Trái cây đóng hộp, nước ép "lên ngôi", Việt Nam có thể thu 10 tỷ USD từ xuất khẩu rau quả

Thiên Hương Thứ hai, ngày 03/07/2023 11:52 AM (GMT+7)
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, chưa bao giờ xuất khẩu rau quả có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ như thời gian qua, đạt tới 64,2%, kim ngạch 6 tháng đầu năm đạt 2,75 tỷ USD. Với tốc độ này, cuối năm xuất khẩu rau quả hoàn toàn có thể đạt hơn 5 tỷ USD.
Bình luận 0

Xuất khẩu rau quả Việt Nam hoàn toàn có thể đạt 10 tỷ USD

Thông tin trên được đại diện Bộ NNPTNT đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm 2023, diễn ra vào sáng 3/7. 

Báo cáo của Bộ NNPTNT cho biết, nhờ chủ động tháo gỡ các vướng mắc để gia tăng xuất khẩu trong điều kiện khó khăn về đơn hàng mở mới (nhất là thủy sản và lâm sản), tháo gỡ rào cản thị trường nên tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2023 đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022. 

Trong đó, nhóm nông sản chính đạt 12,79 tỷ USD, tăng 12%; sản phẩm chăn nuôi 232 triệu USD, tăng 26,5%. Xuất khẩu thuỷ sản đạt 4,13 tỷ USD, giảm 27,4%; lâm sản chính 6,5 tỷ USD, giảm 28,2%; đầu vào sản xuất 940 triệu USD, giảm 28,9%; muối 2,4 triệu USD, giảm 14,2%.

Đáng chú ý, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, song chúng ta vẫn có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu cà phê đạt 2,4 tỷ USD; cao su 1,05 tỷ USD; gạo 2,3 tỷ USD; rau quả 2,75 tỷ USD; hạt điều 1,6 tỷ USD; tôm 1,56 tỷ USD; sản phẩm gỗ 4,07 tỷ USD. 

Trong đó, gạo và hạt điều là 2 sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu, cụ thể xuất khẩu gạo tăng mạnh +22,2% khối lượng và +34,7% giá trị xuất khẩu; hạt điều +10,5% khối lượng, +7,7% giá trị. Riêng mặt hàng cà phê, tuy giảm về khối lượng (đạt 1,02 triệu tấn, giảm 2,2%), nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 5,2% nên giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD, tăng 3%.

Trái cây đóng hộp, nước ép "lên ngôi", Việt Nam có thể thu 10 tỷ USD từ xuất khẩu rau quả - Ảnh 1.

Công nhân vận hành dây chuyền sản xuất ngô ngọt xuất khẩu tại Doveco Sơn La. Ảnh: Trần Quang

Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 21,4%, tăng 7,7%; xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 20,2%, giảm 32,9% và xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 7,7%, giảm 5,3%.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc tiềm năng xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Rau quả của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng xuất khẩu, không thua kém gì các nước trên thế giới và có thể đạt kim ngạch 10 tỷ USD. Nhưng trước xu thế công nghiệp hoá, hiện đại hoá, diện tích trồng trọt sẽ giảm và có thể dẫn tới giảm sản lượng rau quả, nhưng trong tương lai, nếu chúng ta có các giải pháp nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, cộng với sự đầu tư xứng đáng của Nhà nước cho khâu chế biến thì vẫn có thể tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu. 

Một trong những giải pháp quan trọng, theo ông Cường, đó là đầu tư vào khâu giống cây trồng. Ví dụ cà phê, bộ giống của chúng ta đứng đầu thế giới. Năng suất cà phê bình quân các nước chỉ đạt 8-9 tạ/ha, nhưng của Việt Nam là 20-30 tạ/ha, cá biệt một số giống cà phê có thể đạt 50-70 tạ/ha. Số liệu năm 2022, diện tích trồng cà phê của Việt Nam đạt khoảng 710.000ha, năng suất bình quân đạt 28,2 tạ/ha, cho tổng sản lượng hơn 1,84 triệu tấn. 

Thông tin thêm tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: "Chưa bao giờ xuất khẩu rau quả đạt cao như hiện nay, 6 tháng đầu năm đạt 2,75 tỷ USD, tăng 64,2%. Nếu đà tăng trưởng cứ như thế này, thì chắc chắn năm 2023 sẽ đạt trên 5 tỷ USD, đó là hầu như chúng ta mới xuất khẩu thô, sản phẩm ở dạng quả tươi". 

Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh, nếu đầu tư tốt hơn nữa cho chế biến sâu, khai thác tiềm năng thị trường thì con số 10 tỷ USD từ xuất khẩu rau quả Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được.

Trái cây đóng hộp, nước ép "lên ngôi", Việt Nam có thể thu 10 tỷ USD từ xuất khẩu rau quả - Ảnh 2.

Nông dân tỉnh Đắk Lắk vận chuyển sầu riêng đưa đi tiêu thụ. Theo số liệu Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt 503,4 triệu USD, gấp hơn 18 lần so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên sản phẩm sầu riêng của Việt Nam cũng chủ yếu mới xuất khẩu ở dạng tươi, để nguyên quả. Ảnh: N.G

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả chế biến đạt hơn 356 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 5 và 6 chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng tốc độ tăng trưởng mạnh hơn so với quý I. Với đà tăng trưởng tốt như hiện nay, hết năm, xuất khẩu rau quả chế biến có thể đạt 1,2 tỷ USD, tăng 10-15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều năm qua, rau quả tươi Việt Nam xuất khẩu phần lớn sang Trung Quốc, chiếm 60% thị phần. Trong khi đó, nhóm rau quả chế biến lại tăng trưởng nhanh ở những thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản. Cụ thể, các sản phẩm trái cây đóng hộp, nước ép đóng chai có thời gian sử dụng 1-2 năm tiếp tục được mua nhiều ở Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. 

Sự "lên ngôi" của các sản phẩm chế biến sâu, tiện lợi cho người sử dụng là tín hiệu tốt giúp ngành rau quả Việt Nam tạo thêm lợi thế trên thị trường thế giới và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem