“Hai lần đò” vẫn đắm
Ngồi trước mặt tôi là một phạm nhân nữ với dáng vẻ khắc khổ, người khô gầy, mặt đen nhẻm, nhưng giọng nói khá rành rọt. Đó chính là phạm nhân Nguyễn Thị Tâm (SN 1965, trú tại Thắng Lợi, phường Cự Lợi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), phạm tội giết người phải thụ án 17 năm, tại Trại giam số 5 - Bộ Công an (Yên Định, Thanh Hoá).
Người mà Tâm sát hại không ai khác chính là người chồng “đầu ấp tay gối” của mình trong suốt một thời gian dài chung sống.
Phạm nhân Tâm trò chuyện với PV.
Trong số những phạm nhân mà tôi gặp, Nguyễn Thị Tâm có lẽ là người có hoàn cảnh tình duyên éo le nhất. Khi nói về cuộc sống gia đình, Tâm chỉ lắc đầu buồn bã: “Số tôi luôn lận đận trong chuyện tình cảm, nên mọi chuyện cũng từ đó mà ra. Chỉ vì một chút nóng giận mà tôi đã mất cả gia đình và phải xa đứa con trai duy nhất”.
Với giọng trầm buồn, Tâm kể về những tháng ngày tự do làm vợ người trước kia, vừa có sự tiếc nuối, nhưng cũng vừa chất chứa những buồn tủi về chuyện đổ vỡ trong hôn nhân.
Theo đó, Tâm sinh ra trong gia đình có bốn chị em, Tâm là con thứ hai. Vì nhà đông chị em, ngay từ nhỏ, Tâm phải thiệt thòi vì phải lao động cùng bố mẹ để nuôi các em ăn học. Lớn lên đến tuổi lao động, Tâm xin được vào Nhà máy dệt 8/3 để làm việc.
Rồi Tâm quen với người chồng thứ nhất trong những ngày làm việc ở nhà máy dệt, cả hai đã về chung sống như vợ chồng, nhưng chưa đăng ký kết hôn với nhau. Đó là quãng thời gian vào năm 1983.
Tuy nhiên, cuộc hôn nhân không hôn thú này chẳng được bao lâu. Vì chồng Tâm là người có tính hay ghen, lại vũ phu nên cuộc sống của Tâm như địa ngục. Nhiều lúc, trong cơn ghen bóng, ghen gió, chồng Tâm trút lên đầu vợ những trận đòn ác nghiệt.
Vốn là người đàn bà cam chịu, để giữ gìn hạnh phúc gia đình, Tâm cố gắng nhẫn nhịn để níu kéo cuộc sống gia đình. Nhưng rồi, con giun xéo lắm cũng oằn, trong một lần bị chồng đánh đau, Tâm quyết định chia tay, ai đi đường nấy. Cuộc hôn nhân không hôn thú chỉ vỏn vẹn có 2 năm trời thì kết thúc.
Từ đó, Tâm sống một mình, có nhiều người để ý nhưng những mối lương duyên gặp gỡ cũng chẳng đâu vào đâu. Mãi tới năm 1995, lúc đó Tâm ở tuổi 30 đã phải lòng một chàng thanh niên kém mình tới 6 tuổi làm nghề cửa sắt. Cô quyết định đi bước nữa với người chồng thứ hai trong niềm vui chung của gia đình.
Khác với cuộc hôn nhân lần trước, hai người có đăng ký kết hôn tại chính quyền sở tại. Cuộc đời có mấy ai biết được chữ ngờ, khi người phụ nữ đang yêu, thì chỉ nhìn thấy mặt tốt đẹp của người đàn ông. Thế nhưng, khi lấy nhau, người phụ nữ sẽ nhìn thấy nhiều điều không tốt đẹp từ người bạn đời của mình. Oái oăm thay, người chồng thứ hai của Tâm tuy thương yêu vợ, nhưng lại hay rượu chè say sưa.
Mỗi khi say rượu, người chồng lại giở thói vũ phu, đánh đập vợ không thương tiếc. Vì không muốn đổ vỡ trong hôn nhân một lần nữa, Tâm cắn răng chịu đựng chồng để giữ gìn hạnh phúc, và cũng để chào đón đứa con trai của họ sắp chào đời.
Cũng vì những trận đòn của chồng trong cơn say, mà người mẹ sức khoẻ yếu, sinh con thiếu tháng, không được phát triển như những đứa trẻ bình thường. Do vậy, vợ chồng Tâm phải hao tốn nhiều công sức, tiền bạc vào chuyện nuôi con nhỏ.
“Tức nước vỡ bờ”
Từ khi vợ sinh con, bản tính vũ phu của người chồng trẻ ít nhiều đổi thay theo hướng tích cực, tu chí làm ăn, bỏ rượu chè chăm sóc vợ con. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, mọi chuyện lại đâu vào đó. Trong những cơn say triền miên, người chồng lại thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ. Vì đứa con trai mới sinh, Tâm mặc kệ mọi chuyện để gia đình trọn vẹn, cho con trai Tâm có đầy đủ cha mẹ.
Vào một ngày tháng 5.2006, trong một lần mâu thuẫn với chồng không thể chịu được, Tâm bế con về nhà chị gái để tránh mặt chồng. Hai mẹ con ăn tại đây, trong bữa ăn Tâm có uống bia. Rồi hai mẹ con lại bồng bế nhau về nhà. Về tới nhà, Tâm gọi chồng xuống mở cửa cho hai mẹ con, lúc đó chồng Tâm cũng vừa đi nhậu nhẹt về đang nằm nghỉ trên tầng hai.
Bực bội vì bị đánh thức trong khi ngủ, sẵn men rượu nồng nặc trong người, chồng Tâm lảo đảo bước ra mở cửa cho hai mẹ con. Rượu say, người chồng loay hoay một lúc mới mở được khoá cửa, đứng ở ngoài bế con, cơn bực tức trong người Tâm được dịp bùng phát. Cửa chưa mở mà hai vợ chồng đã đấu khẩu với nhau rất ác liệt.
Khi cánh cửa nhà được mở toang, hai vợ chồng cãi nhau kịch liệt. Người chồng đã lao vào đánh vợ thậm tệ, mặc dù lúc đó đứa con trai nhỏ vẫn nằm trong vòng tay che chở của người mẹ. Những lúc bình thường, người vợ sẽ cam chịu tất cả. Nhưng lần này thì khác, trong huyết mạch của Tâm đã có nhiều hơi men, nó làm cho người vợ không còn kiểm soát được bản thân.
Trong lúc xô xát, Tâm vớ được một chiếc kéo nhọn, đâm luôn một nhát chí mạng vào trúng ngực chồng mình. Bị đâm trúng chỗ hiểm, nên chồng Tâm đã đổ gục xuống sàn nhà. Đến khi đó, người vợ mới sực tỉnh, sợ hãi và gọi hàng xóm đưa chồng đi cấp cứu. Còn hai mẹ con Tâm nước mắt ngắn dài, bồng bế nhau tới ngay công an phường sở tại để đầu thú.
Vì vết thương nặng trúng vào chỗ hiểm, chồng của Tâm đã không qua khỏi. Sau đó, Tâm bị bắt vì hành vi giết người, TAND TP.Hà Nội đã tuyên Tâm 17 năm tù. Tâm vào thụ án tại Trại giam số 5 - Yên Định từ năm 2007 đến nay.
“Mẹ sẽ cải tạo tốt... về với con”
Những ngày đầu mới vào trại là những ngày khó khăn nhất đối với Tâm. Nỗi ân hận giằng xé tâm can vì đã lỡ ra tay làm người chồng mất mạng. Nói về việc đã qua, phạm nhân Nguyễn Thị Tâm vẫn không giấu được những giọt nước mắt hối hận muộn màng: “Tôi đã đánh mất tất cả hạnh phúc gia đình chỉ vì một chút nóng giận không đáng có. Mọi việc đã qua rồi, tôi không thể nào lấy lại được nữa”.
Suốt 8 năm qua, không đêm nào người mẹ này ngủ ngon giấc. Điều đau đớn nhất của Tâm là không được ở bên cạnh đứa con trai duy nhất của mình trong suốt quãng thời gian qua. Ngày Tâm phải đi thụ án, cậu con trai 10 tuổi, chưa hiểu biết hết được bi kịch của gia đình.
“Những ngày đầu vào đây, tôi khóc thầm suốt vì nỗi nhớ con khôn xiết. Tôi cảm thấy cuộc sống của mình bế tắc như đi vào ngõ cụt. Nhưng rồi, nhờ được các cán bộ trại giam ở đây luôn quan tâm động viên, tôi đã cố gắng cải tạo tốt, dần lấy lại tinh thần”, phạm nhân Tâm trải lòng.
Khi nói về đứa con trai, mắt Tâm như ánh lên niềm mong mỏi và sự hạnh phúc: “Cháu bây giờ cũng lớn lắm rồi. Nghe người nhà nói, con tôi đã tự đi lao động để kiếm sống cho bản thân. Các cô, dì, chú, bác ở ngoài đó đã xin cho cháu đi làm công việc rửa xe để lấy tiền. Mỗi lần cháu vào thăm, tôi thấy hạnh phúc lắm. Thời gian đầu, cháu thăm tôi một tháng một lần. Tôi được an ủi rất nhiều từ việc gặp con trai đều đặn”.
Rồi giọng Tâm trùng xuống: “Cũng có nhiều lần tôi hỏi con trai một câu hỏi duy nhất: “Con có hận mẹ không khi mẹ gây ra mọi chuyện?”. Con trai tôi đều lắc đầu, đáp: “Con thương mẹ lắm, con không hận mẹ đâu. Con mong mẹ sớm trở về với con để hai mẹ con mình đoàn tụ...””. Kể đến đây, những giọt nước mắt lại lăn dài trên má Tâm.
Khi cuộc nói chuyện kết thúc, phạm nhân Tâm nhờ PV bản báo gửi nhắn nhủ với gia đình: “Nếu có điều kiện, nhà báo hãy về gặp các cô, dì, chú, bác trong gia đình tôi, nói rằng họ không phải lo lắng cho tôi. Hiện tại, tôi đang chuyên tâm, cố gắng cải tạo tốt để được hưởng lượng khoan hồng của Nhà nước. Đồng thời nhờ gia đình cố gắng cho con trai tôi được đi bộ đội, để cháu rèn giũa nên người...”. Qua báo chí, phạm nhân Tâm muốn gửi tới con trai lời yêu thương: “Mẹ rất yêu con, con hãy ngoan ngoãn, nghe lời dạy bảo của cô dì, chú bác. Mẹ sẽ cố gắng cải tạo tốt để sớm trở về với con”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.