TP.Hồ Chí Minh: Điểm sáng làm đường nông thôn mới

Thứ bảy, ngày 21/09/2013 06:42 AM (GMT+7)
Những năm qua, cùng với việc thực hiện các tiêu chí khác, việc đầu tư, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn đã trở thành điểm sáng trong xây dựng NTM tại TP.HCM.
Bình luận 0
Theo Sở GTVT TP.HCM, việc đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn của thành phố được tập trung thực hiện tại 5 huyện ngoại thành (gồm Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi), với hàng loạt công trình giao thông đã được xây dựng và đưa vào sử dụng, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa nội thành và ngoại thành. Đơn cử như việc mở rộng, nâng cấp các tuyến đường Tỉnh lộ 2, Tỉnh lộ 7, Tỉnh lộ 8, Tỉnh lộ 15 (Củ Chi); xây dựng và nâng cấp đường song hành Quốc lộ 22, Đặng Công Bỉnh, Võ Văn Dậy, hương lộ 60 (Hóc Môn); nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 10 và 10B, đường Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Hữu Trí (Bình Chánh)... Đặc biệt, tại các xã thí điểm xây dựng NTM là Tân Nhựt, Tân Thông Hội, Thái Mỹ, Lý Nhơn, Xuân Thới Thượng, hệ thống giao thông nông thôn đã khá hoàn chỉnh, phục vụ tốt nhu cầu đi lại cũng như sản xuất của người dân.

Ông Trần Thế Kỷ- Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, từ năm 2008 đến nay, địa phương đã xây mới 51,4km đường nông thôn, nâng cấp, sửa chữa 1.117km. Riêng các tuyến đường xây dựng theo tiêu chí NTM, đến nay thành phố đã thực hiện được 283 công trình, trong đó duy tu, nâng cấp 92km đường trục xã, liên xã; làm mới và nâng cấp trên 95km đường trục ấp, liên ấp, gần 80km đường ngõ xóm, liên tổ và hơn 44km đường nội đồng.

Ông Trần Trường Sơn- Phó Chủ tịch Hội ND TP.HCM cho biết, sau 5 năm thực hiện cuộc vận động “Cả nước chung sức xây dựng NTM” (từ 2008 – 2013), các hội viên nông dân thành phố đã đóng góp được gần 100 tỷ đồng để làm mới và sửa chữa trên 700km đường nông thôn. Ông Kỷ cũng cho biết thêm, tại thành phố đã xuất hiện nhiều gương điển hình trong phong trào hiến đất làm đường NTM, thậm chí nhiều người còn tự bỏ vốn ra làm đường. Chỉ tính riêng tại 6 xã thực hiện thí điểm xây dựng NTM, đã có trên 7.000 hộ dân hiến 726.000m2 đất, ước tính trị giá trên 615 tỷ đồng. Điển hình như tại huyện Bình Chánh, nông dân đã hiến gần 70.000m2 đất, trong đó có hộ hiến đất với giá trị khoảng 2 tỷ đồng.

Theo ông Kỷ, hiện tỷ lệ nông dân đóng góp đất làm đường của thành phố cao hơn trung bình cả nước, nhưng trong thời gian tới, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa giao thông nông thôn theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, huy động mạnh hơn sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp…

Hữu Ký (Hữu Ký)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem