Trạng Tỏi Nguyễn Đăng: “Tứ nguyên” duy nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam
Trạng Tỏi Nguyễn Đăng: “Tứ nguyên” duy nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam
Trần Hưng
Thứ hai, ngày 18/07/2022 20:30 PM (GMT+7)
Làng Đại Toán, huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh vào thời nhà Lê nổi tiếng là làng trồng tỏi. Đây là ngôi làng xuất sinh ra vị Trạng Tỏi Nguyễn Đăng, cũng là “Tứ nguyên” duy nhất trong lịch sử khoa bảng Đại Việt.
Làng Đại Toán có 4 thôn đều trồng tỏi nên được gọi là Tỏi Mão, Tỏi Thuỷ, Tỏi Đồng, Tỏi Mai. Ngoài làm tỏi, người làng còn đan dó bị bằng cói.
Theo người làng truyền lại thì trong làng có cậu bé Nguyễn Đăng sinh năm 1576, vì nhà nghèo khó nên phải suốt ngày gánh dó đi bán ở các chợ vùng quê. Trên đường gánh dó, đến đâu nghe tiếng trẻ đọc chữ là cậu bé lại tìm cách đến gần đứng ngoài học lỏm. Một thầy đồ thương tình nhận cậu bé vào học.
Dù thầy nhận học không lấy tiền nhưng Nguyễn Đăng cũng không có tiền mua giấy bút. Thế là thầy bảo mang theo tấm ván để tập viết. Nguyễn Đăng không hiểu tấm ván là gì, liền mang tấm ván thượng mà người ta vứt bỏ ở bãi tha ma. Đám học trò thấy Nguyễn Đăng mang tấm ván đó đến thì cười ồ chế nhạo. Nhưng thầy đồ chỉ tấm ván thượng nói rằng các trò đừng coi thường Nguyễn Đăng, sau này cậu bé sẽ làm thượng quan đó.
“Tứ nguyên” duy nhất trong lịch sử khoa bảng
Năm 26 tuổi, Nguyễn Đăng tham dự khoa thi năm 1602. Kỳ thi Hương Nguyễn Đăng đỗ đầu tức Giải nguyên, bước vào thi Hội lại đỗ đầu tức Hội nguyên, vào đến thi Đình ông cũng lại đỗ đầu tức Hoàng Giáp Đình Nguyên (khoa thi này không lấy Trạng nguyên).
Vì trong cả 3 kỳ thi Nguyễn Đăng đều đỗ đầu, vượt hơn hẳn các sĩ tử khác, nên trở thành “Tam nguyên”. Tuy nhiên khoa thi này vua Lê Kính Tông lại ra thêm kỳ thi ứng chế.
Trước đây việc thi thêm chỉ xảy ra nếu có 2 bài thi văn sách trở lên đều hay như nhau, không biết ai đỗ đầu. Nhưng riêng khoa thi này vua Lê Kính Tông cho thêm kỳ thi ứng chế cho các sĩ tử vào đến thi Đình, và một lần nữa Nguyễn Đăng lại được chấm cao nhất.
Vậy là Nguyễn Đăng được Vua ban tặng danh hiệu “Tứ nguyên”. Mặc dù “Tứ nguyên” này là danh hiệu có một không hai trong lịch sử khoa bảng, nhưng dân chúng lại thích gọi Nguyễn Đăng là Trạng Tỏi, tức ông Trạng ở làng trồng tỏi.
Đi sứ nhà Minh
Nguyễn Đăng là vị quan mẫn tiệp, được vua Lê Kính Tông và Lê Thần Tông mến phục và trọng dụng. Ông được bổ nhiệm làm Hộ bộ Hữu thị lang, tước Phúc Nam hầu.
Năm 1613, Nguyễn Đăng được cử đi sứ sang nhà Minh, thời gian 10 năm.
Khi đi sứ đến năm thứ 3, một lần Hoàng đế nhà Minh mở tiệc lớn nhân ngày đại khánh, có mời cả Sứ thần các nước. Hoàng đế nói các Sứ thần làm một bài thơ phú về chùa Phi Lai, vốn là một danh lam thắng cảnh lúc đó, hạn 5 ngày phải xong.
Mới hơn 2 ngày Nguyễn Đăng đã làm xong và trình lên bài “Phú chùa Phi Lai” (Phi Lai tự phú) và là người nộp đầu tiên. Sau 5 ngày thì hàng trăm bài thơ và phú cũng được trình lên Hoàng đế. Hoàng đế cùng các quan thấy rằng bài của Nguyễn Đăng là hay nhất, không bài nào sánh kịp.
Biết ở trong nước Nguyễn Đăng đỗ đầu tất cả kỳ thi và là “Tứ nguyên”. Mặc dù Nguyễn Đăng không phải là Trạng nguyên nhưng Hoàng đế nhà Minh đã phong cho ông là “lưỡng quốc Trạng nguyên”, đồng thời mở tiệc chiêu đãi.
Trong bữa tiệc, Hoàng đế thử tài “lưỡng quốc Trạng nguyên” bằng cách ra một vế đối là “Thập khẩu tâm tư, tư quốc, tư gia, tư phụ mẫu”.
Đề mà Hoàng đế ra, 3 chữ “thập” (十), “khẩu” (口), “tâm” (心) ghép lại thành chữ “tư” (思) nghĩa là nhớ. Nguyễn Đăng cũng đối ngay lại là “Thốn thân ngôn tạ, tạ thiên, tạ địa, tạ quân vương”, vế đối lại chuẩn từ cách ghép chữ đến hàm ý bên trong. Trong đó 3 chữ “thốn” (寸), “thân” (身), “ngôn” (言) ghép lại thành chữ “tạ” (謝).
Cũng bởi việc này mà Hoàng đế cho Nguyễn Đăng được trở về nước trước hạn 7 năm.
Trước khi Nguyễn Đăng về nước, Hoàng đế nhà Minh cho làm loại độc bình bằng sứ có hoa văn trang trí thật đẹp và viết bài “Phi Lai tự phú” của ông lên xung quanh lọ độc bình, để làm kỷ niệm tặng ông mang về nước.
Sau khi nghỉ hưu, Trạng Tỏi Nguyễn Đăng về làng Hán Đà thuộc tổng Quảng Lãm huyện Quế Võ, trấn Bắc Ninh (nay là thôn Hán Đà, xã Hán Quảng, huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh) mở trường dạy học cho đến khi mất, thọ 81 tuổi. Người dân lập đền thờ ngay trên nền ngôi trường để tưởng nhớ đến ông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.