Tràn ngập show đồng tính: Cởi mở hay "mồi câu" khán giả

Thứ sáu, ngày 14/12/2018 07:22 AM (GMT+7)
Sự nở rộ của game show, talk show về LGBT cho thấy xã hội ngày càng nhìn nhận cởi mở về giới tính thứ 3. Tuy nhiên, cũng có chương trình chỉ đơn thuần là chiêu kéo khán giả từ nhà sản xuất.
Bình luận 0

Thời gian gần đây, game show, talk show dành riêng hoặc thiên về cộng đồng LGBT (người đồng tính, song tính, chuyển giới) nở rộ trên sóng truyền hình và mạng xã hội.

Tính riêng trong năm 2018 đã có trên dưới 10 chương trình lên sóng như "Come out - Bước ra ánh sáng", "Just Love", "Người ấy là ai", "Love Wins", "Nghe cầu vồng nói - LGBT Việt"… Và một game show chuẩn bị lên sóng là "Chinh phục hoàn hảo" (The Tiffany Vietnam).

Ngoài ra, còn một số chương trình, tuy không dành riêng cho LGBT, nhưng thành viên cộng đồng này thoải mái tham gia như "Anh chàng độc thân Việt Nam" (The Bachelor Việt Nam), "Yêu là cưới", "Bạn muốn hẹn hò", "Lô tô Gánh hát ngàn hoa"....

img

Sự nở rộ của game show, talk show về LGBT cho thấy xã hội ngày càng nhìn nhận cởi mở về giới tính thứ 3. 

Trong đó, không ít game show, talk show mới mẻ, nội dung hấp dẫn, chuyển tải thông điệp ý nghĩa, nhân văn. Nhưng cũng có chương trình bị công chúng chê là nhạt nhẽo, chỉ thu hút được vài số đầu phát sóng, và sử dụng thành viên LGBT như cách để gây chú ý.

Thực trạng khác biệt này khó tránh dư luận đặt câu hỏi sự xuất hiện ngày một nhiều của các chương trình về đồng tính, chuyển giới liệu bắt nguồn từ những cởi mở thực sự của xã hội hay là một chiêu kéo khán giả của các đơn vị sản xuất trong bối cảnh game show đang bão hòa?

"Cộng đồng LGBT ngày càng được quan tâm"

Bà Hoàng Hường - Phó Viện trưởng Viện iSEE, đơn vị có nhiều chương trình, hoạt động bảo vệ, thúc đẩy quyền của cộng đồng LGBT - cho biết sự phát triển của các game show, talk show về người đồng tính, chuyển giới thể hiện rằng người LGBT đang được quan tâm, được coi là một phần trong đời sống.

"Điều đó chứng tỏ xã hội của chúng ta hiện nay khá cởi mở với cộng đồng LGBT. Với tư cách là một tổ chức hoạt động về quyền của người LGBT, chúng tôi hoàn toàn tôn trọng quyền tự do sáng tạo của các nghệ sĩ và các nhà sản xuất", bà Hường khẳng định.

Thực tế, có khá nhiều chương trình về LGBT hiện nay nhận được những phản hồi tích cực từ người trong giới lẫn cộng đồng. Đơn cử như chương trình "Come out - Bước ra ánh sáng", "Just Love" hay "Người ấy là ai?". 

"Come out - Bước ra ánh sáng" truyền tải những câu chuyện về quá trình bộc lộ bản thân của người đồng tính để gia đình, người thân chấp nhận Trong khi, "Just love" lại là nơi mà người LGBT cùng chia sẻ quan điểm về sự kỳ thị, áp lực của gia đình mà bản thân phải chịu.

"Người ấy là ai?" đã lên sóng được 6 tập. Tuy không phải chương trình dành riêng cho LGBT, nhưng mỗi số đều có người đồng tính nam xuất hiện. Qua những số phát sóng, game show này mang đến nhiều câu chuyện xúc động về tình yêu của người đồng tính. 

Hoàng Khang, một thành viên của LGBT bình luận trên mạng xã hội: "Thực sự có những chương trình rất ý nghĩa, có tác động tích cực đến những người như mình, giúp bản thân sống tốt hơn, trân trọng giới tính và những gì mình đang có".

img

Chàng trai đồng tính trong chương trình "Người ấy là ai?" trên sóng HTV.

Tại sao năm 2018 có nhiều show về LGBT?

Những năm trước, game show, tak show về đồng tính rất hiếm hoi. Nhưng năm 2018, chủ đề này thực sự bùng nổ, cả trên mạng xã hội lẫn truyền hình.

Lý giải về điều này, bà Hoàng Hường - Phó Viện trưởng Viện iSEE cho rằng “thực trạng” này thực ra rất dễ hiểu. Bởi lẽ, những người làm nghệ thuật/giải trí, hay các công việc sáng tạo nói chung luôn cần những chất liệu mới, độc, lạ cho những sản phẩm của họ.

"Theo cách này, cộng đồng LGBT hiện nay, cũng giống như người dân tộc thiểu số hay một nhóm những cộng đồng nhỏ khác bị/được đánh giá là khác biệt so với cộng đồng nói chung, nên cũng không khó hiểu khi họ bị/được lấy làm chất liệu cho các chương trình giải trí, game show, talk show", bà Hường nhấn mạnh.

Phó Viện trưởng Viện iSEE cũng nhấn mạnh đề tài LGBT thực tế đã không còn xa lạ với nghệ thuật. Trong những năm gần đây, thế giới đã giới thiệu rất nhiều phim về đề tài này. Trong đó có những phim đã đoạt giải thưởng quốc tế như "Brokeback Mountain", "The Danish Girl", "Call me by your name"...

"Điểm chung của những tác phẩm này là 'khai thác đề tài LGBT nhưng không phải để nói về người LGBT', mà nói về tình yêu, nỗi đau, phẩm giá và khát vọng; những vấn đề chung mà mỗi con người chúng ta đều đối mặt", bà Hường nói.

img

Hai cô gái đồng tính trong chương trình "Anh chàng độc thân Việt Nam" (The Bachelor Việt Nam).

Ở Việt Nam, chủ đề về LGBT cũng đã xuất hiện nhiều trên phim ảnh, với đủ mọi "hỷ, nộ, ái, ố". Thế nhưng, riêng với loại hình game show, talk show, đề tài này vẫn còn mới mẻ. Đó cũng là một trong những lý do để các nhà sản xuất làm chương trình về LGBT.

Không khó để nhận ra, các chương trình như "Come out" hay "Just love" có lượt xem tương đối lớn khi đăng tải trên mạng. Trong khi "Người ấy là ai?" cũng đang là một trong những game show được quan tâm nhất sóng HTV2 hiện nay. 

Một ví dụ khác là "Anh chàng độc thân Việt Nam" (The Bachelor Việt Nam), có hai cô gái công khai yêu nhau lại đang được nhớ đến nhất, chứ không phải những tình yêu nam nữ trong chương trình. Điều đó đủ cho thấy chủ đề LGBT đang "hot" như thế nào.

Chiêu kéo khán giả của nhà sản xuất?

Sự nở rộ game show, talk show về LGBT có những tích cực, nhưng tiêu cực không phải không có. Bà Hoàng Hường cho rằng xét về mặt tiêu cực, cách nhìn nhận về người LGBT của một bộ phận trong cộng đồng vẫn có phần sai lệch, không thiện chí, thậm chí mang tính chất kỳ thị, phân biệt đối xử; trong đó có cả những người làm công việc sáng tạo, giải trí.

Là người có nhiều năm đồng hành với cộng đồng LGBT, bà Hoàng Hường khẳng định thật khó nói đâu là ranh giới giữa sự mục đích nhân văn thực sự và chiêu kéo khán giả.

"Chúng tôi chỉ có thể nói rằng người LGBT là một phần trong chúng ta. Họ chiếm một phần nhỏ và có thể có sự khác biệt về bản dạng giới và xu hướng tính dục với những người khác. Nhưng sự khác biệt đó là vấn đề riêng tư, là quyền cơ bản của con người, không thể là vấn đề để cười cợt bình phẩm", bà Hường nhấn mạnh.

img

Chương trình "Come out - Bước ra ánh sáng".

"Chúng tôi chỉ mong rằng trước khi lấy LGBT làm đề tài sáng tạo, các nghệ sĩ sẽ suy nghĩ thật thấu đáo: Chúng ta đã có đủ kiến thức về vấn đề này chưa, đã thực sự hiểu đúng về người LGBT chưa, và hơn cả chúng ta có thực sự muốn giải trí bằng cách chế nhạo hay làm tổn thương người khác hay không?", vị Phó Viện trưởng nói thêm.

Về sự bùng nổ của các game show, talk show về LGBT, bà Hường khẳng định nếu không làm vì "cái tâm" thực sự, sớm hay muộn cũng sẽ "thoái trào".

Trong khi đó, Hoa hậu chuyển giới Hương Giang chia sẻ với cộng đồng LGBT: “Hãy tỉnh táo để đừng là 'mồi câu' cho các nhà sản xuất. Và hãy tẩy chay quyết liệt bằng cách không xem những chương trình đem người đồng tính ra chỉ vì lợi nhuận chứ không phải mục đích nhân văn, giúp xã hội hiểu biết hơn, không còn vấn nạn kỳ thị”.

Rõ ràng, chính người trong giới cũng nhận thức được rằng có những game show, talk show chỉ đơn thuần vì lợi nhuận, và mang người LGBT ra để làm chủ đề lôi kéo khán giả. Thực tế, có những chương trình lượt xem trên mạng giảm dần theo từng số vì câu chuyện lặp đi lặp lại, cho thấy sự kém đầu tư vào nội dung. 

Do vậy, có thể nói, dù làm bất cứ đề tài, chủ đề gì, nội dung và thông điệp vẫn là yếu tố quan trọng, thậm chí quyết định "tuổi thọ" của chương trình.

Khuê Tú (zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem