TQ đắc lợi ra sao trong cuộc khủng hoảng Ukraine?

Thứ ba, ngày 24/02/2015 13:30 PM (GMT+7)
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay đã đẩy quan hệ Mỹ-Nga xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh, đẩy châu Âu vào một tình thế rối loạn, mâu thuẫn và các chuyên gia cho rằng giai đoạn rối ren này đã giúp một “ngư ông đắc lợi”, đó chính là Trung Quốc.
Bình luận 0

Mặc dù quân đội Ukraine và phe ly khai đã đồng ý trao đổi tù binh, rút vũ khí hạng nặng ra khỏi vùng chiến sự, song thỏa thuận hòa bình Minsk ký hôm 12/2 vẫn không chấm dứt được chiến sự ở miền đông Ukraine.

Thị trấn Debaltseve đã rơi vào tay phe ly khai sau một cuộc vây hãm khốc liệt, trong khi một quả bom phát nổ trong cuộc tuần hành ở thành phố Kharkov hôm Chủ nhật đã khiến 2 người thiệt mạng và làm phức tạp thêm tình hình.

Đối với Mỹ, cuộc đối đầu Nga-phương Tây hiện nay không chỉ dừng lại ở một cuộc xung đột về toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Mỹ coi những động thái hiện nay của Nga ở Ukraine là sự thách thức trật tự thế giới mà Mỹ đã dày công xây dựng từ sau Chiến tranh Lạnh.

img
Chiến sự vẫn tiếp tục leo thang nguy hiểm ở đông Ukraine

 

Còn đối với châu Âu, sau khi Nga sáp nhập Crimea và cuộc xung đột ở đông Ukraine bùng lên, họ cảm thấy trật tự an ninh của mình đang bị đe dọa, đặc biệt là các quốc gia Đông Âu và là thành viên của NATO như Latvia, Litva, Ba Lan.

Các chính khách ở Washington đã bắt đầu nói về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Trong khi đó, giáo sư Konstantin Sonin thuộc Cao đẳng Kinh tế Moscow đã tuyên bố: “Nước Nga đang thực hiện một sứ mệnh thiêng liêng. Nước Nga đang trong cuộc chiến với Mỹ”.

Và trong “cuộc chiến” Nga-Mỹ, ít nhất là về mặt kinh tế như hiện nay, các chuyên gia phân tích tin rằng kẻ chiến thắng cuối cùng không phải là Washington hay Moscow, mà chính là Trung Quốc, một quốc gia tưởng chừng như không hề liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc

Theo Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF), Trung Quốc hiện đã vượt mặt Mỹ để trở thành nền kinh tế số một thế giới tính theo sức mua tương đương (PPP). Bắc Kinh cũng đang mạnh tay đầu tư cho quân sự để tăng cường sức mạnh cho quân đội nước này, và sự trỗi dậy của Trung Quốc hiện nay được ví như nước Mỹ trong cuối thế kỷ 19.

Trong sự trỗi dậy mạnh mẽ đó của Trung Quốc có vai trò không hề nhỏ của Nga. Theo giáo sư Gabriela Thornton thuộc Khoa Quan hệ Quốc tế Đại học A&M Texas (Mỹ), nếu Mỹ và châu Âu không cải thiện được quan hệ với Nga, Trung Quốc sẽ ngày một mạnh hơn và đứng vào thế đối đầu với Mỹ trong tương lai không xa.

img
Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ cả về kinh tế lẫn quân sự

 

Bà Thornton cho rằng nền kinh tế Nga đang rơi vào tình thế rất khó khăn do giá dầu thế giới sụt giảm và các lệnh cấm vận khắc nghiệt của phương Tây. Ngân hàng Thế giới cho biết GDP của Nga sẽ giảm 2,9% vào năm 2015, còn Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu ước tính nền kinh tế Nga sẽ suy giảm tới 5% trong năm nay.

Trong một nỗ lực nhằm thoát khỏi thảm họa kinh tế, Nga đang quay sang với châu Á, đặc biệt là Trung Quốc để ký các hợp đồng bán dầu mỏ trị giá hàng tỉ USD cùng các khoản vay nợ và các thỏa thuận hợp tác quân sự mới.

Hồi tháng 5/2014, Moscow đã ký với Bắc Kinh thỏa thuận khí đốt trị giá 400 tỉ USD. Đến tháng 11/2014, một thỏa thuận khung cung cấp khí đốt khác cũng được Nga ký với Trung Quốc.

Tháng 12/2014, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết Nga và Trung Quốc đang cùng nhau phát triển các hệ thống vũ khí mới đối chọi với Mỹ. Trong khi đó, kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc cũng sẽ tăng từ 90 tỉ USD năm 2014 lên 100 tỉ USD trong năm nay.

Cuộc mặc cả

Logic của vấn đề này vô cùng đơn giản: Trung Quốc cần tài nguyên thiên nhiên, thứ mà Nga rất dồi dào. Nga cần thị trường, các khoản đầu tư nước ngoài và tiền, trong khi Trung Quốc với hơn 1 tỉ dân lại có thừa.

img
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký thỏa thuận hợp tác về khí đốt

 

Các lợi ích địa chính trị luôn chồng chéo nhau. Chuyên gia phân tích quốc tế Alexey Ilin cho rằng Trung Quốc không hề muốn Mỹ thống trị vùng biển phía nam châu Á, trong khi Nga không muốn phương Tây xâm phạm vào cái mà họ gọi là “phạm vi ảnh hưởng” của mình. Nói tóm lại, cả Nga và Trung Quốc đều không muốn Mỹ thống trị thế giới.

Thế nhưng, Nga và Trung Quốc đồng thời lại là hai người khổng lồ cùng cạnh tranh ảnh hưởng địa chính trị với nhau. Bởi thế, giáo sư Thornton đã gọi mối quan hệ hợp tác hiện nay giữa Nga và Trung Quốc là một “Faustian bargain” (cuộc mặc cả với quỷ - PV).

Về ngắn hạn, Nga sẽ có sức chống đỡ với phương Tây bằng cách bán dầu, khí đốt, tài nguyên cho Trung Quốc. Nhưng về dài hạn, Trung Quốc sẽ ngày càng lớn mạnh hơn so với đối thủ cạnh tranh Nga, khi Moscow đang giúp Bắc Kinh phát triển kinh tế và ngày càng trở nên mạnh hơn, trong khi Nga lại trở nên phụ thuộc hơn.

Phương Tây phải làm gì?

Theo các chuyên gia phân tích, viễn cảnh về sự trỗi dậy không thể nào ngăn cản được của Trung Quốc buộc phương Tây phải có những tính toán thận trọng đối với Nga và họ không được phép bỏ qua các cuộc đàm phán để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.

img
Cách hành xử hiện nay của phương Tây đang đẩy Nga tới gần hơn với Trung Quốc. Ảnh minh họa

 

Về dài hạn, giáo sư Thornton cho rằng Mỹ cần phải tính đến một “thế chân vạc” về quyền lực thế giới giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Hầu hết các chiến lược gia của Mỹ đều nhất trí rằng Trung Quốc chứ không phải Nga mới là thách thức địa chính trị lớn nhất của Mỹ trong thế kỷ 21, và Nga chính là đối trọng đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Bà Thornton nhận định cách hành xử hiện nay của Mỹ và châu Âu đang đẩy Nga vào vòng tay của Trung Quốc, và đây là một “sai lầm địa chính trị” chiến lược. Bởi vậy, nếu quan hệ Mỹ-Nga đổ vỡ, Trung Quốc mới là người thắng cuộc.

Trí Dũng (Theo Diplomat, AP)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem