Triều Tiên sẽ sớm làm chủ công nghệ phóng tàu vũ trụ thăm dò Mặt trăng.
Ngày 20.9, Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công động cơ tên lửa mới, có khả năng mang vệ tinh. Bình Nhưỡng nhấn mạnh, đây là thế hệ động cơ công suất cao mới được phát triển có lực đẩy lên tới 80 tấn, lớn gấp 3 lần so với các loại động cơ mà Triều Tiên sử dụng trong các vụ phóng tên lửa tầm xa trước đây.
Ông John Schilling, kỹ sư hàng không vũ trụ Mỹ, chuyên nghiên cứu chương trình phát triển tên lửa của Triều Tiên nhận định, động cơ mà Bình Nhưỡng mới thử nghiệm “có công suất rất lớn và mạnh mẽ”, phục vụ phóng các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mà Triều Tiên đang phát triển như KN-08 và KN-14.
Ngoài ra, động cơ này còn có thể sử dụng cho sứ mệnh khám phá vũ trụ. “Gần đây, Triều Tiên thông báo kế hoạch phóng tên lửa lên Mặt trăng trong vòng 10 năm tới cũng như đưa vệ tinh vào quỹ đạo Trái đất. Động cơ này phù hợp với tham vọng phóng tàu vũ trụ không người lái lên Mặt trăng”, ông Schilling nói.
“Vẫn còn một chặng đường dài để Bình Nhưỡng sở hữu công nghệ vệ tinh cần thiết. Nhưng hiện tại, Triều Tiên đã tiến một bước gần hơn đến khả năng đưa vệ tinh hoạt động cơ bản trong không gian. Chúng ta nên bắt đầu nghĩ về viễn cảnh Triều Tiên sở hữu năng lực này”.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát trung tâm điều khiển vệ tinh vừa mới được thành lập.
Bên cạnh đó, mặc dù động cơ mới được thử nghiệm chưa thể dùng để phóng ICBM song Triều Tiên đã chứng minh họ có khả năng sản xuất loại tên lửa cỡ lớn dùng cả nhiên liệu lỏng và rắn. Chuyên gia Mỹ còn nhấn mạnh Triều Tiên đã cho nâng cấp bãi phóng tên lửa tầm xa Sohae ở khu vực phía tây bắc nước này, nhằm chuẩn bị cho các vụ phóng tên lửa cỡ lớn. Động cơ mới cũng có thể được chuẩn bị để phóng tàu vũ trụ.
“Tàu vũ trụ thường sử dụng nhiều hơn một động cơ ở giai đoạn đầu tiên. Những dấu hiệu nâng cấp tại bãi phóng tên lửa Sohae cho thấy Triều Tiên đã chuẩn bị cho những đợt phóng tàu vũ trụ trang bị 4 động cơ”, ông Shilling phân tích.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ban hành lệnh cấm mọi hoạt động nghiên cứu, phóng thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, vì lo ngại Bình Nhưỡng phát triển tên lửa hạt nhân tầm xa.Về cơ bản tên lửa tầm xa và ICBM có chu trình hoạt động tương tự, chỉ khác ở trọng lượng đầu đạn mang theo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.