TP.HCM xin nâng điều tiết ngân sách lên 23%:Bài 3: Thêm tiền, có cơ hội xây dựng thành phố thông minh

Quốc Hải Thứ tư, ngày 26/05/2021 06:00 AM (GMT+7)
Với dân số khoảng 9 triệu người, TP.HCM được xem là một “siêu đô thị”, có rất nhiều lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư, bên cạnh phát triển hạ tầng giao thông, hướng đến thành phố thông minh.
Bình luận 0

Theo tính toán của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nếu được giữ lại 23% ngân sách, năm đầu tiên, thành phố sẽ có thêm khoảng 11.000-12.000 tỷ đồng. Thành phố cũng đã lên danh mục ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2025 như khép kín đường Vành đai 2, Vành đai 3, cầu đường Nguyễn Khoái, cầu Cần Giờ, cao tốc Mộc Bài, mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Trung Lương, mở rộng quốc lộ 22...

Chương mới ngân sách đầu tư phát triển TP.HCM: Thêm tiền, hướng đến thành phố thông minh - Ảnh 1.

Hà tầng giao thông ở TP.HCM đã phát triển khá tốt trong vài năm trở lại đây nhưng nhìn chung vẫn chưa tương xứng với mục tiêu trở thành đô thị "đầu tàu " dẫn đắt linh tế khu vực phía Nam... (Ảnh: Quốc Hải)

Tập trung hạ tầng, không quên xúc tiến đầu tư, an sinh xã hội

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, chuyên gia kinh tế, nguyên trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nói: "Tôi tin rằng, với tỷ lệ mới này thì TP sẽ có điều kiện tốt hơn để giải quyết bài toán thiếu vốn cho cơ sở hạ tầng, giao thông, nước sạch đô thị…".

Ông Bảo cũng cho rằng, bên cạnh hạ tầng, thành phố cũng có thêm nguồn vốn để phát triển các ý tưởng mới về đô thị thông minh, về nền tảng số, chuyển đổi số trong điều hành, tài chính công.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, TP.HCM đề xuất những vấn đề thành phố cần quan tâm đầu tư nếu ngân sách được duyệt tăng thêm. Thứ nhất là việc xúc tiến đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư nhiều hơn. Thứ 2 là vấn đề an sinh xã hội cho người lao động, vấn đề y tế,… Thứ 3 là phát triển hạ tầng cơ sở, nâng cấp đường xá, cầu cống, giải quyết ngập lụt, rác thải.

Trong khi đó, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế thì cho rằng, nếu được giữ lại ngân sách tăng thêm 5% thì có 3 lĩnh vực nên đầu tư gồm hạ tầng, y tế và giáo dục. Theo chuyên gia này, TP trong nhiều năm nay đã phát triển các khu dân cư, khu đô thị quá nhiều, lĩnh vực hạ tầng giao thông còn yếu kém nhưng tạm chấp nhận được, nhưng các lĩnh vực y tế và giáo dục thì còn quá yếu.

Chương mới ngân sách đầu tư phát triển TP.HCM: Thêm tiền, hướng đến thành phố thông minh - Ảnh 2.

Tình trạng nhà ổ chuột ven kênh, rạch vẫn đang là nút thắt trong phát triển kinh tế - xã hội, chỉnh trang đô thị ở TP.HCM (Ảnh: Quốc Hải)

"Một đô thị như TP.HCM nếu chỉ đi làm đường không thì chưa đủ, mà cần phải có yếu tố hạ tầng kỹ thuật mềm – đó chính là dịch vụ. Ở lĩnh vực giáo dục thì có thể xã hội hóa được trước mắt, nhưng nếu lĩnh vực y tế cũng xã hội hóa quá nhiều thì gánh nặng của người dân rất lớn, vì thế TP nên tập trung vào Y tế", TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế nói.

Theo chuyên gia này, TP cách đây 20 năm có chương trình kích cầu y tế, nhờ đó các bệnh viện công đã xây dựng được các cơ sở tương đối ổn, nhưng đó chỉ là các bệnh viện có sẵn trong nội thành. Còn bây giờ TP nên tập trung đầu tư cho các BV ở các huyện, quận mới. Chính các chiến lược nâng cao dịch vụ cho người dân này sẽ  giúp cho sự bền vững của phát triển kinh tế.


Các doanh nghiệp kỳ vọng gì khi hướng đến thành phố thông minh?

Ở góc độ doanh nghiệp, nhiều đơn vị cũng rất kỳ vọng vào việc TP.HCM được giữ lại nguồn ngân sách tăng thêm 5% (từ 18% lên 23%).

Ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Phó Tổng giám đốc Thủ Đức House, nhấn mạnh: "Nếu được giữ lại nguồn ngân sách tăng thêm, tôi nghĩ đầu tiên TP nên tập trung đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở. Bởi, chủ trương của Chính phủ là rất muốn TP phát triển các khu công nghiệp, các khu dân cư mới. Chủ trương này trước hết là để giãn dân, thứ 2 là quỹ đất ở ngoại thành lớn.".

Theo ông Chinh, TP đã và đang triển khai chính quyền đô thị, hiện tại là ở Thủ Đức, sắp tới sẽ là Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ… rồi cả Long An sẽ trở thành các khu trọng điểm kinh tế. Vì thế, nếu nguồn ngân sách giữ lại tăng thêm sẽ rất tốt để TP triển khai các mục tiêu này. Hiện nay, đấu nối giao thông, liên kết vùng với nhau đều bằng hạ tầng giao thông. Nếu hạ tầng giao thông phát triển thì việc di chuyển giữa các vùng kinh tế với nhau sẽ thuận lợi hơn và giúp tiết giảm thời gian, chi phí hơn…

Chương mới ngân sách đầu tư phát triển TP.HCM: Thêm tiền, hướng đến thành phố thông minh - Ảnh 4.

Giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cũng là mục tiêu mà các chuyên gia kinh tế đề xuất TP.HCM tập trung đầu tư nếu ngân sách giữ lại được duyệt tăng thêm (Ảnh: Quốc Hải)

Trong khi đó, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao - Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, cho rằng:

Thứ nhất, ưu tiên đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, để làm sao thúc đẩy cho nền kinh tế không chỉ riêng của TP.HCM mà còn kết nối cho các tỉnh thành giáp TP.HCM được hưởng lợi theo, tạo nên liên kết vùng. Cơ sở hạ tầng là điều kiện để giúp cho TP.HCM có thể mở rộng giao thương với các tỉnh, các vùng; cũng như giúp các tỉnh, vùng kết nối với TP.HCM tốt hơn, giúp thúc đẩy lượng giao thương hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng sản xuất kinh doanh, xuất – nhập khẩu tăng cao hơn nữa.

"Khi cơ sở hạ tầng được thông thoáng, rộng rãi hơn và thậm chí là kết nối nhiều hơn với các tỉnh, vùng ven lân cận thì sẽ giúp cho không chỉ kinh tế TP.HCM mà các tỉnh, vùng kinh tế xung quanh được cùng phát triển theo", ông Phương nói.

Ưu tiên thứ 2, theo ông Phương là TP nên tập trung phát triển TP thông minh hay còn gọi là TP tài chính. Phải biết rằng, Singapore hay Hồng Kông dù diện tích nhỏ nhưng nhờ có cơ chế đặc thù, có những chính sách ưu tiên nên đã phát triển thành những trung tâm, định chế tài chính lớn trên thế giới.

TP.HCM có đặc trưng dân số đông, dân số có trình độ, trẻ, cũng là nơi có nhiều DN mới nổi, tập trung các ngân hàng, định chế tài chính lớn không chỉ trong nước mà còn có cả quốc tế.

Vì thế, với nguồn ngân sách được giữ lại đó, TP nên tập trung đẩy mạnh phát triển mô hình TP tài chính. Khi đó, nói tới TP.HCM thì không còn gói gọn ở một TP đầu mối kết nối sản xuất – kinh doanh, xuất – nhập khẩu hàng hóa mà TP sẽ có một bước tiến cao hơn, đẳng cấp hơn là TP chuyên về tài chính. Khi đó, các định chế tài chính lớn sẽ tìm về TP.HCM như một trung tâm giao dịch về tiền tệ, tài chính, các sản phẩm dịch vụ về tài chính… không chỉ riêng cho Việt Nam mà cho cả khu vực, thế giới.

"Hiện nay, hầu như các định chế tài chính lớn trên thế giới đều có văn phòng đại diện, chi nhánh, thậm chí mở cả công ty con ở Hồng Kông, Singapore… để mở rộng thị trường tài chính toàn cầu. Tại sao TP.HCM không nghĩ tới điều đó?", ông Phương đặt vấn đề.

Ông Phương cũng không quên nhắc đến các lĩnh vực phụ cũng cần phát triển như hệ thống thông tin, tiến tới tiêu chuẩn của công nghệ 4.0, giúp cho việc tiếp cận thông tin, xử lý tình huống từ các cơ quan, đoàn thể, sở ban ngành… nhanh hơn đến người dân, giúp hạn chế các thủ tục, hạn chế nhũng nhiễu, vòi vĩnh làm chậm sự phát của doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển nền kinh tế trên cả nước.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem