Chủ tịch UBND TP.HCM: Mong muốn Trung ương tạo tiền đề cho thành phố phát triển nhanh, bền vững
TP.HCM xin nâng điều tiết ngân sách lên 23%:Bài 5: Mong muốn Trung ương tạo tiền đề cho thành phố phát triển
Bạch Dương
Thứ năm, ngày 27/05/2021 06:15 AM (GMT+7)
Thực trạng thiếu vốn ngân sách của TP.HCM đã diễn ra suốt 5 năm nay, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong bày tỏ: "Việc cân đối chi đầu tư luôn là bài toán khó đối với thành phố...". Ông Phong mong muốn Trung ương sớm thông qua việc tăng tỷ lệ ngân sách để lại cho TP, tạo tiền đề để Thành phố phát triển nhanh, bền vững.
Ông Phong chỉ rõ: Sự quá tải về hạ tầng kinh tế - xã hội đang ngày càng gia tăng. Hệ thống giao thông kết nối liên vùng còn rất hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển cũng như vị thế trung tâm liên kết của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, ông Phong nhấn mạnh đến dự án đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, các dự án khép kín đường vành đai 3 và dự án đường vành đai 4.
Theo UBND TP.HCM, đây là các dự án trọng điểm, có tính liên kết vùng trên địa bàn thành phố kết nối với các tỉnh lân cận.
Dự án xây dựng cao tốc TP.HCM - Mộc Bài cần vốn ngân sách trung ương là 5.901 tỷ đồng để bồi thường giải phóng mặt bằng. Trước đó, UBND TP gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư về tổng mức đầu tư dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài là hơn 13.613,4 tỷ đồng, tức tăng khoảng 2.527 tỷ đồng so với báo cáo thẩm định nghiên cứu tiền khả thi hồi cuối tháng 10/2019.
Nguyên nhân tăng do chi phí giải phóng mặt bằng ban đầu dự kiến chỉ khoảng 2.918,7 tỷ đồng, nay tăng cho phù hợp thực tế là 5.117,7 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án còn bổ sung các nút giao giữa cao tốc với đường vành đai 3 (Hóc Môn) và tỉnh lộ 8 (huyện Củ Chi).
Còn dự án thành phần 1A đường vành đai 3 (đoạn đường từ tỉnh lộ 25B đến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) cần bổ sung ngân sách trung ương khoảng 1.800 tỷ đồng, do chi phí giải phóng mặt bằng đã tăng vượt so với cam kết trước đây của thành phố trong khi nguồn vốn thành phố gặp nhiều khó khăn.
"Để đẩy nhanh tiến độ của dự án sau khi thành phố trình báo cáo tiền khả thi, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện và đề xuất Chính phủ hỗ trợ 100% vốn ngân sách Trung ương để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố", ông Phong kiến nghị.
Vốn đầu tư công trung giai đoạn 2021-2025 không đủ
Không chỉ các dự án trọng điểm, một số dự án ODA của thành phố cũng phải xin lùi thời gian do phải cân đối ngân sách vì thiếu vốn. Điển hình là dự án vệ sinh môi trường giai đoạn 2 và dự án giảm thất thoát nước.
Do thiếu vốn, TP.HCM đã từng đề xuất xin gia hạn thời gian thực hiện dự án vệ sinh môi trường giai đoạn 2 với tổng vốn vay 450 triệu USD từ WB, trình Chính phủ được lùi thời gian thi công và vận hành thử hạng mục nhà máy xử lý nước thải từ năm 2019 sang 2024 và vận hành chính thức lùi từ 2024 đến năm 2029.
Dự án giảm thất thoát nước thành phố cũng xin được gia hạn thời gian đến 30/6/2024 thay vì thời hạn 30/6/2020 như đã được phê duyệt. Dự án giảm thất thoát nước thành phố được Ngân hàng Phát triển Châu Á cho vay 138 triệu USD.
Ông Phong chỉ rõ: "Thủ tướng Chính phủ thông báo mức vốn dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn của Thành phố là 156.483 tỷ đồng. Trong đó vốn đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương là 14.873 tỷ đồng, vốn ngân sách Thành phố là 127.683 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương là 13.926 tỷ đồng. Qua rà soát, số vốn đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương 14.873 tỷ đồng không đáp ứng nhu cầu vốn của các dự án ODA trọng điểm của Thành phố giai đoạn 2021 - 2025 và các hiệp định vay đã ký kết và hoàn thành ký kết trong thời gian tới".
Đối với vốn ngân sách Thành phố, qua rà soát, tự cân đối, Thành phố có thể bố trí vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 218.576 tỷ đồng cao hơn 90.892 tỷ đồng so với kế hoạch dự kiến của Trung ương giao.
Từ cơ sở trên, Thành phố kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thông báo điều chỉnh lại mức vốn dự kiến đầu tư công kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ các nguồn vốn đầu tư Thành phố có thể huy động được theo đúng khả năng cân đối và nhu cầu của Thành phố là 261.967 tỷ đồng. Trong đó: Đối với vốn đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương, kiến nghị Trung ương bố trí đủ kế hoạch trung hạn cho các dự án sử dụng vốn ODA vay lại là 43.391 tỷ đồng; Đối với vốn ngân sách Thành phố, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tăng mức vốn dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 218.576 tỷ đồng.
Ông Phong cho biết: "Thành phố đã xây dựng Đề án "Điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025", tổ chức trên 30 cuộc họp và xây dựng trên 12 kịch bản tỷ lệ điều tiết theo phương pháp nghiên cứu khoa học. Kết quả dựa trên chuỗi số liệu từ các kịch bản cho thấy phương án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết là 23% cho giai đoạn 2022 - 2025 như giai đoạn 2011 - 2016 đã cho kết quả tối ưu, đảm bảo đáp ứng được tất cả các tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí số thu ngân sách chuyển nộp về ngân sách Trung ương tăng so với trường hợp Trung ương vẫn giữ nguyên tỷ lệ điều tiết 18% cho ngân sách Thành phố".
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cấp thiết kiến nghị Chính phủ thông qua đề án trong năm 2021 nhằm tăng thu ngân sách chuyển cho Trung ương và tạo tiền đề để Thành phố phát triển nhanh, bền vững.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.