Hội nghị được tổ chức ngày 8.8 tại TP.HCM trong điều kiện thành phố này đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, với mục tiêu sẽ hoàn thành chương trình này vào ngày 30.4.2015 (thay vì cuối năm 2015) để chào mừng 40 năm Ngày giải phóng miền Nam.
Không chấp nhận đói nghèo, dịch bệnh
Về kết quả xây dựng NTM, theo báo cáo tại hội nghị, ở 6 xã thí điểm đầu tiên đã về đích, hoàn thành 19/19 tiêu chí. Còn 50 xã mới mở rộng đạt bình quân 14/19 tiêu chí, tăng 1 tiêu chí so với năm 2013.
Ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, 6 tháng đầu năm 2014 chỉ tăng có 1 tiêu chí so với năm 2013 là còn quá chậm. Để thành phố có thể về đích xây dựng NTM vào ngày 30.4.2015 nhằm chào mừng 40 năm Ngày giải phóng miền Nam thì từ nay đến cuối năm phải đạt được ít nhất 17/19 tiêu chí, 2 tiêu chí còn lại thực hiện trong đầu năm 2015 mới kịp. Và huyện nào về đích sớm cuối năm nay sẽ có thưởng như đã nói ở trên.
Cũng theo ông Thưởng, tuy báo cáo công bố rằng thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia, nhưng thực tế vẫn còn tình trạng nhà xập xệ, người dân còn nghèo, thiếu nước sạch sử dụng, nguồn nước bị ô nhiễm gây nên ổ dịch bệnh tả tại huyện Bình Chánh.
“Không thể chấp nhận đói nghèo và dịch bệnh xảy ra ở TP.HCM được” – ông Thưởng nhấn mạnh. Về điều này, ông Lê Văn Hòa- Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh giải thích: Khu vực xảy ra dịch bệnh nói trên đang trong quá trình giải tỏa nên126 hộ dân sinh sống ở đây chỉ thuê sống tạm.
Tặng nhà tình thương đến đúng đối tượng
Trong Chương trình xây dựng NTM, TP.HCM cũng đã vận động 19 quận nội thành, các tổng công ty, Đảng ủy cấp trên cơ sở, lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong… phối hợp, hỗ trợ cho 5 huyện ngoại thành xây dựng NTM, gắn liền với giảm nghèo bền vững.
Theo số liệu tổng hợp của Sở NNPTNT TP.HCM, tính đến ngày 30.7.2014, các đơn vị đã ký kết xóa 2.137 căn nhà tạm, dột nát trên địa bàn 5 huyện xây dựng NTM của TP.HCM. Trong đó, đã xóa 549 căn, còn 1.588 căn sẽ thực hiện từ nay đến quý I/2015. Tổng số tiền các đơn vị ký kết hỗ trợ là 20,4 tỷ đồng.
Ông Cao Văn Phận-Phó Bí thư Thường trực Tổng Công ty Dệt may Gia Định cho biết đây là một chương trình rất thực chất và có ý nghĩa, cùng với các huyện, các doanh nghiệp đã xuống tận nơi khảo sát để đảm bảo trao nhà tình thương cho đúng đối tượng.
“Trong chức năng chuyên môn của mình, chúng tôi còn mong muốn phối hợp với thành phố xây dựng một xí nghiệp hoặc nhà máy may tại huyện Bình Chánh với quy mô khoảng 1.000 công nhân, nhằm góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân thành phố” – ông Phận cho biết.
Nếu năm 2009, khi TP.HCM bắt đầu phát động Chương trình xây dựng NTM và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giá trị sản xuất nông nghiệp chỉ đạt 139 triệu đồng/ha thì năm 2013 đã tăng lên hơn gấp 2 lần, đạt 282 triệu đồng/ha. Thu nhập bình quân của người dân tại khu vực nông thôn TP.HCM cũng đã tăng từ 15,7 triệu đồng lên 32,7 triệu đồng/người/năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.