Trang Hạ: “Ô sin từng xui tôi bỏ chồng”

Hạ Nhiên Thứ sáu, ngày 09/10/2015 00:00 AM (GMT+7)
“Nếu phải kêu ca, bấn loạn vì ô sin thì đừng thuê. Nếu không thể chăm sóc được con khi không có ô sin thì đừng đẻ”, Trang Hạ chia sẻ.
Bình luận 0

Trang Hạ vốn được xem là một người phụ nữ cá tính và hiện đại hoạt động ở rất nhiều lĩnh vực. Người ta biết đến cô là một nhà văn, một nhà báo, một nhà truyền thông, một dịch giả…

Nhưng cô cũng là một bà vợ, một bà mẹ trong gia đình ba con. Không ít người thắc mắc, đảm đương nhiều vị trí, vai trò như vậy cô dành thời gian chăm sóc con cái, giữ lửa gia đình vào khi nào? Cô có thuê ô sin, có phải bức xúc, “bấn loạn” vì những rắc rối mà người giúp việc gây ra như hàng trăm, hàng nghìn phụ nữ khác?

Cùng trò chuyện với Trang Hạ để nghe cô chia sẻ về “chuyện ô sin nhà mình”:

Là mẹ của 3 con, lại hoạt động ở nhiều lĩnh vực như vậy chắc hẳn Trang Hạ phải nhờ đến sự trợ giúp của hai bên gia đình nội ngoại hoặc người giúp việc?

Hiện tại, 5 người nhà chúng tôi vẫn thay nhau chăm sóc gia đình, cả vợ, chồng, con cái. Ngoài ra, tôi có một người chị họ thỉnh thoảng có qua giúp gia đình lau dọn nhà cửa, trồng cây, chăm sóc vật nuôi. Nhưng một tuần chị ấy chỉ qua 1, 2 lần, mỗi lần 30 phút đến 1 tiếng.

img

Nhà văn Trang Hạ chia sẻ về câu chuyện thuê người giúp việc

Vậy chị làm sao để vừa có thể đi làm lại vừa quán xuyến được công việc nhà như đưa đón con đi học, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa…?

Như tôi đã nói, những việc đó không phải chỉ mình tôi làm mà cả 5 người nhà tôi cùng làm. Nhà tôi có một nguyên tắc bất di bất dịch đó là “làm cùng làm, nghỉ cùng nghỉ”.

Trong khi các bà mẹ khác phải tất bật giúp con đánh răng, rửa mặt, cho con ăn… thì tôi đang đi tập võ hoặc tranh thủ làm việc và tự các con tôi làm những việc đó. Nhiều người tỏ ra thương hại khi thấy hai con tôi, thằng anh 6 tuổi dẫn đứa em 4 tuổi đi ăn sáng nhưng với tôi, đó là niềm tự hào vì con tôi tự lập.

Ngoài ra, chồng tôi cũng giúp vợ rất nhiều. Cả nhà tôi cùng chia sẻ công việc nên không một ai phải quá bận rộn, tất bật. Vậy nên, giờ này tôi mới có thể ngồi cùng bạn uống cà phê và trò chuyện.

Vậy đã bao giờ vợ chồng chị phải thuê ô sin?

Cũng có. Vợ chồng tôi thuê ô sin khi tôi sinh con thứ hai. Chúng tôi từng thuê 3 người, người cuối cùng vừa kết thúc công việc vào năm ngoái. Và cho đến giờ, tôi vẫn chưa có ý định tìm người mới vì thấy cuộc sống gia đình vẫn rất ổn.

img

Là mẹ ba con, trong nhà không có ô sin nhưng Trang Hạ vẫn thấy cuộc sống gia đình rất chỉn chu

Trang Hạ đã bao giờ gặp rắc rối với ô sin? Ví dụ như ô sin lười biếng, hay buôn chuyện, trộm cắp vặt, đòi hỏi cao…?

Nếu để ý bạn sẽ thấy, trong tất cả những bài viết của tôi chưa bao giờ có bài nào kể xấu chồng, gia đình chồng, sếp hay đồng nghiệp. Và với người giúp việc cũng vậy. Tôi coi họ như mẹ chồng, sếp, đồng nghiệp… nên hôm nay, tôi không thể kể xấu họ với bạn được (Cười). Hơn nữa, thật ra tôi cũng không gặp vấn đề gì lớn với họ. Có thể tôi may mắn tìm được người giúp việc tốt hoặc tôi là một bà chủ tốt.

Nhưng cũng có một chuyện khá vui về người giúp việc cuối cùng mà tôi nhớ mãi. Chị ấy chê nhà tôi nghèo và nói rằng, chủ cũ của chị ấy rất giàu, nhà toàn biệt thự, sàn nhà lát gỗ, đi ô tô, cuộc sống xa hoa… Chả nhà ai như nhà tôi,  đã nghèo lại còn nuôi chó, mèo, gà, cá, chim, rùa, vịt… chạy tung tăng khắp nhà. Chỉ còn thiếu mỗi lợn.  Nghe xong tôi chỉ cười.

Có một lần, chị ấy vừa bế em bé vừa thì thầm vào tai tôi: “Cô này, tôi thấy thương cô lắm. Người được lên ti vi như cô thì ít cũng phải lấy được anh chồng đi ô tô. Ai lại đi lấy một anh chồng ra hồ Tây đánh cá trộm. Tôi đi làm nhiều, quen biết ối chỗ tử tế, giàu có, cô thấy thế nào?”. Tôi giật mình, rồi bảo: “Trong mắt chị có tiền còn trong mắt tôi có người”.

Vâng, giúp việc nhà tôi xui bà chủ bỏ chồng. Tối đó, tôi vừa cười vừa ngồi viết thư cho chồng. Quả đúng, lấy nhau 16 năm nay, đó là lần đầu tiên tôi viết thư cho chồng mà nội dung chỉ xoay quanh vấn đề cho ô sin nghỉ việc (cười).

img

Trang Hạ vui vẻ kể câu chuyện ô sin xui bà chủ bỏ chồng

Nhiều người cho rằng, phụ nữ hiện đại ngày càng lười biếng nên mới phải thuê ô sin. Chị nghĩ sao?

Không biết những người quan niệm như vậy là chồng hay bố mẹ chồng của người phụ nữ, hay là những người chưa bao giờ phải bận tâm về việc nhà.

Vì tôi thấy quan niệm đó khá là ích kỷ và ngoa ngoắt. Nếu người phụ nữ được chia sẻ công việc nhà, không phải quay cuồng với đống bát đũa, cây chổi và cái nhà 3,  4 tầng, đàn con cái… thì họ cũng không muốn phải rước một người xa lạ về sống chung làm gì.

Trong một gia đình không chỉ có việc nhà, con nhỏ mà còn có người cao tuổi cần phải chăm sóc. Phụ nữ có thể chăm con và làm việc nhà nhưng khó có thể chăm luôn cả người già nên việc thuê ô sin nhiều khi là điều không tránh khỏi.

Chị có thấy việc thuê ô sin ảnh hưởng đến nếp sinh hoạt của gia đình hoặc khiến cho các thành viên trở nên lười biếng hơn?

Điều này chỉ xảy đến với những gia đình quá lệ thuộc vào người giúp việc.

Trong nhà tôi, người giúp việc giữ đúng vai trò của mình đó là giúp việc nhà và trông em bé. Còn các thành viên trong gia đình vẫn phải làm những việc thuộc về họ. Vợ chồng tôi không vì có người giúp việc mà nằm kềng càng. Con cái tôi không vì có người giúp việc mà không chịu tự đánh răng, mặc quần áo, ăn sáng…

img

Theo Trang Hạ, mối quan hệ giữa chủ nhà và ô sin cũng giống như mối quan hệ giữa mẹ chồng - nàng dâu

Vợ chồng tôi và các con vẫn dành thời gian bên nhau nhiều nhất có thể. Tôi vẫn thấy chồng tôi cùng con bắt ve sầu, xem chúng lột xác, trông gà con nứt ra từ quả trứng... Cả gia đình tôi vẫn cùng nhau đi ăn hàng khi rảnh rỗi… Tất cả những việc đó, dù có người giúp việc hay không thì nó vẫn diễn ra như thường. Vậy thì nếp sinh hoạt làm sao đảo lộn được, các thành viên sao có thể trở nên lười biếng được?

Nhiều bà mẹ thấy “bấn loạn” với người giúp việc vì họ phải đối mặt với quá nhiều rắc rối. Chị nghĩ nguyên nhân của việc đó là do đâu?

Là do chính họ không làm chủ được cuộc sống của mình chứ còn do đâu được nữa? Bạn có nghĩ, những người kêu ca giúp việc lười biếng hay này khác, họ đang ngồi ăn sáng và “bà tám” với nhau không?

Nếu cảm thấy không thể dung hòa, kiểm soát được người giúp việc, phải kêu ca, bấn loạn vì ô sin thì đừng thuê hoặc thuê rồi thì giải tán. Nếu không có ô sin mà không thể chăm sóc được con thì đừng đẻ. Tôi nghĩ vậy.

img

"Nếu thu nhập của tôi không đủ hoặc vừa đủ trả lương cho ô sin tôi sẵn sàng nghỉ việc trông con", Trang Hạ chia sẻ

Tôi thấy rất nực cười khi nghe những người phụ nữ kêu gào lên vì ô sin vê quê nghỉ Tết.  Nếu không thể làm một lúc nhiều việc thì đừng bày vẽ. Chúng ta chỉ cảm thấy ai đó là vướng mắc của mình khi ta quá lệ thuộc vào họ.

Tuy là vậy, nhưng trên thực tế, việc sống với một người xa lạ cũng khó tránh khỏi một vài vướng mắc nhỏ. Theo chị, chủ nhà và ô sin nên cư xử thế nào để nào để dung hòa trong cuộc sống?

Tôi nghĩ, bản chất của mối quan hệ chủ nhà – ô sin giống như quan hệ giữa mẹ chồng và con dâu vậy. Đều là tự nhiên sống với một người xa lạ. Nương nhau mà sống thôi.

Chủ nhà đừng coi ô sin là đầy tớ, yêu cầu họ làm mọi việc mình muốn. Ô sin cũng nên hiểu rõ vai trò và trách nhiệm của mình.

Giả sử, thu nhập của chị được 5 triệu/tháng mà chị phải thuê ô sin với mức giá 4 triệu/tháng, chị sẽ thuê ô sin hay nghỉ việc chăm con?

Chắc chắn tôi sẽ nghỉ việc trông con. Không những thế, tôi còn đi làm ô sin cho những nhà khác nữa.

Biết đâu, sau đó, tôi sẽ lập cả một hội, nhóm những người đi làm ô sin rồi thành lập trung tâm đào tạo và cung cấp người giúp việc chuyên nghiệp, có kiến thức, có chuyên môn chẳng hạn.

Cảm ơn những chia sẻ của chị!

“Tôi thực sự mong muốn được đề xuất, kêu gọi, hô hào việc mua bảo hiểm cho người giúp việc. Họ cũng là một lực lượng lao động trong xã hội và ngày càng có vai trò quan trọng, họ cần có bảo hiểm sức khỏe, rủi ro như các nhóm lao động khác. Đó là bảo vệ quyền lợi của người giúp việc và cũng là cách bảo vệ quyền lợi cho chủ nhà”, Trang Hạ chia sẻ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem