Trái cây rầm rộ xuất ngoại, thị trường Trung Quốc tăng vọt

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 02/03/2021 10:57 AM (GMT+7)
Xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tháng đầu tiên năm 2021 tăng vọt. Trong khi đó, hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) đang tạo cơ hội cho xuất khẩu trái cây sang EU.
Bình luận 0

Xuất khẩu trái cây tăng

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 1/2021 đạt 309,62 triệu USD, tăng 12,8% so với tháng 12/2020 và tăng 100% so với tháng 1/2020. Đây cũng là tháng ghi nhận xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tăng trưởng trở lại, sau khi giảm liên tiếp kể từ tháng 9/2020.

Trái cây nô nức xuất ngoại  - Ảnh 1.

Chế biến chuối phục vụ xuất khẩu tại Công ty Út Huy (Long An). Ảnh tư liệu

Giá nhập khẩu chuối bình quân của EU từ Việt Nam tăng mạnh và ở mức rất cao, đạt 3.192,9 Eur/tấn, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2019. Giá chuối của Hà Lan bán sang EU đạt 765,8 Eur/tấn, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Điều đáng ghi nhận là, trong tháng 1/2021 cơ cấu thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam có sự dịch chuyển rõ nét, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Theo đó, tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm xuống còn 59,1%, từ mức 61,7% trong tháng 1/2020.

Trong khi đó, tỷ trọng xuất khẩu trái cây sang các thị trường như Thái Lan, Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan… tăng.

Chuối xuất khẩu sang EU được lợi về giá

Trong khi chúng ta đang giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc thì cơ hội lại mở rộng ở nhiều thị trường khác, nhất là những sản phẩm trái cây Việt Nam có lợi thế.

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), chuối là một trong những loại trái cây được tiêu thụ nhiều ở châu Âu, điều này tạo cơ hội cho các quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu chuối.

Thống kê của Eurostat cho thấy, nhập khẩu chuối của EU27 trong 11 tháng năm 2020 đạt 7,7 triệu tấn, trị giá 5,26 tỷ euro (tương đương 6,36 tỷ USD), tăng 3% về lượng và tăng 1,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. 

Đáng chú ý, trong khi giá nhập khẩu bình quân chuối từ các thị trường chính đều giảm thì giá nhập khẩu bình quân từ Việt Nam tăng mạnh và ở mức rất cao, đạt 3.192,9 euro/tấn, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo ghi nhận của Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại – Bộ Công Thương (VITIC) năm 2019, chuối chiếm hơn 19% tổng diện tích cây trồng ăn quả với diện tích trên 100.000ha và có sản lượng tiêu thụ khoảng 1,4 triệu tấn/ năm. Với số lượng này, Việt Nam đứng hàng thứ 14 trên thế giới về diện tích chuối. 

Trung Quốc ưu tiên nhập nhiều sầu riêng

Theo thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trị giá nhập khẩu trái cây vào nước này trong năm 2020 đạt 10,26 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2019. Tuy nhiên, lượng trái cây nhập khẩu đạt 6,3 triệu tấn, giảm 8% so với năm 2019. 9 loại trái cây dẫn đầu về trị giá nhập khẩu vào Trung Quốc trong năm 2020 là sầu riêng tươi, anh đào, chuối, măng cụt, nho tươi, thanh long, nhãn, quả kiwi và cam. Trong đó, sầu riêng nhập khẩu đạt 575.000 tấn, trị giá 2,3 tỷ USD, tăng 5% về lượng và tăng 44% về trị giá so với năm 2019. Trung Quốc nhập khẩu khối lượng lớn sầu riêng tươi từ Thái Lan, chiếm 90% tổng lượng sầu riêng nhập khẩu.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), Việt Nam đang tích cực đàm phán để xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.

P.V


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem