Cuộc đoàn tụ trong đêm

Thứ năm, ngày 12/08/2010 16:13 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Giữa đêm tối mịt mù, đoàn công tác phải vượt qua những rặng san hô cành sắc nhọn như những mũi chông ở đảo chìm Len Đao để đưa hai người vợ vào với chồng và một người cha thương binh gặp con...
Bình luận 0
img
Chính trị viên đảo Len Đao Hà Văn Kiên đón vợ Trần Thu Trang vào bờ.

Như đón cô dâu

Hành trình của tàu HQ 996 và đoàn công tác như chạy đua với thời gian trong một ngày từ đảo Song Tử Tây, xuất phát đi đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và làm lễ thả hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh ở đảo Gạc Ma. Đến đảo chìm Len Đao, tàu thả neo xong đã 9 giờ đêm.

Lúc này, các thân nhân trong đoàn chỉ còn 2 người vợ và một người bố đi thăm con. Con nước thuỷ triều đang rút nhanh, bốn phía đảo Len Đao trơ ra những rặng san hô lởm chởm sắc như lưỡi mác. Từ tàu vào đến đảo phải vượt qua bãi cạn san hô dài hơn 3km.

Sau một phút hội ý, Trưởng đoàn công tác, Đại tá Nguyễn Đức Vượng nói: “Vợ chồng người ta xa nhau cả năm trời rồi chưa gặp mặt, các đồng chí nhà tàu cố gắng tạo điều kiện để cho họ gặp nhau sớm phút nào hay phút đó. Để họ thêm một đêm xa cách nữa tôi không đành lòng. Nếu nước cạn xuồng máy không kéo được thì huy động anh em ở đảo ra đón rồi kéo xuồng vào!”.

Từ đài chỉ huy phát ra lệnh hạ xuồng công tác và thông báo để thân nhân vào đảo Len Đao chuẩn bị xuống xuồng. Cô giáo Huyền - vợ Đảo trưởng Chu Văn Phượng cuống cuồng gói bộ bản lề cánh cửa mang từ nhà vào cho chồng sửa cánh cửa phòng rồi lập cập ra boong tàu vào đảo. Cô giáo Trang - vợ chính trị viên Hà Văn Kiên nhanh nhảu nói: “Bọn em đang thất vọng sợ mai mới được gặp chồng, ai ngờ lại gặp luôn đêm nay, coi như lãi được một tối trong chuyến đi… tuần trăng mật”.

Trong màn nước đen như mực chảy vun vút, thỉnh thoảng lại có những con sóng lừng gồ lên như muốn lật úp mọi vật nổi trên mặt biển. Chiếc xuồng máy ỳ ạch kéo xuồng chuyển tải chúng tôi, hướng về đến đảo Len Đao nơi có đèn pha mới được bật để đón đoàn. Ngồi trên xuồng, Thượng tá Nguyễn Văn Thư - Phó Chính uỷ Lữ đoàn 146 cảnh báo: “Các nhà báo chuẩn bị tinh thần lội bộ đấy, sắp đến bãi cạn rồi, cẩn thận không khéo san hô cứa. Còn 2 chị và bác Lam dù có chuyện gì cũng phải ngồi trên xuồng nhé. Không thì mấy anh ở đảo lại bắt đền chúng tôi đưa… “hàng” đã vỡ cho họ!”.

Sau khoảng 30 phút lắc lư trên xuồng, chúng tôi đã vào đến cửa luồng, tiếng đáy xuồng cọ vào đá san hô quèn quẹt. Chiếc xuồng kéo đã mất tác dụng. Vừa lúc ấy, không biết từ đâu, 15 chiến sĩ lực lưỡng xuất hiện. Hình như họ đã đợi sẵn để cứu cạn cho chúng tôi. Một hồi loay hoay nhưng chiếc xuồng chở chúng tôi vẫn nằm ngang ra vì bị lệch luồng. Cánh nhà báo và đoàn công tác cũng nhảy ùm xuống bãi san hô mặc cho chân người nào cũng đau rát vì bị cành sắc cứa. Giảm trọng tải, xuồng đã nổi lên đôi chút. Những tiếng dô hò kéo xuồng liên tục vang lên, còn xuồng chạy phăm phăm trên bề mặt đá san hô với những tiếng kêu sồn sột.

Trong nhóm cứu cạn, hăng nhất là hai cán bộ có vợ ra thăm. Nhìn họ kéo xuồng, hai cô giáo Trang và Huyền vừa mừng vừa thương. Xuồng vừa cập bờ, hai đôi vợ chồng ôm lấy nhau trong tiếng reo hò của cả đảo. Nước mắt hạnh phúc, cô giáo Trang nói: “Lúc ở trên xuồng, được các anh đẩy vào đảo, em có cảm giác như là cô dâu trong ngày cưới, đang ngồi trên xe hoa về với nhà chồng!”.

Mừng rơi nước mắt

Trong nhóm cứu cạn, hăng nhất là hai ông chồng có vợ ra thăm. Nhìn họ hùng hục kéo xuồng, hai cô giáo Trang và Huyền vừa mừng vừa thương. Nước mắt ngắn nước mắt dài. Xuồng vừa cập bờ, hai đôi vợ chồng ôm lấy nhau trong tiếng reo hò của cả đảo như tất cả vừa làm lên một chiến công vĩ đại.

Chứng kiến cảnh đoàn tụ của 2 đôi tình nhân giữa biển, Thượng tá Nguyễn Văn Thư đưa đôi chân bị san hô cứa toé máu nói vui: “Vì các bạn mà cả đoàn công tác ai cũng bị san hô cứa cả, mấy vợ chồng liệu mà chăm sóc nhau cho xứng với công lao đoàn tụ giữa đêm tối này. Tôi giao nhiệm vụ cho 2 cô giáo nếu đồng chí chồng nào mà không chu đáo, ra báo cáo đoàn để chúng tôi kỷ luật!”. Trưởng đảo Chu Văn Phượng đáp lời: “Thủ trưởng yên tâm, em xin hứa hoàn thành cả việc nước việc nhà thật xuất sắc”.

Bác Nguyễn Văn Lam là thương binh hạng 1/4¼. Ông bị mất một cánh tay trong trận đánh ở chiến trường Quảng Trị. Mỗi lần di chuyển từ tàu xuống xuồng đối với bác Lam là vô cùng khó. Nhìn thấy ba mình khoẻ mạnh vào tới đảo, anh con trai Nguyễn Hữu Thọ lao ra ôm chầm khóc thút thít. Sờ nắn khắp người ba mình, anh Thọ mếu máo: “Con lo quá ba ơi, con sợ sóng gió ba chịu không nổi!”. Đã từng là lính chiến, bác Lam chỉ nói: “Ba khoẻ mà con, đồng đội con đã giúp đỡ ba!”.

Không còn nhiều thời gian để chúng tôi được chứng kiến cảnh hội ngộ của 2 cha con, hai thế hệ cầm súng, tất cả chúng tôi cùng đẩy xuồng ra tàu. Ra tới nơi, lên được mặt boong thì đã 11 giờ đêm. Ai cũng bị san hô cào cho chảy máu, nhưng tất cả đều vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ đưa cha con, chồng vợ những người lính được đoàn tụ...

Bài cuối: Trái ngọt mang tên Trường Sa

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem