TQ sắp mất nguồn lợi khổng lồ vào tay... robot Mỹ

Quang Minh - QZ Thứ tư, ngày 31/08/2016 18:55 PM (GMT+7)
Lợi thế giá cả, nhân công và sản phẩm phụ trợ ở Trung Quốc đang không còn ý nghĩa trong cuộc cạnh tranh với siêu cường công nghiệp như Mỹ.
Bình luận 0

img

75% máy móc hiện đại của Trung Quốc không sản xuất ở Trung Quốc.

Sau 3 thập kỉ tăng trưởng mạnh mẽ, động lực sản xuất của Trung Quốc đang đình trệ. Với giá lương tăng, bất ổn lao động, môi trường bị tàn phá và ăn cắp sở hữu trí tuệ tràn lan, Trung Quốc không còn là nơi hấp dẫn các công ty phương Tây đặt nhà máy sản xuất. Công nghệ mới giúp loại bỏ lợi thế lao động giá rẻ ở Trung Quốc nên nhiều công ty mong muốn đưa ngược dây chuyền sản xuất về Mỹ và châu Âu.

Trung Quốc nhận thức rõ ràng việc đang mất đi lợi thế cạnh tranh lớn và lãnh đạo nước này muốn sử dụng công nghệ tối tân nhằm cân bằng hơn trên sân chơi toàn cầu. Đây được xem là bước đi nhằm tạo ra lợi thế mới cho Trung Quốc.

Tháng 5.2015, Trung Quốc đưa ra kế hoạch 10 năm mang tên “Made in China 2025” nhằm hiện đại hóa các nhà máy bằng công nghệ tối tân với robot, máy in 3D và internet công nghiệp. Tháng 7.2015, một dự án quốc gia khác mang tên “Internet Plus” được ra mắt nhằm “phát triển hạ tầng mạng internet di động, điện toán đám mây, dữ liệu lớn và mạng lưới kết nối vạn vật”.

Trung Quốc coi đây là ưu tiên quốc gia và đầu tư rất “khủng” cho tham vọng này. Riêng tỉnh Quảng Đông đã chi số tiền lên tới 150 tỉ USD trang bị robot công nghiệp cho các nhà máy trên địa bàn. Ngoài ra, hai trung tâm hỗ trợ tự động hóa đã được xây dựng.

Tuy nhiên, dù số tiền được chi ra là bao nhiêu, Trung Quốc vẫn rất khó thắng trên “mặt trận” máy công nghiệp thế hệ tiếp theo. Trung Quốc có lợi thế vì nguồn cung dồi dào, lao động giá rẻ và quy định lỏng lẻo. Nhưng với công nghệ robot hay in 3D, Trung Quốc vẫn còn rất “non”.

img

Công nhân Trung Quốc làm việc ở nhà máy di động Foxconn.

Robot Mỹ làm việc năng suất chẳng kém gì robot Trung Quốc. Chúng tiêu thụ cùng mức điện năng và “bảo gì làm nấy”. Về quy trình sản xuất, doanh nghiệp Mỹ sẽ không còn phải đẩy nguyên liệu thô và linh kiện điện tử sang Trung Quốc để lắp ráp hoàn chỉnh rồi gửi lại về nước nữa. Với thế hệ robot mới, chi phí sản xuất ở Mỹ có giá thành tương tự. Quan trọng hơn, khi quy trình gửi nhận hàng tốn hàng tuần bị loại bỏ, Mỹ tiết kiệm được thời gian và giảm ô nhiễm.

Có một điểm ngược đời là hầu hết robot Trung Quốc lại không sản xuất ở Trung Quốc. Một phân tích của Dieter Ernst từ Trung tâm Đông-Tây cho thấy 75% robot nước này được mua từ doanh nghiệp nước ngoài. Trung Quốc vẫn phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu các thành phần lõi từ Nhật Bản.

Theo tính toán của Ernst, có 107 công ty sản xuất robot ở Trung Quốc tuy nhiên chất lượng, sự an toàn và thiết kế đều rất kém. Đánh giá chỉ ra khoảng một nửa số này là trụ được trong tương lai.

Vấn đề lớn hơn với Trung Quốc hiện nay là nguồn nhân lực. Dù mỗi năm có hơn 1 triệu kĩ sư tốt nghiệp ở Trung Quốc, tuy nhiên chất lượng giáo dục của tầng lớp này rất thấp và không thông thạo chuyên môn. Tình trạng này còn tồi tệ hơn vì công nghệ sản xuất hiện đại rất cần kĩ năng quản lý, giao tiếp cấp độ cao cũng như điều hành trong một nhà máy đa thông tin. Ernst dự đoán rằng sự thiếu nguồn lực chất lượng sẽ là điểm yếu chí tử của Trung Quốc trong việc thúc đẩy sản xuất và dịch vụ tiên tiến.

Dù Trung Quốc làm ra những robot công nghiệp chất lượng cao, phát triển được quy trình sản xuất tiên tiến thì lợi thế này cũng không tồn tại lâu. Mỹ hoàn toàn có thể mua robot Trung Quốc và sao chép lại những đột phá công nghệ (nếu có).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem