TQ sắp có thể giám sát tàu ngầm hạt nhân toàn thế giới?

Đăng Nguyễn - SCMP Thứ hai, ngày 17/10/2016 16:25 PM (GMT+7)
Các nhà khoa học Trung Quốc đang nghiên cứu một loại thiết bị vũ trụ có thể giám sát hoạt động của bất kỳ tàu ngầm hạt nhân nào trên thế giới.
Bình luận 0

img

Phi hành gia Cảnh Hải Bằng (trái) là thiếu tướng, còn Trần Đông là Đại tá. Cả hai mới được đưa lên vũ trụ thành công tư tàu Thần Châu XI.

Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), các phi hành gia Trung Quốc đảm nhận nhiều vai trò trong vũ trụ, từ giáo viên, kỹ thuật viên cho đến hướng dẫn viên.

Nhưng các lớp nghiên cứu khoa học, các nhiệm vụ sửa chữa, cắm cờ trong vũ trụ không thể giấu được thực tế đó là họ luôn là quân nhân phục vụ trong Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Hiện tại, chương trình đưa người lên vũ trụ của Trung Quốc ít có cơ hội để các phi hành gia thực hiện vai trò quân sự. Nhưng điều này sẽ thay đổi khi trạm vũ trụ của nước này đi vào hoạt động trong 6 năm tới.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của các phi hành gia là phát hiện, giám sát mọi hoạt động của tàu ngầm hạt nhân từ không gian, sử dụng công nghệ đột phá từ các nhà khoa học Trung Quốc.

Sáng ngày 17.10, Trung Quốc đã phóng thành công tàu vũ trụ Thần Châu XI, chở theo hai phi hành gia vào vũ trụ. Thần Châu XI sẽ sớm kết nối với phòng thí nghiệm Thiên Cung 2 sau đó một ngày. Đây chính là phòng thí nghiệm mang theo đồng hồ nguyên tử lạnh lên vũ trụ một tháng trước đó.

img

Đồng hồ nguyên tử lạnh tháng trước đã được Trung Quốc đưa lên vũ trụ thành công.

Đồng hồ nguyên tử cực kỳ chính xác này chia sẻ công nghệ với sự giao thoa nguyên tử lạnh, vốn có thể đo được những thay đổi nhỏ nhất của lực hấp dẫn. Thiết bị như vậy  sẽ sớm có mặt trên trạm không gian Trung Quốc, với nhiệm vụ theo dõi tàu ngầm hạt nhân.

Tàu ngầm hạt nhân thường có kích thước lớn, hơn 170 mét chiều dài và lượng giãn nước hơn 48.000 tấn. Khi di chuyển dưới đáy biển, tàu ngầm hạt nhân tạo ra sóng hấp dẫn. Thiết bị cực nhạy có thể phát hiện, phân tích vị trí sóng hấp dẫn vô hình và theo sát hoạt động của tàu ngầm.

Sử dụng công nghệ giao thoa nguyên tử lạnh để theo dõi tàu ngầm hiện vẫn là công nghệ gây tranh cãi. Một số nhà khoa học tin rằng, kế hoạch này không thể trở thành hiện thực bởi thách thức về kỹ thuật và khoảng cách xa như vậy. Những người khác tin rằng cũng đáng để thử nghiệm.

Giao thoa nguyên tử lạnh chỉ là một phần nhỏ trong phòng thí nghiệm nguyên tử lạnh trên trạm không gian Trung Quốc, một nhà khoa học giấu tên nói.

Công nghệ này hứa hẹn phục vụ mục đích quân sự nhưng không được công khai thảo luận trước công chúng.

Giáo sư Tu Liangcheng đến từ trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung ở Vũ Hán nói, chính phủ Trung Quốc đã đầu tư cho công nghệ phát hiện tàu ngầm từ nhiều năm nay. “Hải quân đang thay đổi thái độ với môi trường tác chiến tàu ngầm”, ông Tu, vốn tham gia hoạt động nghiên cứu của quân đội chia sẻ.

img

Tàu ngầm hạt nhân lớp Akula, lớn nhất thế giới của hải quân Nga.

Trong quá khứ, Trung Quốc chỉ tập trung phát triển tàu ngầm, làm chủ công nghệ làm cho tàu ngầm hoạt động yên tĩnh, lặn sâu dưới nước lâu hơn và mạnh mẽ hơn. Ngày nay, Bắc Kinh đã bắt đầu quan tâm đến việc theo dõi hoạt động của tàu ngầm hạt nhân nước ngoài, ngay cả ở các vùng biển xa Trung Quốc.

Theo Giáo sư Tu, Trung Quốc kém Mỹ đến 30 năm về khả năng phát hiện tàu ngầm. “Áp lực là rất lớn bởi Trung Quốc có nguồn lực, có năng lực trong nghiên cứu trong lĩnh vực này nhưng mọi người đều mong muốn một bước đột phá tức thời”, ông Tu chia sẻ.

Giáo sư Zhan Mingsheng, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu không gian, dựa trên sự giao thoa nguyên tử lạnh tại Học viện Vật lý và Toán học Vũ Hán tin rằng, các nhà khoa học Trung Quốc có thể thu nhỏ thiết bị từ kích thước to bằng căn phòng cho đến đặt vừa đằng sau một chiếc xe hơi.

Nhưng ông Zhan lo ngại về việc sử dụng công nghệ cho hoạt động giám sát tàu ngầm hạt nhân trong tương lai gần. “Vấn đề lớn nhất là tiếng ồn. Công nghệ này khá nhạy cảm và như đôi tai nghe được tất cả mọi thứ. Tín hiệu muốn thu thập bị trộn lẫn với hàng loạt tiếng ồn khác”.

Điểm mạnh của thiết bị là có thể chủ động nắm bắt được vị trí của bất kì tàu ngầm hạt nhân nào trên thế giới.

Yếu tố này đặc biệt quan trọng bởi một khi tàu ngầm hạt nhân đối phương lặn sâu xuống đại dương như Thái Bình Dương, các công nghệ giám sát thông thường sẽ không thể phát hiện ra được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem