Theo Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM TP.HCM Thái Quốc Dân, hiện đã có 4 xã hoàn thành chương trình NTM nâng cao của thành phố, gồm: Thái Mỹ, Tân Thạnh Tây, Nhuận Đức (huyện Củ Chi) và Bình Lợi (huyện Bình Chánh).
Những điển hình vượt khó…
Xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi vừa tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020. Qua 10 năm triển khai xây dựng NTM, đến nay, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nâng chất NTM giai đoạn 2016 - 2020. Cơ sở hạ tầng phát triển đáp ứng được nhu cầu sản xuất và dân sinh.
Theo Chủ tịch UBND xã Thái Mỹ Lê Ngọc Sương, hiện thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt 58 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo là 0,46%/tổng số hộ dân.
Tuy nhiên, ấn tượng nhất với xã Thái Mỹ là cảnh quan, môi trường ở đây. Dọc theo một số tuyến đường, chính quyền và người dân trồng chăm sóc và tạo những con đường hoa rất đẹp.
Một con đường hoa ở xã Thái Mỹ. (ảnh: Trần Đáng)
Bên cạnh đó, theo bà Sương, đến nay, 100% hộ dân trong xã được tiếp cận và sử dụng nước sạch. 100% hộ dân trong khu dân cư đăng ký thu gom rác. Số hộ dân “xanh hóa tường rào” đạt 25%.
Về việc nâng cao thu nhập cho người dân Xã Bình Lợi được xem như lá cờ đầu. Từ một xã vùng trũng, phèn chua, đời sống người dân khốn khó chỉ sau những năm đẩy mạnh làm NTM, thu nhập bình quân của người dân xã Bình Lợi đạt 65 triệu đồng/người năm (2018) - đây là mức thu nhập cao nhất hiện nay của các xã làm NTM của thành phố.
Theo ông Trương Thái Ngọc - Chủ tịch UBND xã Bình Lợi, thành công này là được sự quan tâm thường xuyên, sâu sát của lãnh đạo thành phố; sự đồng lòng tham gia chung sức xây dựng NTM của nhân dân.
Nâng cao đời sống, tinh thần cho người dân
Từ năm 2009, thành phố đã triển khai bộ tiêu chí NTM, mục tiêu đề ra là phấn đấu đến năm 2020 tất cả 56/56 xã của 5 huyện, gồm: Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh đạt chuẩn NTM nâng cao theo đặc thù của thành phố với đời sống vật chất, tinh thần và thu nhập người dân nông thôn được nâng cao và bền vững.
Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn tại TP.HCM ngày càng thu hẹp qua các năm: Năm 2008, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn bằng 55,5% so với khu vực thành thị; đến năm 2010, bằng 66,5% và đến cuối năm 2016 bằng 71,9% (theo số liệu từ Cục Thống kê TP và Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP.HCM). |
Theo ông Trần Ngọc Hổ -Phó Giám đốc Sở NNPTNT, chương trình xây dựng NTM luôn được người dân ủng hộ và cùng chung sức. 10 năm qua, nguồn lực đầu tư rất lớn; nhờ đó sản xuất phát triển, có sự chuyển biến mạnh về chất và lượng...
Ông Dân cho biết, thành tựu nổi bật sau 10 năm xây dựng NTM của thành phố có thể khái quát: Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 427,2%; năm 2018 bình quân đạt 502 triệu đồng/ha/năm, so với 2008 (117,5 triệu đồng/ha/năm) - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 26 - NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ước tính thu nhập bình quân năm 2018 của người dân nông thôn đạt 54,76 triệu đồng/người, tăng 248,1% so với năm 2008 (15,73 triệu đồng/người). Hiện TP.HCM không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia...
Ông Hổ cho biết, trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung thực hiện các tiêu chí còn khó khăn và đã đề ra các giải pháp cụ thể cho từng tiêu chí. Vừa qua, HĐND thành phố đã thông qua bố trí vốn trung hạn hơn 8.000 tỷ đồng cho hơn 1.500 công trình.
“Sở NNPTNT sẽ phối hợp các cơ quan liên quan và 5 huyện triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình góp phần cải thiện hạ tầng nông thôn. Ngoài ra, thành phố tiếp tục triển khai các chính hỗ trợ phát triển nông nghiệp, ưu tiên đầu tư công nghệ cao, liên kết tiêu thụ sản phẩm giúp người dân nâng cao thu nhập” - ông Hổ cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.