Trải lòng của chủ "ngôi nhà không đứng được" giữa Hà Nội

Chủ nhật, ngày 18/03/2012 15:11 PM (GMT+7)
Theo anh Hoàng Văn Xuân, trước kia cha mẹ anh đi khai hoang trở về Hà Nội thì được phân cho một ngôi nhà. Gọi là "ngôi nhà" nhưng thực chất đó chỉ là một phòng trong một ngôi nhà cổ ở Hàng Buồm.
Bình luận 0

Ngôi nhà được chia ra cho nhiều hộ ở. Theo thời gian, họ cơi nới, san lấp đã thay đổi toàn bộ công năng và thiết kế vốn có. Họ chia nhau ở trên mọi diện tích, chỉ chừa một lối đi nhỏ làm lối đi chung cho cả ngôi nhà. Trên lối đi đó là các căn phòng được chia ngày càng nhỏ theo số dân của khu nhà ngày càng tăng lên.

 img
Ô sáng phía trên là lối vào "nhà" anh Hoàng Văn Xuân

Căn phòng mà ba mẹ anh Xuân được chia trước đó được dùng làm trạm xá và hiệu cắt tóc của phường Hàng Buồm. Hiện mẹ anh vẫn đang thuê lại của Sở Nhà đất Hà Nội. Hàng năm gia đình anh phải đóng hơn 1,5 triệu đồng/năm (trước đây chỉ vài trăm ngàn một năm).

Sau nhiều năm sinh sống, gia đình tăng lên đến 10 người gồm cha mẹ anh Xuân và 8 người con. Để có chỗ ngủ, gia đình anh chia không gian căn phòng chật thành nhiều gác xép. Một trong những gác xép đó chính là "ngôi nhà" mà gia đình ba người của anh Xuân sinh sống 14 năm nay. Trong nhà còn một gác xép nữa, em trai của anh cũng đang sống ở đó. Diện tích còn lại để mẹ anh ở và sinh sống bằng nghề bán chai lọ.

Hai gác xép này khiến căn phòng chỉ còn chỗ cho mẹ anh ở và để bàn thờ, anh Xuân cho biết.

Căn nhà gác xép của gia đình anh Xuân cũng rất đặc biệt. Do cơi nới ngay trên lối đi (trước là cửa vào ngôi nhà cũ khi còn toàn vẹn) nên căn gác xép dài và hẹp rập đúng lối đi ở dưới. Nó dài 6m và rộng vỏn vẹn 1, 5m. Anh Xuân tạo một lối đi riêng bằng cách đục các vòng sắt chữ U vào tường của ngõ để có chỗ bám tay leo lên. Cửa của "nhà" là một tấm ván sập.

Do còn ngôi nhà của mẹ anh ở dưới đất nên mọi sinh hoạt tắm rửa, gia đình anh Xuân dùng chung với mẹ.

Căn gác xép không cửa số, không ánh nắng mặt trời. Ở trên lại là nơi sinh sống của một hộ khác.

Nằm sát trần nhà trên nên mọi tiếng động đều dội xuống cái gác xép. Anh Xuân kể: "Tầng trên họ rửa bát, dội nước, đi lại thậm chí là khi họ đi vệ sinh bên dưới nhà tôi cũng đều nghe thấy rõ hết. Nhất là những ngày mưa gió thì coi như là cả đêm không thể ngủ nổi”.

Ngôi nhà chung đã quá cũ, lại hàng chục năm quá tải nên nước ở cống ở phòng trên thấm xuống mỗi ngày, khiến "nhà" anh Xuân lúc nào cũng ẩm ướt.

Theo anh Xuân, UBND phường Hàng Buồm đã vài lần xuống xem xét , hướng dẫn gia đình anh chị làm đơn xin cấp nhà, nhưng đến nay chưa có trả lời.

Chị Xuyên vợ anh Xuân hiện đang làm tạp vụ cho một công ty tư nhân với mức lương 3 triệu đồng. Anh Xuân chạy xe ôm, mỗi ngày thu nhập của anh khoảng 50.000 đồng. Tổng thu nhập của hai vợ chồng anh chị khoảng 4-5 triệu đồng/tháng.

"Tiền học của cháu khoảng 1 triệu/tháng. Nên chẳng dám nghĩ đến chuyện thuê nhà khác"-anh Xuân nói.

"Nói chung, ở khu phố này cũng có nhiều nhà phải sống trong cảnh chật chội lắm nhưng chí ít là họ vẫn còn có thể đứng được trong nhà, rồi cũng có thể cơi nới thêm để cải thiện. Khổ nhất vẫn là nhà chị, chẳng "cơi" được tới đâu, cũng mơ ước một ngày được đứng lên vươn vai một cái trong cái "nhà" mình"-chị Xuyên nói.

Chị Xuyên cho biết lấy chồng đã 14 năm rồi nhưng chưa lần nào được tiếp bố mẹ đẻ và các anh chị em họ hàng trong "nhà". Ai tới thăm cũng chỉ ngồi uống nước ở ngoài phố "chứ lên nhà thế nào được mà lên".

Con trai chị muốn học bài phải nằm hoặc bò. Cháu kể: "Cháu chỉ mong được chuyển khỏi cái nhà này thôi, nhiều hôm nằm mà bụi trên trần nhà rơi hết vào mắt".

Nói chuyện qua điện thoại, anh Xuân khoe: "Đố tìm được ngôi nhà nào giống nhà tôi đấy! Cả nước cũng chẳng có đâu".

Giọng của người đàn ông, chủ gia đình, sống suốt 14 năm trong căn gác xép cao 1, 1 rất vui vẻ và hồn nhiên.

Theo Saigonnews
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem