Trải lòng của một ''học sinh cá biệt"

Thứ tư, ngày 12/08/2015 13:53 PM (GMT+7)
Bị gán mác “cá biệt”, hạnh kiểm trung bình và không được lên lớp, cảm giác đó ra sao?
Bình luận 0

Chia sẻ của An Trung - cựu học sinh lớp 12A2, Trường THCS-THPT Tư thục Duy Tân (TPHCM) và chia sẻ từ cô hiệu trưởng của em cho thấy một góc nhìn khác về những học sinh được coi là cá biệt.

Nhìn mẹ nhặt rau muống, nước mắt chực rơi

Trên Facebook cá nhân của mình, Trung viết: Khoảng thời gian này năm ngoái là lúc khó khăn nhất tuyệt vọng nhất với tôi, khi phải cầm trên tay cuốn học bạ với con dấu đỏ "không được lên lớp" đi xin trường khác để học lại lớp 11. Nhưng không trường nào nhận, không một trường nào có thể chấp nhận học sinh cá biệt cả.

Tưởng chừng như mọi thứ đã kết thúc, tưởng chừng như 11 năm học hệ chính thức phải chôn vùi! Mọi thứ sụp đổ trước mắt. Thế nhưng giống như tia sáng cuối đường hầm tối: tôi được thi lại. Oái oăm là hôm nay cầm giấy thi lại, ngày mai tôi đã phải đi thi. Hơn 1 tháng bị đuổi học ở nhà nằm ngủ đi chơi với suy nghĩ "ở lại lớp". 18 tiếng nữa thôi là cơ hội cuối cùng và cũng là duy nhất để lên lớp 12.

Tôi đã muốn buông xuôi tất cả, mặc kệ, ở lại lớp cũng chẳng sao, đi ngủ!

Ngủ dậy, đi uống nước, tôi thấy mẹ tôi đang ngồi nhặt rau muống. Chỉ vậy thôi mà một thằng “cá biệt” như tôi tự nhiên thấy mắt cay cay muốn khóc...

Chẳng hiểu sao, tôi ngay lập tức ngồi vào bàn học. Mở tất cả các cuốn tập đã chép trong năm ra, tôi thấy quá xa lạ như không phải tay mình chép ra. Các công thức phép toán, bài toán dường như là những thứ "xa xỉ" , không thể học nổi vào những lúc như thế này! Vậy thì học những thứ có chữ vậy.

img

 An Trung nhận giấy khen từ cô Hiệu trưởng trong Lễ Tổng kết cuối thời học sinh.

Giống như cảm giác của một người đi từ cõi chết về với sự sống: Tôi được lên lớp!

Cầm trên tay học bạ được lên lớp 12 học lực trung bình, hạnh kiểm trung bình đi xin trường khác học, nhưng không có trường nào hết, không phải cảm giác buồn và thất vọng nữa mà là sự sợ hãi. Sợ hãi vì tất cả các trường đã vào năm học mà giờ này còn ở ngoài đường, không biết học trường nào hết, không có trường nào để học...

Ánh sáng lại lấp ló cuối hầm: Cô Sơn (Cô Nguyễn Thị Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Duy Tân - PV) đã cứu vớt một cậu học sinh cá biệt đang "chết đuối" trong sự vô vọng, cô đã chấp nhận cho vào học!

Và sự cứu sống ấy cần phải có lời cảm ơn xứng đáng! Phải đậu tốt nghiệp... phải đậu tốt nghiệp... Đó là những gì tôi bắt buộc phải làm được để cảm ơn cô và chứng minh cô đã không sai khi cứu lấy một học sinh như vậy.

Cần mở lòng và kiên nhẫn

T.S Nguyễn Thị Sơn, Chủ tịch Trường THCS-THPT Tư thục Duy Tân và nguyên là Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ:

Hồi đó, có một cô hiệu trưởng ở trường khác cũng khá quen thân giới thiệu với tôi một cậu bé kèm theo câu hỏi: “Cháu lười học lắm, bên trường chị có nhận được cháu không?” – Cậu bé đó là An Trung. Buổi đầu tiên, hai mẹ con rụt rè dắt nhau tới. Em có vẻ mặt hiền lành và cặp kính dày. Tôi hỏi chuyện rất kỹ, sau đó cho em làm bài kiểm tra năng lực. Với học lực như em chỉ có thể được 10%, nhưng Trung làm được đến 40%.

Dù vẫn chưa đủ đạt, nhưng nhìn thấy sự nỗ lực, sự “tỉnh ngộ” và hối hận ở Trung, tôi đã đón nhận em về với Duy Tân. Sau này, Trung chính là một trong những học sinh tôi tự hào nhất. Từ học lực yếu phải ở lại lớp, em đã đỗ tốt nghiệp và đủ điểm vào đại học.

Học sinh của Duy Tân đến từ nhiều vùng miền, nhiều dân tộc và điều kiện sống khác nhau. Có gia đình không xa trường nhưng cha mẹ bận rộn, cần môi trường để con vừa học tốt vừa rèn kỹ năng sống, sinh hoạt tự lập. Có những em có hoàn cảnh đặc biệt như cha mẹ ly hôn, các em thiếu một mái ấm gia đình; phụ huynh tin tưởng các thầy cô và môi trường giáo dục ở Duy Tân sẽ bù đắp cho các em sự thiếu hụt đó. Cũng có trường hợp các em đến tuổi thiếu niên, cha mẹ nói không được nên hi vọng học nội trú ở đây sẽ rèn kỷ luật, tính trách nhiệm cho các em.

Nhiều nguồn vào, nhiều hoàn cảnh như vậy nhưng khi về với Duy Tân, các em đều hòa vào môi trường ấm áp, văn minh ở đây.

Tôi coi các em như con cháu của chính mình và ngôi trường như một gia đình lớn. Con mình hư thì mình có dám trói tay nó lại rồi đánh để đuổi ra khỏi nhà hay không? Có những người suy nghĩ theo kiểu thương cho roi cho vọt, tôi đồng ý. Nhưng thương cho roi cho vọt cũng cần phải có một trái tim chứ không thể cứ áp dụng theo quy chế.

Tôi quan niệm, với các em học sinh chưa chăm ngoan thì hà khắc quá sẽ rất dễ gây áp lực tiêu cực, đẩy các em ra xa. Cần mở lòng và kiên nhẫn với các em, kết hợp với phương pháp và lộ trình đúng đắn mới có thể giúp được các em chăm học hơn, suy nghĩ tích cực hơn.

PV (Gia đình & xã hội)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem