Trận chiến biên giới 1967: Ấn Độ đánh bật Trung Quốc

Đăng Nguyễn - Tổng hợp Chủ nhật, ngày 23/07/2017 18:55 PM (GMT+7)
Sau 5 năm kể từ chiến tranh biên giới Trung-Ấn 1962, hai quốc gia láng giềng một lần nữa lại bị kéo vào cuộc xung đột đẫm máu khác, và lần này phía Ấn Độ nói rằng họ đã đánh cho địch thủ "chảy máu mũi".
Bình luận 0

img

Ảnh minh họa.

Vương quốc Sikkim hình thành từ năm 1642 trải qua yên bình trong hơn 1 thế kỷ thì bị Vương quốc Gorkha (Nepal) ngày nay xâm chiếm. Điều này đã dẫn đến cuộc chiến tranh giữa Công ty Đông  và Nepal. Công ty Đông Ấn là lực lượng quân sự chiến đấu vì lợi ích của thực dân Anh và vơ vét của cải ở Ấn Độ.

Kết thúc chiến tranh, Sikkim trở thành vùng đất được Anh bảo hộ và sau đó là Ấn Độ năm 1950.

Căng thẳng Trung-Ấn về vấn đề phân định vùng biên giới Sikkim âm ỉ từ lâu và bùng phát thành hai cuộc xung đột ngắn ở Nathu La và Cho La.

Bài học từ cuộc chiến năm 1962

Thất bại trong chiến tranh biên giới Trung-Ấn 1962 đã giúp New Delhi nhận ra mối đe dọa tiềm tàng từ Trung Quốc. Ấn Độ tăng gấp đôi số binh sĩ thường trực, đưa 7 sư đoàn chuyên tác chiến vùng núi để bảo vệ biên giới rộng lớn giáp Trung Quốc.

Khu vực Nathu La là một trong những nơi quân Ấn Độ chốt chặn gần Trung Quốc nhất. Lực lượng hai bên đứng canh gác cách nhau chỉ 20-30 mét.

Lá thư của Bộ ngoại giao Trung Quốc gửi Đại sứ quán Ấn Độ tại Bắc Kinh ngày 11.4.1967 có đoạn, "Các vị phải rút ra bài học từ kinh nghiệm quá khứ, chấm dứt các hành động khiêu khích dọc biên giới Trung Quốc-Sikkim và ngưng các phát biểu xúc phạm chống lại Trung Quốc, nếu không quý vị sẽ phải nếm trái đắng”.

Từ ngày 13.8.1967, quân Trung Quốc bắt đầu đào hào ở Nathu La, tiến sâu vào Vương quốc Sikkim. Trung Quốc rút đi khi đào xong hào và đặt thêm 8 chiếc loa tuyên truyền công suất lớn. Đáp trả, Ấn Độ kéo dây thép gai xung quanh nhằm phân định biên giới.

img

Binh sĩ quân đội Ấn Độ.

“Người Trung Quốc không thoải mái vì Sikkim do Ấn Độ bảo hộ và quân đội Ấn Độ hiện diện gần biên giới Sikkim-Trung Quốc”, Thiếu tướng quân đội Sheru Thapliyal, người từng chỉ huy một lữ đoàn ở Nathu La kể lại trên India Today.

Mỗi khi Ấn Độ lập hàng rào dây thép gai, quân Trung Quốc lại kéo đến khiêu khích, gửi thông điệp “cảnh báo nghiêm trọng” đến chỉ huy Ấn Độ, tướng Thapliyal nói. Cuộc xô xát không vũ trang xảy ra khiến binh sĩ hai bên đều bị thương.

Đến ngày 11.9.1967, Ấn Độ tiếp tục lập hàng rào dây thép gai trên đường từ Nathu La đến Sebu La để khẳng định chủ quyền thì quân Trung Quốc “đã hết chịu nổi” và quyết định tấn công (phía Trung Quốc nói Ấn Độ nổ súng trước).

Bình luận về 2 cuộc xung đột ở Nathu La và Cho La, tờ Hindustan Times của Ấn Độ viết, nếu cuộc chiến năm 1962 là một thất bại ê chề thì quân Ấn Độ đã đáp trả Trung Quốc xứng đáng.

Thắng lợi lịch sử

Theo nguồn tin quân đội Ấn Độ, sáng ngày 11.9, một chính ủy Trung Quốc tiến đến đại tá quân đội Ấn Độ, người được giao nhiệm vụ chỉ huy toán lính lập hàng rào thép gai.

Phía Ấn Độ từ chối ngừng lập hàng rào, nói đây là mệnh lệnh từ sở chỉ huy. Quân Trung Quốc sau đó quay trở lại lô cốt và nổ súng vào những người lính Ấn Độ.

img

Quân Trung Quốc quan sát hoạt động quân sự của Ấn Độ trên tuyến đường Nathu La.

Vì quá bất ngờ và không có chỗ ẩn nấp nên hầu hết những binh sĩ Ấn Độ đều bị trúng đạn.

Quân Trung Quốc sau đó nã pháo và Ấn Độ đáp trả tương ứng. Giao tranh kéo dài suốt 3 ngày đêm với súng máy, súng cối và pháo binh thì quân Ấn Độ đã chiếm ưu thế rõ rệt và phá hủy lô cốt, buộc phía Trung Quốc phải rút xa hàng km.

Đến ngày 1.10.1967, một cuộc giao tranh khác nổ ra ở Cho La, tuyến đường nối giữa Sikkim và Tây Tạng, cách Nathu La vài km về phía bắc.

Nguồn tin Ấn Độ nói quân Trung Quốc đột nhập qua biên giới, tuyên bố chủ quyền Cho La và yêu cầu Ấn Độ rời khỏi khu vực. Phía Trung Quốc cho rằng quân Ấn Độ vượt qua biên giới và nổ súng về phía lính biên phòng nước này.

Giao tranh kéo dài trong một ngày thì kết thúc với việc quân Trung Quốc phải rút về cứ điểm phòng thủ cách Cho La 3km.

Trung Quốc ngày nay rất ít khi nhắc đến sự kiện giao tranh ở Sikkim và chỉ xác nhận 100 lính thiệt mạng. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Ấn Độ tuyên bố, 88 binh sĩ nước này thiệt mạng còn tổn thất phía Trung Quốc là 450 người.

"Chúng ta đã đánh họ chảy máu mũi," một cựu quan chức ngoại giao Ấn Độ nói trên Hindustan Times khi được hỏi về xung đột biên giới năm 1967.

img

Binh sĩ Ấn Độ canh gác ở khu vực biên giới với Trung Quốc ngày nay.

Sự kiện ở Sikkim năm 1967 được giới phân tích đánh giá là bước ngoặt trong cán cân sức mạnh Trung-Ấn. Trung Quốc đã không còn có thể dễ dàng tràn sâu vào trong biên giới Ấn Độ như cách đó 5 năm.

Năm 1975, người dân Sikkim bỏ phiếu với tỷ lệ 97% người ủng hộ sáp nhập vùng đất này thành một bang của Ấn Độ. Trung Quốc sau đó tuyên bố chấp nhận Sikkim là một phần của Ấn Độ đổi lại việc Ấn Độ ghi nhận Tây Tạng là một phần Trung Quốc.

Trên thực tế, Ấn Độ đã không can dự vào Tây Tạng từ những năm 1953. Cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia bảo từng nói Sikkim không còn là vấn đề giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Căng thẳng Trung-Ấn một lần nữa quay trở lại vào tháng 6.2017 ở khu vực tranh chấp Doklam giáp với Sikkim. New Delhi tố Bắc Kinh đưa quân xâm nhập để xây đường tại khu vực mang ý nghĩa chiến lược giáp 3 nước Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan.

Trận tử thủ bi tráng của 123 lính Ấn Độ trước 5000 quân TQ

Chiến tranh biên giới Ấn-Trung 1962 được coi là sự kiện đáng quên của Ấn Độ, nhưng trong trận chiến không cân sức ấy,...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem