Trạng Gióng: Hậu duệ của Trần Hưng Đạo, dùng nhân đức trị quốc

Trần Hưng Thứ bảy, ngày 11/12/2021 18:53 PM (GMT+7)
Trạng Gióng là Trạng nguyên mà luôn giữ gìn cẩn trọng, từ chối lấy công chúa, dùng nhân đức mà dẹp yên đạo tặc Nghệ An cùng nạn kiêu binh ở kinh thành Thăng Long.
Bình luận 0

Dòng dõi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn

Trước sự bạo ngược lấn át Vua của Hồ Quý Ly, năm 1399 Trần Khát Chân cùng các tôn thất nhà Trần quyết định diệt Hồ Quý Ly để trừ họa. Kế hạch không thành, Hồ Quý Ly cho truy bắt tôn thất nhà Trần. 400 tướng lĩnh nhà Trần cùng những ai liên quan bị hành hình.

Cháu 3 đời của Hưng Đạo Vương phải chạy đến xã Cổ Nông, châu Đà Giang, phủ Tam Giang (nay thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) lánh nạn.

Trạng Gióng: Hậu duệ của Trần Hưng Đạo, dùng nhân đức trị quốc - Ảnh 1.

(Tranh minh họa của họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online).

Đến đời cháu thứ tư của Hưng Đạo Vương là Trần Văn Huy (hiệu là Đặng Hiên), dù nhà nghèo nhưng chăm chỉ, đỗ Nhị giáp tiến sĩ Đình nguyên năm 1442. Ông làm quan đến Thượng thư bộ Hình, sau di cư đến ở làng Quang Bị, huyện Bất Bạt, phủ Thao Giang, trấn Sơn Tây (nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội).

Đến thời vua Lê Tương Dực, thời gian đầu Vua còn lo ổn định Xã Tắc, sau đó lại sa đọa như vua trước là Lê Uy Mục. Năm 1511, cháu nội của Trần Văn Huy là Trần Tuân khởi nghĩa ở Sơn Tây, quân khởi nghĩa giành nhiều trận thắng và áp sát Kinh thành. Vua Lê Tương Dực lo lắng cho quân tiến đánh nhưng đều thất bại.

Sau các chiến thắng, Trần Tuân lơ là không phòng bị, nên bị bộ tướng của Triều đình lẻn vào doanh trại giết chết, cuộc khởi nghĩa sau đó cũng tan.

Dòng họ của Trần Tuân phải đi trốn khắp nơi, nhiều người phải đổi họ để tránh sự truy bắt của Triều đình.

Theo gia phả thì cháu của Trần Tuân là Trần Công Du chạy đến xã Yên Quyết Thượng, huyện Từ Liêm (nay là xã Yên Hòa, huyện Từ Liêm, Hà Nội) rồi đổi tên thành Đặng Công Toản (lấy theo hiệu Đặng Hiên của cụ tổ Trần Văn Huy).

Đến khoa thi năm 1520, Đặng Công Toản dự thi và đỗ tiến sĩ, làm quan Tham chính xứ Kinh Bắc, đóng trụ sở ở làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (nay thuộc xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Đây là quê hương của Thánh Gióng khi xưa.

Đặng Công Toản có người con trai thứ 7 là Đặng Công Khuê, đỗ đầu thi Hương tức Giải nguyên, làm quan đến chức Viên ngoại lang bộ Lại. Các con trai của Đặng Công Khuê đa số đều thi đậu giải nguyên. Con trưởng là Đặng Công Sắt đỗ Giải nguyên khoa thi năm 1603, làm quan đến chức Tham chính xứ.

Đặng Công Sắt có người vợ họ Nguyễn, bà là người ham học, thuộc nhiều ca dao, điển tích, lại là người nhân hậu, hay đem của nhà làm phúc giúp cho cả những người không quen biết. Vì thế mà khi mất bà được gọi là Từ Huệ.

Bà Từ Huệ dạy dỗ con nghiêm khắc, cả 4 người con đều công thành danh toại. Trong 4 người con thì người con thứ ba là Đặng Công Chất có tư chất hơn cả. Tương truyền một đêm ba nằm ngủ mơ thấy một con cọp đen gầm lên một tiếng kinh thiên động địa, khiến giật mình tỉnh dậy thì trở dạ sinh con, đặt tên là Đặng Công Chất.

Trạng Gióng

Đặng Công Chất ham học từ nhỏ, không mấy khi rời khỏi sách Thánh Hiền. Triều đình lúc đó có tổ chức khoa Sĩ Vọng, đây là khoa thi tổ chức giữa 2 kỳ thi chính thức là thi Hội, nhằm tránh để sót mất bậc hiền tài.

Đặng Công Chất tham gia khoa Sĩ Vọng đầu tiên và được chấm loại ưu. Quy chế thi cử thời đó rất nghiêm ngặt, tuy văn của ông hay nhưng chữ viết có lúc bị nhầm nên bị hỏng trong kỳ thi tiếp theo. Tuy nhiên các quan chấm thi thích văn của ông, thấy là người tài nên tâu với Vua cho triệu vào cung để dạy học.

Đến khoa thi năm 1661, Đặng Công Chất tham gia và đỗ Trạng nguyên, được vinh quy bái tổ về làng. Do ông sinh ở làng Phù Đổng nên người dân gọi là Trạng Gióng.

Sau khoa thi, Triều đình tổ chức thi ứng chế, Trạng Gióng lại đỗ đầu. Các quan cho rằng văn của Trạng Gióng hay hơn cả Thị Thư khoa trước là Nguyễn Quốc Khôi (tức Trạng Nguyệt, tên thật là Nguyễn Quốc Trinh). Nghe tin, Nguyễn Quốc Khôi có phần gây khó dễ cho Trạng Gióng, nhưng Trạng Gióng vẫn tươi cười.

Thật lâu sau này khi Nguyễn Quốc Khôi mất, lúc đó Trạng Gióng đang có tang mẹ vẫn viết lời tế cho Quốc Khôi rằng: “Ông bạn quý của tôi là bậc Trạng nguyên hiếu trung. Người quân tử chính trực. Nước không mất vì cái vẫn còn là đạo…”.

Theo gia phả thì khi đỗ Trạng nguyên, Vua có ý gả công chúa cho Trạng Gióng. Tuy nhiên vì Trạng Gióng đã có vợ ở quê nên từ chối, vua chúa không hài lòng.

Năm 1662, chúa Trịnh cử Trạng Gióng đi dẹp loạn ở Nghệ An. Ở vùng Thiết Lâm nơi này có 300 người dân ẩn mình làm nghề đạo tặc. Trạng Gióng sau khi tìm hiểu biết rằng sở dĩ người dân phải làm đạo tặc là vì cuộc sống quá khó khăn. Trạng Gióng liền cho lập làng xã, thông thương, mở mang kinh tế, biến Thiết Lâm thành nơi ăn nên làm ra, người dân an cư lập nghiệp.

Do vậy ban đầu Trạng Gióng được lệnh đánh dẹp đạo tặc, nhưng ông chẳng cần đánh dẹp, dùng nhân đức giúp người dân ổn định cuộc sống, nạn đạo tặc cũng hết hẳn.

Người dân ở Thiết Lâm biết ơn Trạng Gióng đã lập đền thờ dù cho ông vẫn còn sống, để nhớ mãi ân của ông.

Sau đó Trạng Gióng được cử làm Đốc Thị vùng Nghệ An. Tại nha môn, ông cho dán câu “Lương năng do kỷ hữu, Chí nghiệp tự Thiên thành”, nghĩa là: Tài năng dù tự mình sẵn có, Sự nghiệp lớn phải nhờ Trời mới nên.

Sau đó Trạng Gióng được triệu về Kinh thành làm Hàn Lâm Viện thị giảng. Thời gian này ông cùng tham gia biên soạn “Đại Việt sử ký tục biên” do Tham tụng Phạm Công Trứ chủ biên.

Năm 1665, ông được lên làm Hữu thị lang Bộ Công. Năm 1676, ông cùng Hồ Sĩ Dương và Đào Công Chính chỉnh sửa cuốn “Lam Sơn thực lục”.

Dùng nhân đức dẹp loạn kiêu binh

Năm 1672, Trạng Gióng về quê chịu tang mẹ. Ở Kinh thành có kiêu binh nổi oạn, giết chết cả Bồi tụng (phó Tể tướng) Trạng nguyên Nguyễn Quốc Khôi, Triều đình phải cho gọi Trạng Gióng về dẹp loạn.

Trạng Gióng về Kinh thành, không dùng vũ lực mà dùng nhân đức phủ dụ, kiêu binh đều phục tùng.

Sau đó ông được cử làm Bồi tụng, trấn thủ Cao Bằng đánh quân nhà Mạc.

Năm 1681, Trạng Gióng đi sứ nhà Thanh, quan hệ hai nước từ đó rất tốt đẹp. Khi đoàn sứ thần trở về, quan đại thần nhà Thanh là Đàm Bất Miện đưa tiễn mãi đến tận sông Hoàng Hà, cùng Trạng Gióng làm thơ xướng họa quyến luyến không rời.

Trạng Gióng đi sứ trở về, vua Lê chúa Trịnh đều hết lời khen ngợi, phong cho ông làm Tham Tụng (tương đương Tể tướng).

Năm 1683, Trạng Gióng mất do tuổi cao sức yếu, Vua thương tiếc phong cho hàm Thiếu Bảo và tước Khánh Xuyên bá.

Gia phả ghi chép về ông rằng: “Ông khẳng khái có chí lớn, không làm dinh thự và để của. Làm quan chẳng thiết lợi lộc, bao nhiêu bổng lộc đem cấp cho người thân thuộc, nhà không có của thừa… Lúc bé thường ăn canh mướp đến khi phú quý vẫn ăn canh mướp”.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem