Trái ngọt mang tên Trường Sa

Thứ sáu, ngày 13/08/2010 16:09 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều chiến sĩ sau khi gặp vợ, cha mẹ mình tại nơi công tác đã nói, đến ngủ mơ cũng không nghĩ có một ngày được đón người thân của họ ra đảo, thế mà bây giờ đã thành hiện thực.
Bình luận 0
img
Phút chia tay của vợ chồng thiếu uý Nguyễn Văn Hợi (đảo Song Tử).

Những người vợ ra thăm chồng nơi đảo xa, ngoài mong muốn được cảm nhận và chia sẻ những vất vả với đức lang quân, nhiều người còn mang theo một mong ước: Trong chuyến đi này, tình yêu, sự nhớ mong của họ sẽ đơm hoa kết trái, để có được những đứa con mang kỷ niệm mặn mòi và dũng cảm của Trường Sa.

Ra đảo “tuyển quân”

Trên chuyến tàu HQ996 có những người vợ mang theo niềm hy vọng gặp chồng để có con. Đại tá Nguyễn Ngọc Thạch - Phó đoàn công tác tâm sự với chúng tôi, đợt này tuy là đi làm nhiệm vụ chung, nhưng cũng có những nhiệm vụ riêng, hy vọng trong chuyến đi này mình sẽ có được một đứa cháu nội. Thì ra đi cùng ông trên tàu còn có cô con dâu Dương Thị Hường, ra thăm chồng là Thiếu uý Nguyễn Ngọc Thanh, đang đóng quân tại đảo Nam Yết.

Tâm sự chuyện riêng tư, chị Hường kể: “Bọn em lấy nhau được 3 năm rồi, hai bên ông bà nội, ngoại cũng đã mong cháu đỏ cả mắt, nhưng anh ấy cứ đi đảo hoài. Tuy là cưới nhau 3 năm nhưng ở nhà với nhau được mấy bữa, nên cũng chưa có mụn con nào. Trước hôm lên tàu, má em đã động viên đợt này ra đảo ráng “có kết quả” để bà có đứa cháu mà bồng”.

Bốn ngày sau, chúng tôi quay lại Nam Yết để đón mọi người. Hường thật thà khoe: “Bọn em…. cố gắng hết sức rồi, chẳng biết trời có thương không nữa! Mong rằng chuyến đi này có kết quả như ý để còn báo cáo với nội ngoại hai bên!”. Nghe Hường nói vậy, chúng tôi cầu chúc cho mong muốn của cô sẽ thành hiện thực.

Chúng tôi nhận được “tin vui” của chị Phạm Thanh Xuân (24 tuổi, quê Kim Bảng, Hà Nam) ra thăm chồng là Thiếu uý Nguyễn Văn Hợi ở đảo Song Tử. Đây là đôi vợ chồng mới cưới được 1 tháng đã phải xa nhau 1 năm và cũng là đôi vợ chồng trẻ nhất của cả đoàn thăm thân nhân.

Từ quê Hà Nam, chị Xuân khoe: “Mẹ em đoán chắc là em đã có bầu, nếu đúng điều mong ước của vợ chồng em thành hiện thực, khi sinh là con trai chúng em đã thống nhất sẽ đặt tên là Khánh Trường, ghép của hai chữ Khánh Hoà và Trường Sa. Còn là con gái chắc chắn em sẽ đặt tên là Hoài Sa để cả hai vợ chồng em và con sẽ nhớ hoài về Trường Sa!”.

Niềm mong ước “ra đảo tuyển quân” không chỉ của 8 cặp vợ chồng chưa có con trong chuyến đi này mà còn là ước mơ của nhiều cặp vợ chồng khác.

Chị Đoàn Thị Như Quỳnh, quê ở Hà Tĩnh và Thiếu uý Đào Quang Bá ở đảo Song Tử cũng đã có một cô con gái 3 tuổi nhưng hai vợ chồng vẫn quyết tâm trong lần đoàn tụ giữa biển khơi này, sẽ “cho ra đời” một chú lính hải quân, để tiếp bước cha đi làm người gác biển.

Chị Quỳnh sau những ngày trên đảo cùng chồng cho chúng tôi biết, nếu có con trai nhất định sẽ đặt tên là Song Trường để nhớ mãi những ngày đầy ý nghĩa và hạnh phúc của vợ chồng ở đảo Song Tử Tây này.

Còn nhiều chuyến đi đoàn tụ

img Trước hôm lên tàu, má em đã động viên đợt này ra đảo ráng “có kết quả” để bà có đứa cháu mà bồng. img

Chị Dương Thị Hường

Sau 11 ngày hành trình liên tục, con tàu HQ996 đã vượt qua hơn 1.000 hải lí để đưa đón 62 thân nhân cán bộ, chiến sĩ tại quần đảo Trường Sa trở lại cầu cảng Cam Ranh.

Thuyền trưởng Nguyễn Anh Tuấn tâm sự: “Một năm bọn mình ra về Trường Sa không dưới 10 chuyến nhưng chuyến đi này vừa là một vinh dự, vừa là một nhiệm vụ khó khăn đối với tàu HQ996. Thân nhân lính đảo phần lớn là phụ nữ, sóng gió thì không thể nào nói trước được. Đã có những lúc sóng to quá chúng tôi đã phải chạy vòng, cắt sóng cho chị em không bị say, để đảm bảo sức khoẻ khi gặp chồng gặp con! Cho đến thời điểm này, thấy chị em hạnh phúc vì gặp chồng, các bậc phụ huynh mừng vì đã gặp con thì nhà tàu chúng tôi cũng đã thấy mình đã hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt này!”.

Đại tá Hoàng Ngọc Dương - Trưởng phòng dân vận, Bộ Tư lệnh Hải quân, đơn vị chủ trì “dự án” đưa thân nhân ra thăm cán bộ chiến sĩ tại quần đảo Trường Sa, cho biết: “Nhiều chiến sĩ sau khi gặp vợ, cha mẹ mình tại nơi công tác đã nói, đến ngủ mơ cũng không nghĩ có một ngày được đón người thân của họ ra đảo, thế mà bây giờ đã thành hiện thực. Rất nhiều người vợ sau khi kết thúc chuyến đi đã viết cảm tưởng rằng, sẽ bằng lòng mãi mãi để chồng, con mình làm nhiệm vụ ở đảo xa”.

Cũng theo Đại tá Dương, sau chuyến đi này thân nhân lính đảo sẽ là người tuyên truyền về vẻ đẹp của Trường Sa cũng như chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Với những thành công và ý nghĩa của chuyến đi vừa rồi, sang năm đến mùa biển lặng chắc chắn những người lính Trường Sa sẽ được đón nhiều thân nhân của mình hơn nữa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem