Trăn trở về chữ “nhu cầu”

Chủ nhật, ngày 04/09/2011 10:52 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thời điểm năm 2009, khi Đề án 1956 về dạy nghề cho lao động nông thôn được trình Chính phủ, nó đã nhận được sự tán thưởng khi được thiết kế để đảm bảo sự tương thích giữa rất nhiều yếu tố: Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khả năng học nghề - làm nghề của người dân, khả năng tổ chức giảng dạy của các cơ sở dạy nghề…
Bình luận 0

Theo cách hiểu đó, chỉ khi nào nông dân có nhu cầu, thị trường lao động có nhu cầu thì mới mở lớp đào tạo chứ không phải đào tạo nghề tràn lan.

Thực tế, quá trình chỉ đạo thực hiện của Ban chỉ đạo T.Ư luôn trăn trở để điểm mạnh này phát huy tác dụng, nhưng không phải địa phương nào cũng thực hiện tốt. Ví dụ như nghề muối, diêm dân hàng loạt các tỉnh ven biển phía Bắc sản xuất muối ra không bán được vì muối chất lượng thấp, muối bẩn, trong khi Việt Nam lại phải nhập khẩu muối.

Vì sao các tỉnh đó không quy hoạch phát triển nghề muối địa phương, xem với tiêu chuẩn muối sạch, nông dân cần phải được đào tạo gì, đầu tư hạ tầng thế nào để có thể sản xuất được? Thực tế, diêm dân được đào tạo rất ít và rất bị động, nếu lãnh đạo các địa phương nhìn ra được điều này, tổ chức dạy nghề cho họ thì diêm dân sẽ bớt khổ. Trong khi đó, các tỉnh này lại đổ xô đi đào tạo nghề mây tre đan, may mặc… để rồi vất vả “kéo” doanh nghiệp về tiêu thụ sản phẩm một cách không chắc chắn.

Nghề muối chỉ là một ví dụ cho thấy các địa phương “quên” chuẩn bị khâu nhân lực, dù đã được hỗ trợ để dạy nghề. Suy rộng ra, khi chọn nghề đào tạo cho nông dân phải chú ý nghề gắn với nhu cầu xã hội, phải nhìn thấy được triển vọng ở tương lai của nghề, chứ không đào tạo tự phát, bốc đồng, phong trào. Người nông dân rất sòng phẳng, không trúng vấn đề là không học.

Tôi đã gặp rất nhiều nông dân, trong đó có một nông dân ở Vĩnh Phúc, anh cho rằng những lớp dạy nghề đó rất thiết thực, vì lần đầu tiên anh được tiếp cận học nghề một cách bài bản. Thời điểm đầu năm 2010, nhu cầu nghề xây dựng ở quê anh rất lớn, khi địa phương mở lớp học nghề này, anh đăng ký tham gia ngay- dù phải dự thính (vì không thuộc đối tượng ưu tiên).

Ở đó, được học kỹ các quy tắc về an toàn lao động, điều mà các ông chủ không bao giờ dạy anh khi anh theo họ vừa học vừa làm. Có học nghề, làm nghề tự tin, thu nhập của anh cũng cao hơn. Khi làm thợ phụ, ngày công của anh chỉ được 100.000 đồng/ngày, giờ được khoảng 180.000 đồng/ngày.

Như vậy, tự bản thân anh thấy việc dạy nghề gắn với nhu cầu của thị trường lao động, nhu cầu của bản thân mình rất cần thiết, khiến cho anh hào hứng hơn khi học nghề và cũng học nghề có trách nhiệm hơn.

Vậy làm thế nào để “trúng” nhu cầu? Đó thực sự là câu hỏi trăn trở và cần tâm huyết của các đơn vị tham gia Đề án 1956. Không thể “dàn hàng ngang cùng tiến”, mà phải tiến một cách chắc chắn bằng những lớp dạy nghề thực sự mang lại hiệu quả cho người học và cho sự phát triển của kinh tế- xã hội địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem