TP.HCM xin nâng điều tiết ngân sách lên 23%:Bài 1: Bức bối thiếu ngân sách đến mức nào?

Bạch Dương - Văn Dũng Thứ ba, ngày 25/05/2021 07:41 AM (GMT+7)
TP.HCM thiếu vốn đầu tư phát triển là vấn đề tồn tại từ hàng chục năm nay. Trong các kỳ họp HĐND TP, các cuộc thảo luận, hiến kế của chuyên gia đã nhiều lần đề nghị nâng tỷ lệ ngân sách giữ lại cho TP. TP là nơi có hiệu suất sinh lời cao, đóng góp lớn cho cả nước, nhưng lại không được đầu tư đúng mức.
Bình luận 0
Chương mới ngân sách đầu tư phát triển TP.HCM: BÀI 1: Hành trình vận động ngân sách - Ảnh 1.

TP.HCM phải đối mặt với nhiều khó khăn về hạ tầng.

LTS: TP.HCM, cánh chim đầu đàn, đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước đang đối mặt hàng loạt vấn đề bức bách về hạ tầng, về an sinh xã hội do thiếu vốn đầu tư phát triển, dẫn đến nguy cơ tụt hậu. Điều đáng nói là TP.HCM là nơi vốn đầu tư có hiệu suất sinh lời cao, cần ưu tiên đầu tư phát triển, qua đó dẫn dắt kinh tế khu vực, đồng thời đóng góp ngày càng nhiều hơn cho ngân sách cả nước. Trong tình hình đó, TP.HCM đã nhiều năm đề xuất trung ương tăng tỷ lệ ngân sách để lại địa phương. Báo điện tử Dân Việt đăng tải loạt bài “Thôi thúc ngân sách đầu tư phát triển TP.HCM” với mục đích đem lại thông tin đa chiều từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp, chuyên gia, người dân xung quanh đề xuất này nhằm gỡ nút thắt ngân sách cho TP.HCM phát triển.

TP.HCM: "Con bò sữa" thiếu ăn

Không ít chuyên gia ví von TP như "con bò sữa cho sữa nhiều nhưng thiếu ăn".

Từ năm 2012, Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 cũng từng nêu vấn đề tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho thành phố. Nhưng thực tế là từ năm 2017, tỷ lệ này không tăng mà lại bị giảm từ 23% xuống 18%.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, thành phố đang đối diện với hàng loạt khó khăn, thách thức lớn, đặc biệt là sự quá tải về hạ tầng kinh tế - xã hội đang ngày càng gia tăng.

Hạ tầng giao thông ở TP.HCM chậm được mở rộng và nâng cấp. Mật độ đường giao thông của thành phố là 2,17 km/km2 (chỉ đạt khoảng 20% so với quy chuẩn mật độ đường đô thị), hệ thống giao thông kết nối liên vùng còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, chưa tương xứng với vị thế trung tâm liên kết của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

TP.HCM là địa phương có tỷ lệ đóng góp vào ngân sách lớn nhất cả nước (khoảng 27%), nhưng tỷ lệ được phân chia lại ngân sách… thấp nhất nước (từ năm 2017, tỷ lệ này chỉ còn 18%).

TP.HCM chỉ xây mới và cải tạo được 2.757km/6.000 km hệ thống cống thoát nước (đạt 45,9% quy hoạch); nạo vét được 129 km/4.369 km kênh rạch (đạt 2,9%). Thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng nước biển dâng (bình quân 0,5 cm - 1cm/năm) và hiện tượng sụt lún (bình quân 1cm/năm).

Nhu cầu vốn để chi đầu tư phát triển hạ tầng và nhu cầu kinh phí để đảm bảo các chính sách, chế độ ngày càng tăng cao, gây áp lực lớn, tác động lớn đến sự phát triển nhanh hơn, bền vững hơn của thành phố.

Là nền kinh tế lớn nhất cả nước (chiếm gần 1/4 GDP cả nước) song việc thu hút đầu tư nước ngoài của TP.HCM chưa vượt trội và tỷ trọng xuất khẩu so với cả nước ngày càng giảm. Từ chỗ chiếm 56,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước năm 2000, đến năm 2019 chỉ còn chiếm 15,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết, thời điểm kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, ngày 22/10/2016, tại buổi thảo luận tổ về ngân sách với nội dung tỷ lệ ngân sách TP HCM được giữ lại giảm từ 23% còn 17% giai đoạn 2017-2020, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, khi đó là Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng TP luôn xác định tư tưởng, quan điểm vì cả nước nên chưa bao giờ "bàn lùi" trước các nhiệm vụ mà trung ương giao. Tuy nhiên, không vì thế mà dồn khó khăn cho TP.

Hạ tầng TP.HCM đã quá bức bối với nguồn vốn yêu cầu phải đầu tư trên 500.000 tỷ đồng. Nhiều lĩnh vực khác cũng đòi hỏi kinh phí lớn như xây dựng phòng học, tu bổ trường lớp, xây dựng bệnh viện, mở rộng khoa phòng, bảo đảm an ninh trật tự… "Tiết kiệm nguồn chi tối đa nhưng chi cho con người là không thể giảm nên nói cắt giảm chi thường xuyên hơn nữa là cực kỳ khó. Giảm một lúc 5-6% ngân sách được giữ lại TP không thể nào chịu nổi, nền kinh tế trở tay không kịp" - bà Tâm thẳng thắn.

Thời điểm đó, Phó Bí thư Thành ủy cũng cho rằng có thể chỉ giảm 2% khoản điều tiết ngân sách. TP.HCM thực hiện nghĩa vụ với Trung ương nhưng ngược lại, Chính phủ, Quốc hội cũng cần chia sẻ với TP, tạo điều kiện cho TP phát triển.

Chương mới ngân sách đầu tư phát triển TP.HCM: BÀI 1: Hành trình vận động ngân sách - Ảnh 4.

Tuyến metro Bến Thành - Suổi Tiên, một trong những công trình trọng điểm của thành phố. Ảnh: Bạch Dương.

Công trình trọng điểm "đắp chiếu" nhiều năm

Một trong những hậu quả nổi cộm dễ thấy nhất của việc thiếu vốn, thiếu ngân sách là nhiều dự án hạ tầng trọng điểm đã được khởi công hơn 10 năm nhưng hiện nay vẫn ngổn ngang, chậm tiến độ.

Cụ thể, đường Vành đai 2 đã được phê duyệt đầu tư xây dựng cách đây 14 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành, hiện tuyến đường còn khoảng 14km được chia làm 4 giai đoạn chưa thể khép kín.

Nhiều công trình hạ tầng giao thông ‘đắp chiếu’ do thiếu vốn - Ảnh 1.

Đường Vành đai 2, đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng - nút giao thông Gò Dưa (TP.Thủ Đức) dài 2,75km hiện nay đang “án binh bất động” sau 14 năm khởi công xây dựng. Ảnh: V.D

Là trục kinh tế nối TP.HCM với các tỉnh Tây Nguyên, thế nhưng tuyến đường quốc lộ 13 dài 4,5 km nằm trên địa bàn TP.HCM đã 20 năm người dân vẫn 'dài cổ' chờ xây dựng.

Quốc lộ 13 đoạn từ ngã tư Bình Phước (TP. Thủ Đức) chạy ngang bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) thuộc dự án đầu tư xây dựng cầu đường Bình Triệu 2 (dự án Bình Triệu 2).

Dự án có 2 giai đoạn, xây mới cầu Bình Triệu 2 và thực hiện cải tạo, nâng cấp một số tuyến đường với tổng chiều dài hơn 10,6km, trong đó có 4,5km thuộc quốc lộ 13, tiếp giáp tỉnh Bình Dương, từ ngã tư Bình Phước đến ngã tư Bình Lợi, là đoạn đường đã xuống cấp nặng nhất.

Quốc lộ 13 được coi là "xương sống" nối tỉnh Bình Dương với TP.HCM. Trong khi phía tỉnh Bình Dương đã mở rộng 6 làn xe, sắp tới chuẩn bị tăng lên 8 làn xe thì đoạn đường khi về tới TP.Thủ Đức (TP.HCM) bị "thắt cổ chai" nên thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng.

Dự án mở rộng quốc lộ 13 được UBND TP.HCM đề xuất từ năm 2002, khi đó, chi phí giải phóng mặt bằng chỉ mất khoảng 2.500 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng. Sau 20 năm, tổng mức đầu tư dự án này hiện đã lên tới 9.992 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng đội lên 8.176 tỷ đồng.

Năm 2017, theo Nghị quyết 437/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phải tạm dừng hình thức BOT trên đường hiện hữu. Do đó, theo báo cáo của Sở GTVT TP.HCM, nhiều dự án trọng điểm, trong đó có dự án mở rộng quốc lộ 13 từng được đề xuất đầu tư theo hình thức BOT, BT đã được chuyển đổi hình thức đầu tư sang sử dụng vốn ngân sách.

Ghi nhận thực tế cho thấy, tuyến đường quốc lộ 13 đi qua TP.HCM hiện nay đang là điểm nóng của ùn tắc giao thông và ngập nước.

Theo phản ánh của nhiều hộ dân sống dọc quốc lộ 13, đã 20 năm trôi qua nhưng đến nay họ vẫn chưa biết dự án bao giờ mới tiếp tục triển khai, việc đền bù giải phóng mặt bằng thế nào cũng không được biết. Hiện chỗ nào mặt đường xuống cấp thành ổ voi thì được ngành chứng năng vá víu lại, nhưng vì tuyến đường quá nhỏ mà lượng xe lưu thông lớn nên luôn trong tình trạng kẹt cứng không kể thời gian nào trong ngày.

"Nhà bị xuống cấp nhưng chúng tôi cũng không dám sửa chữa hay xây dựng lại vì nằm trong quy hoạch của dự án, mỗi khi trời mưa hay triều cường lên thì cả tuyến đường đều ngập như sông. Cùng một tuyến đường, mà ở Bình Dương người ta đầu tư xây dựng rất đẹp và bài bản, còn về đến thành phố thì lại bị "thắt cổ chai" lại", ông Trần Văn Hường, ngụ phường Hiệp Bình Phước (TP. Thủ Đức) nói.


Công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng bị trì hoãn

TP.HCM còn có dự án công trình chống ngập "khủng" có tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng cũng bị trì hoãn 5 năm nay, vẫn ì ạch vì thiếu vốn. Đây là dự án chống ngập có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 (dự án ngăn triều) được khởi công tháng 6/2016. Mục đích của dự án nhằm kiểm soát ngập cho diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.

Công trình sau khi hoàn thành giúp thành phố chủ động điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường cho khu vực.

Nhiều công trình hạ tầng giao thông ‘đắp chiếu’ do thiếu vốn - Ảnh 5.

Công trình chống ngập “khủng” có tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng sau nhiều năm triển khai vẫn ì ạch, chưa hoàn thành vì thiếu vốn. Ảnh: V.D

Công trình dự kiến hoàn thành vào năm 2019, nhưng phải dừng thi công vào tháng 4/2018 do thiếu vốn. Đến giữa tháng 11/2020 dự án tiếp tục ngưng cho đến nay khi đã đạt khoảng 96% tiến độ, nguyên nhân là do UBND TP.HCM chưa ký phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian hoàn thành (hợp đồng hết hạn từ tháng 6/2020).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem