Trận chiến nào trong Thế chiến 2, máu chảy thành sông, 1,9 triệu người bỏ mạng?
Trận chiến nào trong Thế chiến 2, máu chảy thành sông, 1,9 triệu người bỏ mạng?
Đăng Nguyễn
Thứ hai, ngày 25/03/2024 22:40 PM (GMT+7)
Trận đánh quyết định ở Stalingrad khiến 1,9 triệu người thiệt mạng trong Thế chiến 2 cho đến nay được ghi nhận là "địa ngục trần gian", nơi người lính bằng mọi giá phải đấu tranh để sinh tồn.
Theo National Interest, kể từ tháng 7/2012, thế giới phải chứng kiến đất nước Syria, với những thành phố Aleppo, Raqqa chìm trong đống đổ nát vì chiến tranh. Con số người chết trong cuộc nội chiến Syria tính đến năm 2016 ước tính lên tới 300.000 người.
Trong chiến tranh Iraq kéo dài từ năm 2003-2011, một thống kê cho biết có 405.000 người Iraq thiệt mạng do giao tranh. Kể từ khi Mỹ can thiệp vào Afghanistan giai đoạn năm 2001-2015, ước tính 91.991 người mất mạng.
Tỉnh tổng cả 3 quốc gia này trong giai đoạn 15 năm, con số người chết vì chiến tranh là 796.991.
Nhưng những thống kê trên vẫn còn khá khiêm tốn so với trận Stalingrad, trận đánh đẫm máu và tồi tệ nhất lịch sử nhân loại với 1,9 triệu binh sĩ Đức, Liên Xô và dân thường thiệt mạng chỉ trong 6 tháng.
Tháng 6/1941, trùm phát xít Adolf Hitler bất ngờ ra lệnh xâm lược Liên Xô. Trong vòng một năm sau, đội quân Đức chiếm một khu vực rộng lớn hàng ngàn km2. Tất cả những gì quân Đức cần khi đó chỉ là thành phố Stalingrad để làm bàn đạp.
Dân số Stalingrad trước chiến tranh vào khoảng 400.000 người. Đây là thành phố chiến lược với cảng biển và nhiều khu công nghiệp quan trọng.
Lãnh tụ Liên Xô Stalin khi đó chủ trương bảo vệ Stalingrad bằng mọi giá còn Hitler cũng sẵn sàng đổ 1 triệu người vào trận đánh lịch sử này.
Ban đầu, quân Đức đạt bước tiến nhanh chóng, chiếm nhiều khu vực bên trong Stalingrad. Đến tháng 11, quân Đức đẩy phòng tuyến Liên Xô về phía bờ sông Volga. Cả hai bên đều ghi nhận con số thương vong hàng trăm ngàn người.
Nhưng đó chỉ mới là sự bắt đầu của trận đánh đẫm máu nhất lịch sử thế giới hiện đại. Đúng và sai, đạo lý và danh dự của những người lính đều được gác lại cho một lý do duy nhất, chiến đấu vì sự sống còn.
Năm 2001, bộ phim Hollywood mang tên "Enemy at the Gates" phác họa cảnh đối đầu giữa hai lính bắn tỉa Liên Xô và Đức. Đây được coi là vũ khí đáng sợ nhất của cả 2 phe. Bởi nó có thể cướp đi sinh mạng người khác từ xa, khiến không một ai cảm thấy an toàn.
Một lính bắn tỉa Liên Xô, tên Anatoly Chechov kể lại lần đầu tiên cướp đi mạng sống của người khác: "Tôi cảm thấy tồi tệ. Tôi đã giết người. Nhưng sau khi nhận ra quân Đức đã tàn sát nhiều người khác, tôi chỉ còn biết xả đạn không ngừng vào họ".
Đây là những lời nói của Chechov ngay tại chiến trường đẫm máu này, phác họa phần nào cảnh tượng "địa ngục trần gian" ở Stalingrad.
Trong bối cảnh Hồng quân Liên Xô đứng trước khả năng thua trận, không thể phòng ngự được cho đến đêm, tướng lĩnh Liên Xô Alexander Rodimtsev đưa ra quyết định can đảm.
Tướng Rodimtsev dẫn đội quân do mình chỉ huy vượt sông, bất chấp máy bay Đức quần thảo trên bầu trời. Một nhân chứng cho biết, chiếc thuyền chở tướng Rodimtsev và bị trúng bom Đức trước khi cập bờ, khiến hầu hết binh lính thiệt mạng.
Bản thân Rodimtsev bằng một cách nào đó đã sống sót. Nhưng những người đồng đội thì lại không may mắn như vậy.
Albert Burkovski, một trong những người lính Liên Xô làm nhiệm vụ cố thủ bên kia sông, mô tả lại cảnh tượng thảm khốc đối với quân đoàn số 13. "Họ cố gắng vượt sông, xác người chết rải rác khắp nơi. Những con thuyền chở binh sĩ, đạn dược, súng máy nổ tung ngay trước mắt tôi".
Quân Đức khi đó chiếm ưu thế ở bên kia sông nhờ các cao điểm, liên tục xả đạn súng máy không ngừng về phía Hồng quân Liên Xô. "Tưởng chừng như đợt phản công của Liên Xô là tự sát nhưng họ đã thành công", Michael Jones, tác giả cuốn sách viết về trận đánh Stalingrad nói.
Quân đoàn 13 do tướng Rodimtsev chỉ huy cận chiến với quân Đức, đánh chiếm các tòa nhà quan trọng và làm chủ khu vực bờ bên kia sông.
Cảnh tượng ở bên kia chiến tuyến còn khốc liệt hơn. Theo trang WW2History, một người sống sót tên Helmut Walz mô tả lại cảnh chiến đấu trên từng con phố, căn nhà ở Stalingrad.
Bất ngờ, Walz đụng độ với binh sĩ Liên Xô, hứng trọn đòn đánh trời giáng vào mặt, khiến máu trào ra từ miệng. Walz chợt nghĩ đó là dấu chấm hết nhưng một đồng đội lao đến trợ giúp, không ngừng lấy báng súng đánh vào đầu người lính Liên Xô.
Cảnh tượng kinh hoàng đó chưa chấm dứt, khi Walz đang được đồng đội băng bó, một người lính Liên Xô khác tiến đến bắn thẳng vào đầu đồng đội của Walz từ phía sau. Walz kể rằng đó là lần đầu tiên nhìn thấy đầu người vỡ làm đôi còn não bộ rơi ra ngoài.
Những cảnh tượng mà người lính Liên Xô thuộc quân đoàn 13 phải trải qua và Helmut Walz ở bên kia chiến tuyến đã lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt 6 tháng giao tranh đẫm máu.
Chiến sự cuối cùng cũng kết thúc vào tháng 2/1943, khi tập đoàn quân số 6 của Đức Quốc xã, do tướng Friedrich Paulus chỉ huy ra hàng. Quân Đức từ hàng triệu người, nay chỉ còn 90.000 lính.
Thất bại trên sông Volga đánh dấu bước ngoặt trên chiến trường, khiến quân Đức không ngừng thua trận và thất bại ngay tại thủ đô Berlin hai năm sau đó, cùng với cái chết của trùm phát xít Hitler.
Trong số 90.000 tù binh Đức, chỉ có khoảng 6.000 người là còn có thể quay trở về quê nhà, trong giai đoạn những năm 1950.
Có thể nói, 1,9 triệu người chết, với những trải nghiệm kinh hoàng, cận chiến trong những tháng ngày mùa đông rét thấu xương ở Liên Xô đưa Stalingrad trở thành nơi diễn ra trận đánh tồi tệ nhất lịch sử thế giới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.