Trần Đăng Khoa - chắc tay súng, vững tay bút

Thanh Hải Chủ nhật, ngày 04/01/2015 09:39 AM (GMT+7)
Những ngày đầu tháng 12, khi ra thăm Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tại thủ đô Hà Nội, tôi gặp nhà thơ Trần Đăng Khoa. 
Bình luận 0

Ông là một nhà văn, nhà thơ đồng thời cũng là người lính biển. Trò chuyện thân tình với chúng tôi ông tâm sự: “Tôi có mặt ở Trường Sa rất sớm, tôi nhớ đầu năm 1975, khi tôi đang học những tháng cuối cùng của cấp THPT thì có lệnh tổng động viên, tăng cường cho chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau khi huấn luyện bộ binh, tôi được điều động qua Bộ Tư lệnh Hải quân và ra đảo Trường Sa tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của người lính. Bắt đầu bước chân xuống tàu hải quân ra đảo, tôi rất bồi hồi”.

img
Nhà thơ Trần Đăng Khoa.  T.L

Trong những tháng năm cầm bút Trần Đăng Khoa mải mê khao khát viết về đề tài biển đảo. Cuộc đời ông đã đặt chân ở khắp các chiến trường mọi miền Tổ quốc, cả ở Lào, Campuchia… nhưng quần đảo Trường Sa mới chính là nơi hình thành một chiến sĩ – thi sĩ Trần Đăng Khoa dạn dày kinh nghiệm, bản lĩnh. Ông nói: “Đứng trước biển Trường Sa mới cảm nhận được vẻ đẹp của biển, không có hình ảnh nào lãng mạn như hình ảnh người chiến sĩ hải quân trước sóng gió, nhưng cũng không có hình ảnh nào dữ dội như sự hy sinh của người lính biển”.

Đọc những dòng thơ của Trần Đăng Khoa viết về người lính biển và Trường Sa, tôi- người làm báo gắn với lính biển- mới thấm thía sự hy sinh cao cả đó. Tiêu biểu nhất là tiểu thuyết “Đảo chìm”… đã thu hút người đọc, đã làm “dậy sóng” hàng triệu con tim của người dân đất Việt và kiều bào ta ở nước ngoài. Ông sáng tác rất khỏe, thơ văn của ông viết về Trường Sa và Biển Đông đạt tới mức “kỷ lục” về số lượng, trong đó có nhiều bài thơ hay như: Thơ tình người lính biển, Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn, Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài, Viết từ hải đảo, Lính đảo hát tình ca… Trong cách “đặc tả” tài tình mà rất tinh tế, một Trường Sa thân thương gần gũi, tôi chưa thấy một cây bút nào nhắc đến Trường Sa độc đáo, tinh túy, vừa day dứt vừa yêu thương đến thế.

Rất nhiều bài thơ về biển của Trần Đăng Khoa được phổ nhạc, và những người yêu biển đều biết. Như câu hát: “Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên/ Bão táp chưa ngưng trong những vành tang trắng/ Anh đứng gác/ Trời khuya/ Đảo vắng/ Vòm trời kia có thể sẽ không em/ Không biển nữa/ Chỉ mình anh với cỏ/ Cho dù thế thì anh vẫn nhớ/ Biển một bên và em một bên…”. Những câu thơ ấy, khi chúng ta đọc cảm tưởng nghe xao xuyến bồi hồi, ngoài khơi xa những người lính hải quân, cảnh sát biển… vẫn âm thầm lặng lẽ bồng súng đứng gác dưới gió gào, biển lạnh, bảo vệ vững chắc vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Hiện tại, Trần Đăng Khoa dù công việc bận rộn nhưng ông bày tỏ vẫn rất khao khát sáng tác về đề tài lính, đặc biệt là lính biển và Trường Sa, hay là nhà giàn DK1...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem