Tráng sĩ nào nổi tiếng với giai thoại mài gươm dưới bóng trăng?

Thứ sáu, ngày 15/06/2018 13:24 PM (GMT+7)
Ông là một trong những danh tướng nổi danh trong sử Việt, trước khi qua đời đã để lại giai thoại “mài gươm dưới bóng trăng” được lưu truyền đến hôm nay.
Bình luận 0

img

Tráng sĩ gắn liền với giai thoại “mài gươm dưới bóng trăng” chính là Đặng Dung, người đã giúp Trùng Quang đế lên ngôi, nhiều lần đánh bại quân Minh, thậm chí có lần ông suýt bắt được Trương Phụ, nhưng vì không biết mặt nên viên tướng phương Bắc đã có cơ hội nhảy lên thuyền nhỏ tẩu thoát. Sau này, khi nhà Hậu Trần sụp đổ, bản thân bị bắt, trên đường bị áp giải sang Trung Quốc ông đã tuẫn tiết. Trước khi chết, ông để lại bài Thuật Hoài nổi tiếng: Việc đời bối rối tuổi già vay / Trời đất vô cùng một cuộc say / Bần tiện gặp thời lên cũng dễ/ Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay / Vai khiêng trái đất mong phò chúa / Giáp gột sông trời khó vạch mây / Thù trả chưa xong đầu đã bạc / Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.

Hai cha con danh tướng nào có công lớn trong việc thành lập nhà Hậu Trần?

Đặng Tất và Đặng Dung là cặp danh tướng cha – con nổi tiếng trong sử Việt. Hai ông quê ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay. Sinh thời, cả hai ông có công rất lớn giúp quý tộc nhà Trần giành lại quyền lực sau khi bị Hồ Quý Ly đoạt mất, đất nước bị giặc Minh xâm lược. Tiếc là, vận khí của họ Trần đã cạn, dù có lúc giành được những thắng lợi lớn, nhưng cuối cùng hai cha con Đặng Tất và Đặng Dung chẳng thể giúp nhà Trần dành lại cơ nghiệp, cả hai cha đều hy sinh vì nước.

img

Ai là vị vua đầu tiên của nhà Hậu Trần?

Vị vua đầu tiên của nhà Hậu Trần là Giản Định Đế, tức Trần Ngỗi. Ông là con trai thứ của vua Trần Nghệ Tông, từng được phong làm Giản Định Vương. Sau khi nhà Trần sụp đổ, Hồ Quý Ly phong ông làm Nhật Nam quận vương. Khi quân Minh sang xâm lược nước ta, Trần Ngỗi trốn về Ninh Bình, được Trần Triệu Cơ lập làm minh chủ. Tháng 10 năm 1407, ông xưng làm hoàng đế, đặt niên hiệu là Hưng Khánh, từ đó, người ta gọi ông là Giản Định Đế. Sau này, do nghe lời gièm pha của nịnh thần, giết hại đại thần nên bị lật đổ.

Danh tướng nào từng bị Giản Định đế giết oan?

Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân là những bậc khai quốc công thần, đóng góp rất nhiều công lao cho nhà Hậu Trần của Giản Định Đế, nhưng tiếc là cuối cùng, cả hai ông đều bị Giản Định Đế giết oan. Theo Khâm định Việt sử thông giám Cương mục, bấy giờ hoạn giả Nguyễn Quỹ và học sinh Nguyễn Mộng Trang nói kín với Giản Định đế rằng: Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân chuyên quyền bổ dụng người này, cất chức người khác, nếu không liệu tính sớm đi, sau này khó lòng mà chế phục được. Giản Định đế tin lời, cho triệu hai người ấy đến, sai người đánh chết Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân chạy lên bờ, bị lực sĩ đuổi theo chém chết. Hành động mù quáng này của Giản Định Đế chẳng khác gì tự chặt tay chân của mình, khiến ông thân bại danh liệt, sau đó bị lật đổ, sống cuộc sống tủi nhục trong quảng đời còn lại.

Sau khi Giản Định Đế bị phế, ai là vị vua tiếp theo của nhà Hậu Trần?

Sau khi Giản Định Đế giết Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân thì các con của hai ông là Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị bỏ đi, đón Trần Quý Khoáng (Trần Khoách), vốn là cháu đích tôn của Trần Nghệ Tông về lập làm vua, xưng là Trùng Quang đế. Sau khi lên ngôi, Trùng Quang đế phong Nguyễn Súy làm Thái phó, Nguyễn Cảnh Dị làm Thái bảo, Đặng Dung làm Đồng bình chương sự, Nguyễn Chương làm Tư mã, lại sai Nguyễn Súy mang quân đến đánh úp, bắt được Giản Định đế. Vì là là hàng cháu của Giản Định đế nên khi thấy Nguyễn Súy đưa Giản Định đế đến Nghệ An, Trùng Quang đế mặc mũ áo thường ra đón tiếp, tôn Giản Định đế làm Thượng hoàng, cùng nhau mưu tính việc khôi phục vương triều nhà Trần.

Danh tướng nào của nhà Hậu Trần đã liên tục mắng chửi kẻ địch để mong chúng sớm giết mình?

Nguyễn Cảnh Dị quê ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, ông và cha mình (Nguyễn Cảnh Chân) đều là những danh tướng nổi bật của nhà Hậu Trần, từng cùng Nguyễn Súy, Đặng Dung…nhiều lần đánh bại quân Minh, nhưng do chênh lệch lực lượng, quân đội của nhà Hậu Trần suy yếu, bị đánh bại, bản thân ông rơi vào tay địch. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, sau khi bị bắt năm 1413, đã chủ động mắng vào mặt viên tướng Trương Phụ để kẻ địch tức giận, giết chết ông.

Nhà Hậu Trần chính thức sụp đổ vào năm nào?

Sự nghiệp của nhà Hậu Trần bắt đầu từ năm 1407 khi Trần Ngỗi (Giản Định đế) lên ngôi, kết thúc vào năm 1414 khi vua Trùng Quang đế bị bắt. Như vậy, nhà Hậu Trần chỉ kéo dài vỏn vẹn có 7 năm, trải quan 2 đời vua. Sau khi rơi vào tay giặc, tất cả vua quan của nhà Hậu Trần đã tìm cách tuẫn tiết chứ nhất định không để số phận cho kẻ thù định đoạt. Trong đó, vua Trùng Quang đế đã nhảy xuống sông tự tử (sử nhà Minh ghi ông bị xử tử).

Tiểu Uyên (Vietnamnet)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem