Nguyễn Nhâm
Thứ ba, ngày 28/07/2020 06:00 AM (GMT+7)
Để đưa trái cây từ vườn đến với siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ... là một bài toán khó. Hiện chính quyền, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đang cố gắng gỡ những rào cản để đưa sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại này.
Theo Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có gần 6.300ha diện tích cây ăn trái được cấp 87 mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Trung Quốc và nhiều nước khác.
Chiếm diện tích lớn nhất là cây chôm chôm với khoảng 2.000ha, được cấp 22 mã số vùng trồng; cây xoài với diện tích 1.800ha, 14 mã số vùng trồng; chuối xuất khẩu với 1.600ha, 16 mã số vùng trồng. Các cây ăn trái khác như thanh long, mít cũng đã được cấp mã số vùng trồng.
"Bên cạnh việc xây dựng thương hiệu, Sở Công Thương Đồng Nai sẽ tiếp tục hỗ trợ các HTX, nhà vườn trong tỉnh tham gia vào các chương trình kết nối giao thương đối với ngành hàng trái cây đặc sản, với các siêu thị, hệ thống bán lẻ trong và ngoài tỉnh".
Ông Lê Văn Lộc - Phó Giám đốc
Sở Công Thương Đồng Nai
Ngoài ra, tỉnh còn có 169ha các loại cây ăn trái như xoài, chôm chôm, chanh không hạt đã được cấp 14 mã số vùng trồng xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: Mỹ, Úc, Nhật Bản…
Tuy nhiên, hiện nay trái cây Đồng Nai chủ yếu là xuất ra cho thương lái để đưa đến các chợ. Số lượng xuất khẩu hay vào được các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ... đều rất hạn chế.
Nguyên nhân chính là trái cây của Đồng Nai chủ yếu đang sản xuất theo mùa vụ, rất hiếm nhà vườn có trái cây quanh năm để đủ cung ứng nhu cầu phục vụ cho các chuỗi cửa hàng.
Song song đó, muốn đưa trái cây vào siêu thị thì trái phải đẹp, chất lượng cao, sạch. Hơn nữa, nông dân cũng chưa quen với việc hợp tác với các doanh nghiệp phân phối vì liên quan đến nhiều khâu như hợp đồng, thanh toán…
Nông dân Nguyễn Thị Linh - ngụ huyện Trảng Bom cho biết, các sản phẩm sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bơ, dâu… của nhà vườn chủ yếu chỉ cung cấp để phát triển du lịch hoặc bán cho thương lái. Việc cung ứng cho các siêu thị còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các vấn đề liên quan đến chi phí đóng gói, vận chuyển.
Ngoài ra, nguồn hàng đạt chuẩn về kích thước, độ chín để đáp ứng các đơn hàng lớn của các siêu thị cũng là bài toán nan giải, nhất là yêu cầu đối với các loại sầu riêng sạch, chín cây…
Ông Trần Quang Trung - Giám đốc HTX Thương mại - dịch vụ nông nghiệp Tà Lài (huyện Tân Phú) nói rằng bên cạnh việc đạt các tiêu chí về chất lượng, các tiêu chuẩn về nhãn mác cũng là yếu tố mà HTX đang dần thay đổi để phù hợp, đáp ứng được các điều kiện để phấn đấu đưa sản phẩm trái cây của HTX đến các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi.
Sản phẩm phải chất lượng
Phía các siêu thị, trung tâm thương mại cũng cho biết muốn hai bên hợp tác được thì phía người dân và các nhà phân phối cũng cần làm việc với nhau. Ngoài ra, phải có một bên đứng ra làm đại diện, cam kết… kết nối giữa nông dân và các chuỗi tiêu thụ để hiểu nhu cầu của nhau.
"Muốn đưa sản phẩm trái cây vào chuỗi tiêu thụ hiện đại, các HTX cần có phương án phát triển bền vững, chú trọng đa dạng hóa các loại sản phẩm, nhãn mác, phát triển thương hiệu…" - ông Nguyễn Đức Lợi, quản lý chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh tại Đồng Nai nói.
Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Võ Tuấn Dũng chia sẻ thêm, Tân Phú phải thu hút được đầu tư vào lĩnh vực bảo quản sau thu hoạch; phát triển chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị nông sản và chủ động được về thị trường. Đây cũng là giải pháp để đưa sản phẩm của nông dân vào các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi.
Còn Bí thư huyện Trảng Bom Phạm Xuân Hà khẳng định, Trảng Bom xác định sản xuất nông nghiệp vẫn là nhiệm vụ trọng tâm. Huyện chọn cây trồng thế mạnh là chuối và thanh long ruột đỏ với mục tiêu xây dựng chuỗi liên kết nông sản sạch có thương hiệu để vào được các hệ thống siêu thị và đủ chuẩn xuất khẩu.
"Huyện sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nhằm tăng giá trị các loại trái cây" - ông Hà nói thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.