Trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ đạt đỉnh kỷ lục trong năm 2024
Trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ đạt đỉnh kỷ lục trong năm 2024
Phương Thảo
Thứ tư, ngày 29/11/2023 10:27 AM (GMT+7)
Theo dữ liệu do VBMA tổng hợp, tính đến ngày công bố thông tin 24/11/2023, đã có 19 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trong tháng 11 với tổng giá trị hơn 21.700 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC , tính đến ngày công bố thông tin 24/11/2023, đã có 19 đợt phát hành riêng lẻ trong tháng 11 với tổng giá trị hơn 21.700 tỷ đồng. Các đợt phát hành này có lãi suất trung bình 9,2%/năm, kỳ hạn trung bình 6 năm.
Trong đó có hơn 7.325 tỷ đồng trái phiếu đến từ ngành Ngân hàng, 1.495 tỷ đồng đến từ Xây dựng, hơn 4.075 tỷ đồng đến từ Bất động sản, 1.200 tỷ đồng đến từ mảng Vận tải, còn lại đến từ các mảng khác như tài chính, sản xuất, chứng khoán,...
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 241.642 tỷ đồng, với 28 đợt phát hành ra công chúng trị giá 27.070 tỷ đồng (chiếm 11,2% tổng giá trị phát hành) và 200 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 214.573 tỷ đồng (chiếm 88,8% tổng số).
Theo VBMA, ngành ngân hàng vẫn là nhóm chiếm ưu thế (chiếm tỷ trọng 47,6%), theo sau là nhóm bất động sản chiếm 29,2%, còn lại đến từ hàng tiêu dùng, nguyên vật liệu, xây dựng và các mảng khác.
Sang năm 2024, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ lên đến 329.500 tỷ đồng, cao nhất trong 3 năm gần đây (năm 2022 là 144.500 tỷ đồng, năm 2023 là 271.400 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn), nên rất cần thiết tiếp tục thực hiện đầy đủ các quy định của Nghị định 08/2023/NĐ-CP trong năm 2024.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA
Các doanh nghiệp đã mua lại 3.845 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 11. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 201.764 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2022 và tương đương 83,6% giá trị phát hành. Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm 48,4% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 97.590 tỷ đồng).
Trong phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 31.845 tỷ đồng. 44% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm Bất động sản với hơn 13.994 tỷ đồng, theo sau là nhóm Ngân hàng với 5.530 tỷ đồng (chiếm 17%).
Kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2023:
Công ty Cổ phần Vinhomes đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị tối đa 2.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, mệnh giá là 100 triệu VND/trái phiếu, kỳ hạn tối đa 24 tháng. Lãi suất cố định, thả nổi hoặc kết hợp tùy theo điều kiện thị trường.
Công ty Cổ phần Thành Thành Công đã thông qua phương án phát hành trái phiếu với tổng giá trị phát hành tối đa 500 tỷ đồng, kỳ hạn tối đa 36 tháng. Đây là trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, mệnh giá là 100 triệu VND/trái phiếu. Lãi suất 4 kỳ đầu tiên cố định = 10,5%, 8 kỳ còn lại= LSTC + 3,5%/năm.
Ngoài ra, về thị trường trái phiếu sơ cấp, ngày 22/11, kho bạc nhà nước gọi thầu tổng cộng 4.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ ở các kỳ hạn 10 năm, 15 năm và 30 năm. Trái phiếu ở cả 3 kỳ hạn này đều trúng thầy toàn bộ. Tổng giá trị trái phiếu chính phủ phát hành từ đầu năm tới nay là 278.456 tỷ đồng, tương ứng khoảng 69,61% kế hoạch năm.
Về thị trường trái phiếu thứ cấp, giá trị giao dịch thị trường thứ cấp đạt 35.676 tỷ đồng, trong đó giá trị giao dịch thông thường (outright) trung bình ngày tăng 30%, giá trị giao dịch mua bán lại (repo) trung bình ngày giảm 33% so với tuần trước đó. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 77 tỷ đồng trái phiếu chính phủ trong kỳ. Lợi suất trái phiếu chính phủ tại phòng giao dịch của VBMA giảm ở hầu hết các kỳ hạn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.