Không sử dụng không phải trả phí
Trước những bất cập trong việc đầu tư công trình giao thông đường bộ theo hình thức BOT thời gian qua, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: “Bộ GTVT là một bên ký hợp đồng BOT nhưng không trả tiền cho nhà đầu tư. Người dân mới là người mua dịch vụ, thanh toán các khoản đầu tư, vốn vay ngân hàng, trả lãi cho nhà đầu tư... Như vậy, người dân phải được biết các thông tin về quy hoạch, chất lượng sản phẩm, giá cả, thời gian thu phí”.
Theo ông Liên, bản thân người dân có thể không trực tiếp giám sát mà Hội đồng nhân dân các cấp và Quốc hội là những cơ quan thay mặt dân để giám sát. Ông Bùi Danh Liên cho rằng một trong những điều quan trọng là người dân cần được trả lại quyền lựa chọn đi đường có thu phí hoặc đường hiện hữu do Nhà nước đầu tư, không phải nộp phí.
Người dân cần được quyền lựa chọn đi tuyến đường mới phải trả phí hoặc tuyến đường hiện hữu không đóng phí (ảnh minh họa). Ảnh: Ngọc Thắng
TS Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế cũng đồng tình quan điểm người sử dụng công trình BOT cũng cần được tham gia vào dự án. TS Anh cho hay: “Chính sự thiên vị quá mức bên cung mà bỏ qua bên cầu là nguyên nhân khiến dư luận và xã hội thiếu niềm tin vào các dự án BOT. Cơ quan chức năng và chủ đầu tư dự án BOT phải giải tỏa những nghi ngờ và bức xúc đó vì nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến những dự án BOT đã hoàn thành, đang thu phí, lẫn dự án BOT sẽ triển khai mà còn tác động đến kinh tế xã hội không hề nhỏ”.
Theo TS Vũ Đình Ánh, người sử dụng BOT phải được “đặt vào dự án” không chỉ ở khía cạnh quyền lợi, mà còn cả ở khâu kiểm tra, giám sát: “Trách nhiệm lớn nhất của người sử dụng công trình BOT là trả phí cho việc sử dụng của họ theo nguyên tắc có sử dụng thì trả phí, sử dụng nhiều trả nhiều, không sử dụng thì không phải trả. Đó cũng chính là bản chất của phí. Người sử dụng còn có quyền và giám sát dự án BOT ngay từ khâu hình thành chủ trương đầu tư, thi công công trình đến khi hoàn thành đưa vào sử dụng” – TS Vũ Đình Ánh cho hay.
Chỉ đầu tư khi có sự đồng thuận của người sử dụng đường
Đánh giá việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT và BT trong 5 năm qua, Bộ GTVT cũng đã nhìn nhận “còn một số ý kiến khác nhau về vị trí trạm thu phí và tính công bằng của người sử dụng”.
Nguyên nhân do trong quá trình địa phương tham gia ý kiến về vị trí đặt trạm thu phí đã không tham vấn, lấy ý kiến các tổ chức xã hội nghề nghiệp, Hội đồng nhân dân, đoàn đại biểu Quốc hội và các đối tượng sử dụng đường.
Để thu hút đầu tư lĩnh vực hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức đối tác công tư trong giai đoạn 2016 – 2020, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính ban hành tiêu chí về thành lập trạm thu phí đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, trên nguyên tắc phải tham vấn các bên liên quan, rà soát mức phí đối với các dự án đầu tư để có quy định cụ thể về mức phí cố định theo tiêu chuẩn từng loại dự án.
Đồng thời, Bộ GTVT cũng đã đề nghị “không bổ sung hạng mục vào dự án hoặc đầu tư các dự án, hạng mục theo kiến nghị của địa phương dẫn đến việc đầu tư một nơi, thu phí một nơi”.
Bộ GTVT cũng đề xuất dừng đầu tư BOT đối với các tuyến quốc lộ hiện hữu trừ khi nhận được sự đồng thuận khi tham vấn tất cả các đối tượng sử dụng đường. Cụ thể là các tổ chức nghề nghiệp, Hội đồng nhân dân các cấp khu vực dự án đi qua, các bộ ngành liên quan về mức phí, vị trí trạm phí và các nội dung chủ yếu khác của dự án.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, đến hết tháng 11.2016, đã có 23 trạm thu phí BOT trên toàn quốc thực hiện việc giảm phí đường bộ. Việc giảm phí tại các trạm thu phí BOT chủ yếu trên 5 quốc lộ quan trọng là Quốc lộ 1, Quốc lộ 5, Quốc 51, Quốc lộ 1 (đoạn TP.HCM-Trung Lương) và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Đây là những trạm liên quan đến vận tải rất lớn nên việc giảm phí có ý nghĩa thúc đẩy sản xuất kinh doanh...
Trước đó, Chính phủ đã ra nghị quyết yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo tiếp tục giảm phí BOT tối thiểu ở 19 trạm thu phí trong năm 2016.
Từ tháng 8, Chính phủ đã yêu cầu giảm phí BOT từ 10-15% ở 45 trạm thu phí nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Bộ GTVT đã làm việc với các nhà đầu tư để thương thảo việc giảm giá phí qua các trạm thu phí BOT.
Theo thống kê, cả nước hiện có 86 trạm thu phí BOT do Bộ GTVT quản lý, trong đó đã có 45 trạm đang và chuẩn bị thu phí.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.