Trăm triệu đồng cũng không bán trâu, chờ ngày quyết đấu

Thứ bảy, ngày 08/02/2014 12:41 PM (GMT+7)
Hội chọi trâu báo Nông Thôn Ngày Nay - Phúc Thọ (Hà Nội) 2014 là hội đầu tiên mang tính toàn quốc, do vậy có sự tham gia của rất nhiều trâu ở các địa phương có tiếng quy tụ.
Bình luận 0
Để giúp trâu của mình có thể lực tốt nhất khi xung trận, cống hiến những trận đấu mãn nhãn, ngay đầu xuân nhiều chủ trâu tâm huyết đã tạm gác công việc để đưa trâu về huyện Phúc Thọ. Có người ăn - ngủ cùng trâu gần tháng trời để đợi ngày quyết đấu.

Trăm triệu đồng cũng không bán trâu


Không kể 21 trâu được bà con nhân dân tại huyện Phúc Thọ mua về, nuôi dậy tại địa phương đợi ngày khai hội, 11 trâu thuộc nhiều vùng miền khác nhau cũng đã lần lượt tập kết về Phúc Thọ. Để giúp trâu của mình quen thủy thổ khi thi đấu tại hội chọi đầu tiên của Báo NTNN - huyện Phúc Thọ, rất nhiều chủ trâu tâm huyết đã kỳ công theo trâu về sống gần SVĐ huyện Phúc Thọ.

Họ cắm trại ngay tại đây đảm bảo chăm sóc trâu của mình một cách tốt nhất. Có mặt đầu tiên là ông Bùi Văn Tân (58 tuổi), chủ trâu số 21, người dân tộc Mường huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Ngay từ mùng 6 tết ông Tân và cậu con trai Bùi Văn Bình đã tạm rời xứ Mường theo trâu về Phúc Thọ đợi hội.

Một châu trọi sẽ tham gia Hội chọi trâu báo NTNN - Phúc Thọ 2014  đang được chăm sóc.
Một châu trọi sẽ tham gia Hội chọi trâu báo NTNN - Phúc Thọ 2014 đang được chăm sóc.

Nhớ về chặng đường tham dự hội chọi trâu lần này, ông Tân kể: Quê tôi không có hội chọi trâu, nên ngay khi nghe tin có hội chọi trâu Hải Phòng hơn 20 năm trước, tôi đã ước mơ có một ngày nào đó được tham gia một hội chọi trâu để thỏa ý thích.

Vì hội chọi của Hải Phòng quy định chỉ dành cho người địa phương nên tôi không có cơ hội tham gia. Nhưng hễ cứ nghe ở đâu mở hội chọi trâu là hai bố con lại lặn lội đèo nhau bằng xe máy để đi xem. Từ Hải Phòng, Tuyên Quang đến Nghệ An..., cứ có hội hay là có mặt hai bố con tôi.

Hồi tháng 8 âm lịch vừa rồi, đọc báo NTNN có thấy thông tin về hội chọi trâu do Báo NTNN tổ chức mà hai bố con tôi thấy mừng quá vì biết đây là cơ hội để trâu của mình được tham dự. Chẳng giấu gì, nhà tôi có con trâu cà 12 tuổi đang độ tráng niên, hội tụ đủ yếu tố của một trâu chọi giỏi. Nó chọi nổi tiếng cả vùng, chưa bao giờ thua bất cứ trâu nào.

Một cặp trâu chọi tại Hội chọi trâu Chiêm Hóa, Tuyên Quang.
Một cặp trâu chọi tại Hội chọi trâu Chiêm Hóa, Tuyên Quang.

Hàng ngày gia đình vẫn để nó kéo xe, kéo gỗ. Nhiều lái trâu đã đến đòi mua để đem về Đồ Sơn đào tạo, huấn luyện làm trâu chọi. Đã có người trả cả trăm triệu đồng, nhưng tôi kiên quyết không bán. Tôi đã bàn với gia đình đăng ký tham gia hội chọi của Báo NTNN vừa để thỏa ước mơ của mình vừa để thử vận may đầu xuân.

Về hành trình đưa trâu vượt 150km từ Lạc Sơn (Hòa Bình) về Phúc Thọ (Hà Nội), nghe ông Tân cũng thấy là cả một kỳ công: Do trâu của mình sống ở vùng rừng núi từ nhỏ nên lúc đưa lên ô tô rất khó khăn. Để đưa được trâu, ông Tân phải thuê thợ mộc dùng hẳn 2 cây gỗ ghép lại thành một cái cầu. 

on trai ông Tân phải kéo mũi trâu, còn ông và chục người hàng xóm đẩy phía sau mới đưa được trâu lên xe. Chở về đến Phúc Thọ, lại gặp khó về khoản thức ăn cho trâu vì giờ đang cuối đông, đầu xuân, chưa có cỏ non. “Hai bố con tôi xác định rồi, đi theo trâu gần 20 ngày trời nên đã mang gạo, xoong nồi, bếp gas mini, mấy tấm bạt. Tiện xe mang luôn cả cái chõng tre cùng với 2 cái chăn, một chiếc đài nhỏ để nghe tin tức hàng ngày.

Đến Phúc Thọ, chúng tôi xin phép Ban tổ chức tạo điều kiện cho cắm trại ngay cạnh SVĐ để chăm trâu. Hàng ngày con tôi dắt trâu đi quanh khu này, còn tôi phóng xe máy đi mua cỏ voi, ngọn mía và tìm những vùng ven sông Tích còn cỏ thì cắt về cho trâu” - ông Tân vui vẻ kể.

Nói về cơ hội của trâu nhà, ông Tân đánh giá: “Trâu của tôi ở nhà là anh hùng nhất khoảnh, nhưng ra hội gặp các đối thủ chuyên nghiệp không hiểu sẽ thi thố như nào? Nhưng dù thắng hay thua, tôi cũng vui vẻ vì đã thỏa mãn ước mơ được một lần tham gia hội chọi trâu. Thực sự tôi thấy mình rất may mắn vì đã được Ban tổ chức tạo điều kiện ngay từ đầu. Sang năm chắc chắn tôi vẫn sẽ tiếp tham dự hội”.

Do có đến 11 trâu ở các tỉnh xa đưa về Phúc Thọ để thi đấu trong hội chọi Giáp Ngọ, chỗ tập kết để người chăm, giữ trâu cũng là cả một vấn đề. Theo ông Phạm Đức Trường (huyện Hàm Yên, Tuyên Quang), chủ trâu số 31, ông chỉ đưa trâu về hội chọi trước 1 tuần nhưng cũng đã nhiều lần khảo sát khu vực SVĐ huyện Phúc Thọ.

Ông Trường cho biết: Tôi không trực tiếp chăm trâu nhưng cũng phải chọn chỗ thuận tiện cho mấy anh em chăm trâu ăn ở cho tử tế. Vừa đảm bảo sức khỏe cho người vừa đảm bảo thể lực cho trâu. Cũng đã nhắm được một chỗ thuận lợi để làm đại bản doanh nhưng phải khẳng định chỉ có mê trâu chọi mới chấp nhận vất vả ăn bờ ngủ bụi cùng trâu như thế này.

Chu đáo với các chủ trâu


Giải chọi trâu Báo NTNN - Phúc Thọ Tết Giáp Ngọ 2014 theo dự kiến sẽ diễn ra tại huyện Phúc Thọ (Hà Nội) trong 2 ngày 22, 23.2.2014 (tức ngày 23, 24 tháng Giêng năm Giáp Ngọ).
Địa điểm:
SVĐ trung tâm huyện Phúc Thọ, Hà Nội
Giải thưởng:
Trâu vô địch: 100 triệu đồng. Một Giải Nhì: 60 triệu đồng. Hai giải Ba: Mỗi giải - 10 triệu đồng.Các giải phụ: Cặp trâu đánh hay nhất: 10 triệu đồng. Trâu có miếng đánh hay nhất: 5 triệu đồng.

Dự đoán được tình hình nên ngay từ đầu, kế hoạch đón tiếp các chủ trâu và trâu chọi về tham dự hội đã được Ban tổ chức hội chọi trâu tính toán kỹ càng tỷ mỉ. Theo ông Ngô Quang Huấn - Phó Trưởng ban tổ chức phụ trách kỹ thuật, để động viên tinh thần các chủ trâu tham gia hội, Ban tổ chức đã quyết định hỗ trợ 3 triệu đồng tiền di chuyển cho mỗi trâu ở tỉnh xa về Phúc Thọ, 1,5 triệu đồng cho trâu của các xã trong huyện Phúc Thọ.

Số tiền trên đủ để thuê xe ô tô chở trâu về dự hội. Nếu đưa 2 trâu chung một xe thì cũng vẫn được hỗ trợ đầy đủ theo quy định. Về nơi tập kết trâu, Ban tổ chức cũng đã lên sơ đồ chuồng trâu ở khu vực quanh SVĐ và cung cấp cho mỗi chủ trâu 6 cây gỗ cùng bạt nhựa đủ để làm mái và quây quanh chuồng.

Ban tổ chức cũng đã liên hệ trước với chủ những vườn cỏ voi tại Phúc Thọ để phục vụ những trâu ở xa về được chăm sóc, bồi dưỡng một cách tốt nhất. Đảm bảo khi vào hội trâu vẫn giữa được trạng thái sung mãn như khi còn được nuôi dậy chăm sóc ở nhà.

Theo ông Lê Huy Hoàng (Đồ Sơn, Hải Phòng), chủ trâu số 29, tuy đây là hội lần đầu, nhưng công tác chuẩn bị từ khâu tổ chức, đến khâu tiếp đón và hỗ trợ trâu của Ban tổ chức rất chuyên nghiệp và chu đáo. Ông Hoàng nhận xét, nếu làm tốt và mở rộng quy mô toàn quốc thì chỉ một vài năm nữa, Hội chọi trâu Báo NTNN – huyện Phúc Phọ sẽ trở thành một thương hiệu, một dấu chấm rõ nét trên bản đồ lễ hội chọi trâu của cả nước.

Khánh Gia (Khánh Gia)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem