Tạo riêng một không gian biệt-thự-Pháp cho càphê Việt Nam (VN), hình như bà hơi bị “quáng” với càphê quá rồi phải không?
“Muốn bán cái gì cho người ta ăn uống thì trước nhất mình phải ăn uống được đã, đó cũng là cái tâm của người kinh doanh ngành này.” – Bà Nguyễn Thị Kim Hạnh, bà mẹ của thương hiệu cà phê Việt mới, Yellow Chair Specialty Coffee.
Chúng tôi cố tình chọn để khách nước ngoài đến tham quan và thưởng thức càphê thượng hạng. Nhưng cũng để cho khách VN được hưởng chính những thành quả từ “tài nguyên bản địa” của mình. VN nằm trong số 26 nước trên thế giới trồng được càphê. Mà hầu hết 196 nước đều uống càphê, vì thế tiềm năng xuất khấu càphê của VN rất lớn. Nhưng tại sao càphê VN lại luôn nằm ở top cuối về chất lượng, trong khi càphê của VN rất ngon.
Đã có rất nhiều các khảo sát của các nhà khoa học thế giới đến đây để xem xét đất trồng và giống càphê VN, để rồi tất cả đều mê mẩn chất lượng hiếm có của các vùng trồng càphê Buôn Ma Thuột, Lâm Đồng, v.v, những vùng thổ nhưỡng cho ra giống càphê hàng đầu thế giới. Nhìn toàn cảnh càphê VN từ đất trồng cho đến khi ra thành phẩm với một nền văn hoá càphê lâu đời, tôi thấy thật bất công cho cây càphê VN. Điều này khiến tôi càng muốn làm thế nào để đem lại giá trị thật sự cho hạt càphê. Sẵn đang có điều kiện để đầu tư, tôi quyết định làm.
Nhưng ông bà đang rất thành công với thương hiệu “kimchi Ông Kim”, mỗi năm doanh thu lên đến 120 tỉ, sao lại bỏ đi làm càphê, ngành đang “đất chật người đông”?
Thật ra, gia đình tôi trồng càphê từ thập niên 1960s trên Buôn Ma Thuột. Sau này tìm hiểu vì sao càphê VN bị xếp hạng thấp, tôi quay về tìm lại đồn điền càphê của ba, thấy các farmer ở đây thay vì chọn hạt chín để hái và phân loại thì họ tuốt càphê rồi sau đó phơi không đúng kỹ thuật. Điều này làm cho càphê Việt không cạnh tranh được với càphê khác trên thế giới.
Bạn làm tôi nhớ lại “đứa con” của mình ngày trước. Hôm nay là ngày 20.10. Vào ngày này, cách đây 15 năm tôi gặp một người đàn ông tên là Kim, người Hàn Quốc (HQ) và rất yêu VN. Lúc đó tôi còn đang học năm cuối đại học. Anh có phỏng vấn tôi và mời tôi làm việc ở công ty của anh ở VN.
Tôi để ý và thấy lúc nào người HQ cũng cầm gói kimchi đi theo. Tôi tham gia vào nhóm của anh nên thường ăn chung, và chúng tôi thì cứ tranh nhau ăn hết kimchi. Cuối cùng tôi nghĩ “Ủa, tại sao người HQ ăn kimchi mà họ không có nóng mà vẫn khoẻ, nếu họ không ăn, họ còn yếu hơn bình thường?” Tôi hỏi anh cách làm kimchi mới biết trong một hũ kimchi của HQ có hơn 20 loại củ quả ép nước ngâm, nhưng chủ yếu là cải thảo và ớt (không có hạt).
Tôi nghĩ đến việc chia sẻ điều này cho phụ nữ Việt. Tôi nói: “Để em làm, nhưng anh kiểm chứng giùm em nó ngon hay dở”. Sau đó tôi làm liên tục, hết tối này đến tối khác, cho đến một hôm tôi xin nghỉ việc để ở nhà làm kimchi bán, anh nói “Đang làm công ty mà em đòi nghỉ, ra làm kimchi ư?” Hỏi vậy thôi, cuối cùng anh là người đàn ông duy nhất mỗi tối mua rau về để tôi tranh thủ làm. Rồi sau này chúng tôi đã trở thành bạn đời của nhau. Tôi nghĩ phải có cái duyên trời nào đó. Và có lẽ vì thế chúng tôi thành công với thương hiệu “kimchi Ông Kim”. Nhưng đó là tôi mới kể đoạn đầu. Còn giai đoạn chúng tôi bán hết nhà cửa và cả cái xe của ông Kim nữa vì lỗ vốn. Còn duy nhất cái xe máy của tôi để chở anh ấy đi khắp nơi giao hàng, v.v.
Sở dĩ chúng tôi giao lại thương hiệu này cho một tập đoàn lớn là vì chúng tôi nghĩ “đứa con” mình đã lớn mạnh, không thể để trong ngôi nhà chật hẹp thì gả nó cho một môi trường lớn hơn, để nó phát triển mạnh hơn.
Có phải ý bà muốn nói: người làm kinh doanh muốn thể hiện trách nhiệm của mình với đất nước, cần phải nghĩ tớicộng đồng?
Muốn bán cái gì cho người ta ăn uống thì trước nhất mình phải ăn uống được đã, đó cũng là cái tâm của người kinh doanh ngành này. |
Có lần ông Kim nói với tôi: Càphê của VN thì tuyệt vời nhưng người Việt lại uống theo kiểu 3D: đen, đắng, đậm. Nhưng càphê thật thì không phải như vậy: càphê chỉ đắng nhẹ mà có hậu ngọt, thơm mùi hương trái quả và màu nâu lợt.
Vì người Việt bị quen cái càphê đắng rồi nên không quen uống càphê… không đắng.
Ông Kim nói, chúng ta làm ẩm thực – càphê cũng vậy, muốn bán cái gì cho người ta ăn uống thì trước nhất mình phải ăn uống được đã, đó cũng là cái tâm của người kinh doanh ngành này. Chúng tôi tìm hiểu và biết hiện tại VN xuất khẩu càphê robusta lớn nhất thế giới, mình cũng có đầy đủ nguyên liệu và cả những người nghiên cứu giỏi về càphê để cạnh tranh với thế giới. Vì thế chúng tôi đã quyết định tập trung hết sức lực và tâm huyết để học hỏi và tạo ra một hương vị càphê ngon nhất của VN giới thiệu với thế giới.
Tôi cho rằng đó là trách nhiệm của chúng tôi với cộng đồng, mà trước hết, không chỉ nghĩ tới, chúng tôi thể hiện bằng hành động: chỉ tạo ra càphê thượng hạng. Những phân khúc khác đã có người khác làm và làm tốt rồi. Khi cộng đồng uống càphê của chúng tôi công nhận chất lượng sản phẩm, thì coi như chúng tôi đã hoàn thành trách nhiệm.
Tất nhiên, việc mở rộng là điều chúng tôi phải làm, tương lai chúng tôi sẽ mở những quán càphê VN thượng hạng ở Dubai, Mỹ, Nhật và Sài Gòn thêm nhiều quán nữa. Vấn đề là hiện tại chúng tôi củng cố dần từng món càphê của mình luôn đạt chất lượng cao. Đào tạo thêm người pha chế cho thật giỏi bao gồm cả sự hiểu biết về càphê Việt. Cuối cùng, điều mà chúng tôi muốn làm là: trả lại giá trị đích thực cho càphê Việt, một tài nguyên bản địa giàu có và vô cùng quý giá của đất nước mình.
Chân Khanh (thực hiện) (Thế Giới Tiếp Thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.