TP.HCM xin nâng điều tiết ngân sách lên 23%:Bài 4: Gỡ nút thắt cho "thỏi nam châm" hút vốn đầu tư

Quốc Hải - Hồng Phúc Thứ tư, ngày 26/05/2021 13:00 PM (GMT+7)
Quá trình vận động tăng thêm ngân sách giữ lại, TP.HCM đã có nghiên cứu khoa học, tính toán hàng chục kịch bản, mô hình đề xuất để có lựa chọn tối ưu, thuyết phục. Có lẽ vì vậy mà hầu hết các chuyên gia mà chúng tôi tiếp cận đều bày tỏ quan điểm đồng tình với TP.HCM, đồng thời hiến thêm gợi ý quyết sách.
Bình luận 0

TS. Nguyễn Đình Cung: Gỡ nút thắt cho "thỏi nam châm" thu hút vốn đầu tư của các tỉnh phía Nam 

Muốn TP.HCM duy trì vị trí "đầu tàu" kinh tế của cả nước, muốn nơi đây đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển thì cần phải có sự đầu tư thích đáng. Việc thay đổi tỷ lệ điều tiết ngân sách, là một trong những hành động tháo gỡ "nút thắt" rất quan trọng.

“Đuối sức” trong cuộc đua tăng trưởng, TP.HCM ngày càng xuất hiện nhiều điểm… nghẽn - Ảnh 1.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng TP.HCM đang có rất nhiều điểm nghẽn cản đà phát triển (Ảnh: IT)

"Thời gian qua, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai… vươn lên mạnh mẽ, ngày càng thu hẹp khoảng cách với TP.HCM. Trong khi đó đà tăng trưởng của TP.HCM đang chậm lại.

Tuy nhiên, TP.HCM lại là nơi có năng suất lao động cao nhất cả nước, bình quân 2016-2019 đạt 284 triệu đồng/người, trong khi chỉ số ICOR (hệ số phản ánh hiệu quả sử dụng vốn đầu tư) rất thấp. Hệ số ICOR càng thấp thì thể hiện hiệu quả sử dụng vốn tạo ra GDP càng cao.

Đây là những tiền đề quan trọng để dòng vốn đầu tư đạt được những hiệu quả cao nhất…"

TP. HCM có thể được ví như "trụ cột phát triển" của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (bao gồm 8 tỉnh và địa phương thuộc Đông và Tây Nam Bộ), khi chiếm 42% tổng dân số, 56% vốn đầu tư xã hội và đóng góp 51% vào GDP của cả vùng. Tuy nhiên, TP. HCM lại có tỷ lệ giữ lại ngân sách đang thấp nhất nước, chỉ là 18%.

Hệ quả của tỷ lệ chi ngân sách quá thấp đó là TP. HCM thiếu hụt nguồn lực để đầu tư và tái đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông nội đô và giao thông liên kết, khiến các tuyến đường cửa ngõ nối liền TP.HCM với các khu vực lân cận ở Đông và Tây Nam Bộ luôn trong tình trạng "kẹt cứng" vì ách tắc giao thông.

Điều này làm chi phí sản xuất, dịch vụ và xuất khẩu bị đội lên quá cao, dẫn tới sức cạnh tranh và sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư bị giảm sút.

Kế đến, quan sát tình hình thu hút FDI của TP.HCM trong những năm gần đây có thể thấy một bức tranh khá quan ngại.

Tuy được mệnh danh là "thỏi nam châm thu hút vốn đầu tư" của các tỉnh phía Nam, nhưng quy mô các dự án đầu tư FDI trên địa bàn TP. HCM ngày càng thu nhỏ so với con số trung bình toàn quốc. Theo đó, quy mô bình quân một dự án FDI ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ đạt 10 triệu USD, thấp hơn bình quân cả nước là 12,42 triệu USD. Quy mô bình quân một dự án ở TP. HCM thậm chí còn thấp hơn, chỉ 5,56 triệu USD".

Thiếu các dự án đầu tư lớn cũng có nghĩa là TP.HCM không thể thu hút các tập đoàn quy mô lớn, với tri thức quản lý hiện đại để dẫn dắt sự phát triển.

“Đuối sức” trong cuộc đua tăng trưởng, TP.HCM ngày càng xuất hiện nhiều điểm… nghẽn - Ảnh 3.

Kẹt xe luôn là một vấn nạn đau đầu của người dân TP.HCM (Ảnh: IT)

Một nút thắt về tăng trưởng khác, là TP. HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa tạo được liên kết với các vệ tinh tăng trưởng xung quanh và chưa tận dụng được mối liên hệ này làm bệ phóng cho sự phát triển của riêng mình và cho toàn khu vực.

Gần kề với hai trung tâm công nghiệp chế biến chế tạo lớn ở phía Nam là Bình Dương và Đồng Nai, nhưng TP. HCM lại rất yếu kém các dịch vụ phục vụ cho ngành chế tạo sản xuất. Ngành dịch vụ hàng đầu của thành phố là buôn bán bất động sản trong khi dịch vụ logistics (phục vụ chế tạo sản xuất) chỉ xếp thứ 5.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Có đầu tư, "phượng hoàng" mới đẻ trứng vàng

Tôi đặc biệt đồng tình với việc TP.HCM đặc giữ lại ngân sách tăng thêm từ 18% lên 23%.

Tôi nghĩ rằng đây sẽ là một quyết định đúng đắn, vì thực sự là TP.HCM là đầu tàu tăng trưởng của cả nước, mà nếu không để TP đầu tư thích đáng thì sẽ khó bật lên được trong thời gian tới khi mà bối cảnh thay đổi, cạnh tranh toàn cầu cũng như khu vực rất mạnh mẽ.

“Đuối sức” trong cuộc đua tăng trưởng, TP.HCM ngày càng xuất hiện nhiều điểm… nghẽn - Ảnh 4.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan rất trăn trở với việc phát triển cho "đầu tàu" TP.HCM (Ảnh: IT)

Đầu tư cho TP.HCM như thế nào tùy thuộc vào quyết định của TP, nhưng theo tôi thì vấn đề đầu tiên sẽ phải giải quyết là vấn đề hạ tầng, nhất là hạ tầng kết nối giữa TP.HCM với quốc tế. TP.HCM là cửa ngõ kết nối với quốc tế của Việt Nam, nước ta đã tham gia rất nhiều Hiệp định thương mại toàn cầu và rất cần cửa ngõ quốc tế thương mại.

Thứ 2 là cửa ngõ giữa TP.HCM với các tỉnh thành, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rất cần kết nối mạnh với TP.HCM để TP phát huy vai trò "đầu tàu" của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 

Và như vậy nếu kéo được cả vùng lên, nhất là vùng ĐBSCL, khi đó, mới có thể đạt được mục tiêu của Việt Nam là phát triển nông nghiệp, bởi dù nông nghiệp được đánh giá là thế mạnh của Việt Nam nhưng nếu muốn phát triển thì không chỉ thể dựa vào các tỉnh sản xuất nông nghiệp mà rất cần những nơi tập trung cho chế biến, thương mại hóa sản phẩm nông nghiệp,… và TP.HCM đang đóng vai trò này.

Vì thế cần phải đầu tư để TP có thể làm tốt vai trò này hơn. Tôi nghĩ đây là hướng đúng đắn mà Chính phủ xác định và tôi mong TP.HCM sẽ chọn đúng mục tiêu để phát triển.

TP cũng đang có khát vọng rất lớn là phát triển những trung tâm, những khu đô thị mới… nhưng theo tôi nghĩ mục tiêu về hạ tầng vẫn là cái kẹt lâu nay, là điểm nghẽn phát triển cho TP, vì vậy cần tập trung hơn là phát triển những vùng mới.

Những trung tâm, những khu đô thị mới… có thể hy vọng thu hút nguồn lực đầu tư từ những nguồn khác, không nhất thiết phải từ ngân sách. Cho nên, nguồn lực ngân sách nên tập trung đầu tư cho những mục tiêu chung như cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kết nối với quốc tế, với các khu vực xung quanh.

TS Ngô Viết Nam Sơn: Trả về 33% cũng không đủ

Tỷ lệ 23% ngân sách được giữ lại mà TP.HCM đề xuất, tôi cho rằng là con số dè dặt, bởi chỉ là trả lại con số của trước đây. Trung ương nên cân nhắc và thấy rằng hiệu quả đầu tư của TP.HCM rất lớn, tỷ suất sinh lợi cao hơn nhiều so với những tỉnh thành khác và năng suất lao động cao gấp 2,7 lần bình quân cả nước.

Chương mới ngân sách đầu tư phát triển TP.HCM - Bài 5: Chuyên gia nói gì? - Ảnh 1.

TS Ngô Viết Nam Sơn - Chuyên gia quy hoạch.

Với tốc độ phát triển đô thị tại TP.HCM như hiện nay, số vốn tương ứng 5% tăng thêm ngân sách được giữ lại là không nhiều, không đủ chi cho các vấn đề môi trường, ngập lụt, kẹt xe, ô nhiễm ngày càng tăng. Phát triển đô thị luôn đi kèm hệ luỵ, do đó việc xử lý tác động của môi trường nên được xem là món nợ phải trả đầu tiên. Sau đó là đến các công trình hạ tầng, đường sá, cầu cống phục vụ nhu cầu chỉnh trang và phát triển.

Do nhu cầu vốn của TP.HCM rất lớn nên theo tôi, thậm chí tỷ lệ ngân sách được giữ lại lên đến mức 33% của năm 2003 cũng vẫn không đủ. Chính quyền Trung ương nên xem khoảng tăng thêm 15% ngân sách từ 18% lên 33%. Đây không phải là "cho" mà là "đầu tư" cho TP.HCM để những năm tới TP.HCM tăng mạnh phát triển kinh tế, qua đó giúp tăng tổng thu nhập ngân sách cho Trung ương lên cao hơn nữa.

Mặt khác, TP.HCM cũng nên chủ động để tạo thêm nguồn vốn. Chẳng hạn như khi phát triển hạ tầng, không chỉ thu hồi đất vừa đủ để làm đường như cách cũ mà là thu hồi đất rộng sang hai bên với giá thị trường trước khi làm dự án, để  đấu giá quỹ đất mới tạo nguồn thu ngân sách sau khi nâng cấp và chỉnh trang toàn tuyến, như trường hợp thành công của dự án đường Nguyễn Hữu Thọ. 

Tiền đấu giá sẽ được xoay vòng trở lại đầu tư và còn góp thêm cho ngân sách. Nhân rộng mô hình này giúp TP.HCM có thêm nguồn thu không nhỏ.

Chương mới ngân sách đầu tư phát triển TP.HCM - Bài 5: Chuyên gia nói gì? - Ảnh 2.

Chuyên gia cho rằng TP.HCM cần kiến nghị có cơ chế cho chính quyền vùng đô thị để các tỉnh cùng liên kết, phát triển dự án.

Song song với việc được nâng tỷ lệ giữ lại ngân sách, TP.HCM cần thuyết phục Trung ương xem xét cho TP có cơ chế chính quyền vùng đô thị. Cơ chế chính quyền vùng đô thị giúp các tỉnh thành có cơ sở pháp lý hợp tác, liên kết với nhau để cùng phát triển các dự án. Khi đó, Trung ương góp vốn một phần, các tỉnh góp vốn một phần, TP.HCM đóng vai trò lãnh đạo vùng đô thị.

Để phát triển kinh tế biển, TP.HCM có thể liên kết với Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu để tạo hành lang kết nối biển đa phương tiện (đường biển, đường sắt, đường bộ, đường hàng không) trên cơ sở liên kết hợp tác vùng. Đây cũng là 4 tỉnh thành thuộc top 6 nộp ngân sách nhiều nhất cho Trung ương trong những năm qua, việc kết nối vùng kinh tế cảng biển cũng thuận lợi hứa hẹn ngân sách góp về sẽ càng nhiều hơn. 

Một điển cứu có thể tham khảo cho định hướng này là chính quyền vùng liên kết của hai bang New York và bang New Jersey, được lập ra với quyền hạn liên bang trong việc quản lý mạng lưới các cảng biển, đường cao tốc, đường sắt, sân bay theo một quy hoạch và quản lý logistics thống nhất và hiệu quả. 

Lợi nhuận từ thu nhập ngân sách của tổ hợp kinh tế này sẽ được phân chia lại cho các bang tham gia theo tỷ lệ đóng góp ban đầu. Mô hình chính quyền vùng New York - New jersey Authority là mô hình TP.HCM nên tham khảo để phát triển kinh tế liên kết vùng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem