Con số 7 triệu đồng/kg không khỏi khiến nhiều người giật mình và hoài nghi về mức giá. Tuy nhiên, nếu chứng kiến các công đoạn sản xuất trà thì thật đáng đồng tiền bát gạo". Để làm ra 1 kg trà cần 1200 bông hoa sen chớm nở, 21 ngày ủ ròng, người làm trà phải lao động từ 4h sáng tới tối.
Vào mùa sen, bà Lưu Thị Hiền (Quảng An - Tây Hồ - Hà Nội) phải thức dậy từ 4h sáng để đi lấy sen. Trước đây, các hộ làm trà thường lấy sen tại các đầm quanh khu vực hồ Tây. Tuy nhiên, những năm gần đây, sen hồ Tây liên tục mất mùa, diện tích trồng sen bị thu hẹp, nhiều chủ đầm không mặn mà với việc hái sen, thay vào đó là mở dịch vụ chụp ảnh.
Để khắc phục tình trạng đó, bà Lưu Thị Hiền và ông Ngô Văn Xiêm (chồng bà Hiền- một nghệ nhân ướp trà) đã đi tìm khắp nơi để có được một đầm sen của riêng mình. Ông Xiêm chia sẻ: "đầm thì có nhiều nhưng phải tìm sao cho "chất đất" giống với hồ Tây là cả một nỗi khó khăn". Cuối cùng, ông bà Xiêm đã tìm được một đầm sen ở quận Bắc Từ Liêm để nhân giống sen quý với mức thuê khá cao.
Trồng sen phải chăm sóc, cứ mỗi năm đến độ giêng hai, khi nước trong đầm cạn, ông bà Xiêm đầu tư phân hóa học lên tới hàng chục triệu đồng để bón, chỉ làm như vậy thì đến chính vụ sen mới nở to, thơm hương, và lâu tàn.
Lấy sen là một công đoạn hết sức vất vả.
Công việc chủ yếu do nam giới đảm nhiệm, việc chèo thuyền lướt qua những khóm sen rất tốn sức lực, tay của những người thợ hái sen luôn trầy xước do gai và nhựa sen.
Sau khoảng hai tiếng hái, sen được tập trung lên bờ.
Lòng thuyền đầy ắp hoa sen.
Bà Hiền nói rằng: "sen phải hái buổi sớm, lúc tinh sương mới giữ trọn được hương thơm và tinh túy của đất trời. Trên mọi miền đất nước, nơi đâu cũng có sen, nhưng không phải nơi nào sen cũng ướp được trà.
Chỉ có hồ Tây mới có giống sen quý Bách diệp để làm trà.
Điểm đặc biệt của loài sen này là bông có nhiều lớp, lớp ngoài cánh to, lớp trong cánh nhỏ, như cánh hoa súng, màu phớt hồng. Tuyệt đối không được ướp trà bằng sen quỳ (loại sen ít cánh, cánh to đều từ ngoài vào trong, loại sen này chỉ để lấy hạt).
Trên bờ, mọi người dựng tạm một túp lều bằng bạt, để làm sen tránh bị mất hương.
Sen được tách bỏ hết cánh ngoài.
Để lộ ra phần "gạo" ướp trà.
Dưới bàn tay khéo léo và chuyên nghiệp, các bộ phận của sen được tách riêng rẽ. Ông Xiêm và bà Hiền chia sẻ, việc làm sen rất khó, đòi hỏi tính tỉ mẩn và bền sức, không nóng vội. Hầu hết, người làm sen là các thành viên trong gia đình và người quen, có người đã gắn bó với gia đình hơn 20 năm. Ông bà đã từng bỏ tiền ra thuê lao động bên ngoài với mức giá cao, nhưng sau đó họ đều nghỉ do công việc vất vả.
Tỉ mẩn sàng gạo sen, gạo sen phải sạch, trắng, không lẫn tạp chất.
Gạo sen thành phẩm.
Ông Xiêm đang ướp trà trực tiếp vào bông hoa, loại trà này thực hiện đơn giản và có mức giá thấp hơn trà ủ bằng gạo.
Khi gạo sen từ đầm về, ông Xiêm bắt đầu thực hiện thao tác ướp trà. Mỗi lần ướp trà được ủ đi ủ lại qua 6 đến 7 lần, mỗi lần ủ cách nhau 3 ngày. Trước khi ủ phải làm mềm trà bằng cánh hoa. Trà mềm rồi thì cho 1 lớp trà rồi một lớp gạo, đợi ba ngày lại lấy ra đảo, lấy rổ sàng hết gạo sen cũ rồi lại thay gạo sen mới. Sau khi ủ xong, mang ra sấy bằng than hoa rồi đóng gói. Tất cả công đoạn làm trà không được dùng quạt hay điều hòa kể cả giữa mùa hè oi nóng. Kiêng cữ không để người mới sinh và phụ nữ đến tháng đi qua kẻo hỏng cả mẻ trà.
Sở dĩ trà này đắt bởi sự cầu kỳ, để làm ra 1kg trà cần 1000- 1200 bông sen. Ngoài ra, mỗi chén trà thực khách thưởng thức còn là sự đúc kết kinh nghiệm của mấy đời trong gia đình. Ông Xiêm nói: "Giờ cho mọi người công thức cũng không thể làm ra loại trà thứ thiệt được. Mỗi nghề có một bí kíp riêng, làm nghề chưa đủ mà phải đam mê về nó. Sự đam mê và cống hiến cả đời thì không giá nào có thể đánh đổi được.
Nguyễn An (Tiền Phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.