Trả lại vị thế cho cây ngô: Câu hỏi lớn mang tên “năng suất”

Ngọc Lê- Trần Quang Thứ bảy, ngày 16/07/2016 13:30 PM (GMT+7)
Sau 3 năm triển khai chương trình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) đã công bố định hướng chuyển đổi ngô trong thời gian tới. Theo đó, với mỗi 1ha chuyển đổi sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng.
Bình luận 0

Tiến tới tự đáp ứng

Ngày 2.2.2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 124 về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, trong đó quy hoạch mở rộng diện tích ngô bằng tăng diện tích vụ đông ở đồng bằng sông Hồng, tăng diện tích trên đất một vụ lúa ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên. Năm 2014, Bộ trưởng Bộ NNPTNT cũng đã ký quyết định ban hành kế hoạch hành động thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt theo hướng hạn chế dần nhập khẩu, tiến tới tự đáp ứng được nhu cầu ngô trong nước.

img

Nông dân huyện Thanh Sơn, Phú Thọ ngày càng mở rộng diện tích trồng ngô. Ảnh:  N.L

Trên thực tế, trong 4 năm gần đây (2011-2014), diện tích ngô toàn quốc tăng liên tục. Từ năm 2011-2014, diện tích ngô tăng 56.200ha, tập trung chủ yếu ở trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. TS Trịnh Khắc Quang- Giám đốc VAAS cho biết: “Các mô hình chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô đến nay đã thu được kết quả rất thành công. Các mô hình chuyển đổi ngô trên đất 1 vụ lúa đa phần cây ngô cho năng suất từ 6 – 7 tấn/ha. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các địa phương cũng phải xây dựng các kế hoạch chuyển đổi sao cho phù hợp với điều kiện của từng vùng mới đạt hiệu quả bền vững”.

Đặc biệt, theo TS Quang, VAAS đã đề xuất và sẽ trình Bộ NNPTNT xây dựng một chương trình khuyến nông cho  đất 1 vụ ở các tỉnh miền núi phía Bắc. “Nếu chương trình này xây dựng chỉ cho cây ngô,  sẽ được áp dụng chính sách hỗ trợ từ Quyết định 915 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô ở các vụ trong năm từ vụ hè thu 2016 đến hết vụ đông xuân 2018 - 2019 tại vùng với mức hỗ trợ một lần không quá 3 triệu đồng/ha chi phí về giống ngô để chuyển đổi”- TS Quang nói.

Theo định hướng của VAAS, từ nay đến năm 2020, sẽ bố trí diện tích canh tác ngô ổn định khoảng 500.000ha tại khu vực miền Bắc. Riêng tại các tỉnh phía Bắc, mở rộng diện tích ngô bằng cách tăng diện tích vụ đông ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và tăng diện tích ngô trên đất một vụ lúa ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Năng suất là vấn đề then chốt

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), dự kiến trong năm 2016, Việt Nam sẽ sản xuất khoảng 1,3 triệu ha ngô với năng suất bình quân 4,8 tấn/ha, tổng sản lượng ngô hạt thu được ước tính trên 6,2 triệu tấn. Với sản lượng này, Việt Nam sẽ còn phải nhập khẩu thêm 6-7 triệu tấn ngô mới đáp ứng được nhu cầu trong nước.

Theo VAAS, trong giai đoạn 2017 – 2020, vùng miền núi phía Bắc nếu chuyển đổi sản xuất thêm được vụ ngô xuân và xuân hè trên 1/3 tổng diện tích đất 1 vụ là 60.000ha với năng suất ngô vụ xuân, vụ xuân hè dự kiến đạt bình quân 6 tấn/ha, sẽ bổ sung thêm 360.000 tấn ngô/năm tại miền núi phía Bắc cho tổng sản lượng ngô, góp phần đáng kể cho mục tiêu tăng 1 triệu tấn ngô đã đề ra của Việt Nam.

Một trong những hạn chế lớn nhất của ngô Việt Nam hiện nay là vấn đề năng suất. Với mức bình quân chỉ 4,8 tấn/ha, năng suất ngô nước ta thấp hơn rất nhiều so với ngô sản xuất tại Mỹ (10-12 tấn/ha). Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã từng nhấn mạnh, để mở rộng được diện tích ngô, chúng ta phải giải quyết được cả vấn đề về năng suất, ít nhất phải đạt 6 tấn/ha và giá bán tối thiểu 5.000 đồng/kg, thì người nông dân mới có lãi.

Chính vì thế, theo VAAS, một trong những giải pháp quan trọng để giúp chuyển đổi ngô bền vững, thành công là cần áp dụng giải pháp về giống. Cùng với những thành tựu nổi bật của nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất giống ngô lai trong nước (Viện Nghiên cứu Ngô), sự tham gia vào cuộc của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Syngenta, Bioseed, CP Group, Monsanto... góp phần đa dạng hóa các giống ngô lai và nông dân có nhiều cơ hội để lựa chọn các giống ngô hiệu quả hơn cho sản xuất.

Tại thời điểm hiện tại, cơ cấu giống ngô lai trong sản xuất trong nước đang chiếm trên 95%, chủng loại phong phú, nhiều giống ngô lai thế hệ mới được công nhận, thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, tiềm năng, năng suất cao tiếp tục được phát triển mạnh trong sản xuất. Tuy nhiên, theo VAAS, tới đây sẽ từng bước đưa giống ngô biến đổi gen vào sản xuất ở những vùng chịu áp lực về sâu bệnh, cỏ dại và thiếu nước nghiêm trọng.

Theo VAAS, hiện nay đã có nhiều giống ngô chuyển gen có khả năng kháng sâu đục thân, kháng thuốc trừ cỏ, chịu hạn được Bộ NNPTNT cho phép sản xuất tại Việt Nam  như giống NK66 BT, NK66 BT/GT, DK6818S, DK6919S). Việc đưa vào sản xuất đại trà các giống ngô biến đổi gen sẽ giúp giúp nông dân có thêm lựa chọn để tăng năng suất cũng như chất lượng canh tác.

Bên cạnh giải pháp giống, kỹ thuật canh tác và cơ giới hóa trong trồng ngô cũng là hai giải pháp được VAAS đưa ra để canh tác ngô đạt được mục tiêu là 6 tấn/ha và 5.000 đồng/kg như định hướng của Bộ NNPTNT đã đưa ra.

Theo đánh giá của VAAS, một tín hiệu vui là năng suất tại các mô hình chuyển đổi trồng ngô vừa qua đều đạt từ 6,1–7,2 tấn/ha, hiệu quả kinh tế so sánh với trồng lúa tăng từ 20 – 30% (cao hơn từ 5 – 10 triệu đồng/ha). Theo bà Đỗ Thị Thoa – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Ninh, tỉnh đã triển khai đưa 2 giống ngô NK4300 và NK6654 vào trồng thử nghiệm trên diện tích đất lúa kém hiệu quả. Qua quá trình triển khai, giống ngô NK4300 và NK6654 có khả năng sinh trưởng phát triển tốt, trên cùng một diện tích đất canh tác, năng suất cao hơn hẳn, đạt từ 65-68tạ/ha trong khi đó  năng suất lúa đạt 36-38tạ/ha. Theo tính toán, bà con nông dân sẽ thu lãi là 12 triệu đồng/ha/vụ so với trồng lúa.

imgTS Trịnh Khắc Quang - Giám đốc VAAS: Cần thêm giống ngô chuyển gen chịu hạn

Hiện nay, việc hỗ trợ theo Quyết định 915 mới chỉ cho cây ngô, song về lâu dài, tôi đề nghị Bộ NNPTNT cần mở rộng hỗ trợ cho các đối tượng cây trồng ngắn ngày khác. Đặc biệt, để phù hợp tình hình sản xuất thực tế tại Viện cũng đặt hàng với các viện nghiên cứu, đặc biệt là Viện Nghiên cứu Ngô và các doanh nghiệp như Syngenta, Monsanto… cần cố gắng nghiên cứu đưa thêm giống ngô mới có gen chịu hạn vào sản xuất trên đất 1 vụ tại miền núi phía Bắc và các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.

Hiện nay, chúng ta mới chỉ có giống ngô biến đổi gen kháng sâu đục thân và thuốc trừ cỏ. Theo tôi được biết, hiện nay có một số đơn vị như Viện Nghiên cứu Ngô sắp đưa ra thị trường 1-2 dòng triển vọng về ngô chịu hạn này cho nông dân sản xuất mong sẽ rằng thành công.             

imgBà Đỗ Thị Thoa – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư tỉnh Quảng Ninh: Ngô là cây dễ trồng

Ngô là cây có khả năng thích ứng rộng với các điều kiện sinh thái; tuy nhiên, cây ngô không chịu úng do đó xác định diện tích chuyển đổi cần lưu ý tránh bố trí tại những diện tích có thể xảy ra ngập úng cục bộ do khả năng tiêu nước kém.

Để mở rộng diện tích ngô, phải có sự tích cực vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp và người tham gia trực tiếp sản xuất.

Đây là 2 đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động sản xuất. Doanh nghiệp phải "kích cầu" để kích thích khả năng “cung” của người sản xuất.

Hải Đăng (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem