU của Thành ủy TP.HCM, về thực hiện cuộc vận động "Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước", và chưa bao giờ, những dòng kênh đen ngày nào ở TP.HCM lại xanh, sạch và đang tiếp tục làm sạch như bây giờ.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, hiện toàn TP có hơn 2.000 km kênh rạch. Các dòng kênh còn gánh thêm nhiệm vụ thoát nước cho TP. Tuy nhiên, nhiều năm qua, hệ thống kênh rạch ở TP.HCM bị ô nhiễm trầm trọng và chứa quá nhiều rác thải.
Là đơn vị nhận trách nhiệm chính về vệ sinh môi trường của TP.HCM, Công ty TNHH MTV Môi trường - Đô thị TPHCM – cho biết: Mỗi ngày, công ty vớt hơn 10 tấn rác thải trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.
Nguyên nhân dẫn tới tắc nghẽn, ô nhiễm kênh rạch ở TP.HCM, theo các chuyên gia, phần lớn là do nhận thức yếu kém của rất nhiều người dân. Ông Huỳnh Minh Nhựt – Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường – Đô thị TP.HCM – cho rằng: "Vì ý thức kém của một bộ phận không nhỏ của người dân, mà rác rưởi, mọi thứ bị tống xuống các dòng kênh, rạch, nên gây ra tắc nghẽn dòng chảy, ô nhiễm các dòng kênh, rạch hàng chục năm qua".
Đơn cử tại khu vực rạch Xuyên Tâm, đoạn chảy qua địa bàn phường 24 và 25 quận Bình Thạnh, người dân chịu cảnh ô nhiễm kinh khủng. Dòng chảy bị thu hẹp, tắc nghẽn, nước bẩn tràn lan…
Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, từ nhận thức kém, người dân lấn chiếm vỉa hè, làm bít miệng cống thoát nước và xả rác ngay miệng cống hoặc đổ thẳng xuống kênh rạch.
TP.HCM đã tăng cường nhận thức người dân, xây dựng và ban hành quy chế xử phạt nặng hành vi lấn chiếm kênh rạch và hệ thống thoát nước. Bên cạnh đó, là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý tình trạng xả thải gây ô nhiễm nguồn nước sông, kênh rạch liên vùng.
Với tổng chiều dài hơn 5.000 km kênh rạch, sông ngòi, TP.HCM có những ưu thế nhất định để phát triển một đô thị xanh - đẹp - hiện đại - bền vững.
Tuy nhiên, trong tổng diện tích 2.095 km2 của TPHCM, có tới 1.331 km2 có độ cao dưới 1,5 m so với mực nước biển. Địa hình thấp, TP đang chịu tác động trực tiếp từ thủy triều biển Đông, nên thường xuyên xảy ra tình trạng ngập.
Những năm gần đây, tình trạng ngập của TPHCM diễn ra ngày càng nghiêm trọng, số điểm ngập đã tăng từ 680 trong 7 năm 2003-2009, lên 1.250 trong 7 năm tiếp theo 2010-2016.
Tới nay, TP mới xây dựng được 4.176/6.000 km cống thoát nước; nạo vét, cải tạo 60,3/5.075 km kênh rạch (hơn 1%); hoàn thành xây dựng 1/10 cống kiểm soát triều; xây dựng 64/129 km đê bao bờ hữu sông Sài Gòn… nên vẫn chưa đủ để giải quyết bài toán chống ngập.
Từ năm 2016, TP.HCM đã có nhiều biện pháp cải tạo, làm sạch hệ thống kênh, rạch trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, TP đã đưa ra cả kế hoạch di dời hàng ngàn hộ dân sinh sống ven kênh, rạch. Tuy nhiên, cái khó nhất vẫn là việc đền bù, giải phóng mặt bằng. Người dân cần chỗ ở ổn định, bảo đảm sinh kế, con cái học hành thuận tiện. Chủ đầu tư cần giải quyết bài toán hiệu quả kinh tế…
Mặc dù vậy, trong những năm gần đây, các cấp chính quyền TP.HCM đã nỗ lực từng bước cải tạo, xanh hóa, làm sạch những dòng kênh, các con rạch. Và, trên thực tế đã đạt được những kết quả đáng tự hào.
Nổi bật là việc xanh hóa kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã biến dòng kênh đen ô nhiễm năm nào thành dòng kênh xanh, sạch đẹp, xuyên suốt TP.HCM. Dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè hiện được giao cho Công ty TNHH MTV Môi trường – Đô thị TP.HCM quản lý, chăm sóc… đã trở thành một nét đẹp rất riêng của TP.HCM.
Ông Nguyễn Minh Hòa – chuyên gia đô thị học (Đại học Khoa học – Xã hội nhân văn TP.HCM) cho rằng: Với 39 tuyến kênh, rạch, nhưng hiện mới chỉ có kênh Tân Hoá - Lò Gốm, kênh Tẻ, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được chỉnh trang. Còn lại hầu hết chưa được cải tạo, kè bờ. Cùng với đó, hệ thống các bến thuỷ đến nay vẫn chưa được đầu tư nhiều, đồng bộ đã khiến thế mạnh về sông và kênh, rạch của TP.HCM vẫn chưa được khai thác đúng với tiềm năng, chưa thể phục vụ cho sự phát triển du lịch, giao thông, kinh tế của Thành phố.
Các chuyên gia cho rằng, giải pháp tốt nhất để có thể đẩy nhanh tiến độ cải tạo các tuyến kênh rạch trên địa bàn thành phố là kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Nhà nước cần có thể chế, chính sách để cộng đồng có thể tham gia tích cực, không chỉ ở giai đoạn lên ý tưởng và lập quy hoạch chung mà còn ở cả giai đoạn duy trì, quản lý sau này.
Từ năm 2016 - 2018, TP đã cải tạo hệ thống thoát nước, nạo vét được 81,2km sông, kênh rạch với tổng số 229 tuyến; vận động người dân tham gia nạo vét, khơi thông 193 tuyến kênh rạch với chiều dài gần 60km, góp phần làm thông thoáng dòng chảy, cải thiện vệ sinh môi trường. Hiện đã giảm 21% tải lượng chất ô nhiễm thải vào nguồn nước mặt.
Hàng loạt tuyến kênh rạch khác cũng đang được cải tạo như: rạch Xuyên Tâm, Bùi Hữu Nghĩa, Văn Thánh, Bà Tiếng, Liên Xã, Ông Búp... Cùng với đó là dự án nạo vét kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài 9km, với tổng khối lượng bùn dự kiến nạo vét khoảng 122.000m3, kinh phí 36,5 tỷ đồng.
Cùng với những dự án cải tạo, chỉnh trang hệ thống kênh rạch có quy mô lớn, thì nhiều kênh, rạch ở các quận huyện cũng đang được cải tạo rốt ráo ở quận 12, quận Thủ Đức.v.v…
Ngày 24/8/2020 vừa qua, UBND quận 12 đã hoàn thành công trình kè rạch Sơ Rơ (giai đoạn 2). Dự án được khởi công vào tháng 4/2019, mức đầu tư 40,5 tỷ đồng. Công trình hoàn thành sẽ giải quyết được vấn đề tiêu thoát nước, giảm ô nhiễm môi trường, góp phần chỉnh trang đô thị, giảm ngập nước do mưa kết hợp triều cường dâng cao trên địa bàn quận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.