Người dẫn đoàn là bà Bùi Bích Liên, 46 tuổi, Giám đốc điều hành công ty thực phẩm sạch Orfarm. Bà mặc bộ váy đen tinh tế, đi chiếc xe Audi A4. Một nhân viên cho biết, vị giám đốc thăm trang trại 3-4 lần mỗi tuần và thường ở lại 2 ngày cuối tuần. Vì thế, bà nắm rõ mọi thứ ở đây.
Nơi đầu tiên đoàn tham quan là khu nuôi lợn. Khác hẳn với các trang trại chăn nuôi thông thường, chuồng trại ở đây rộng, sạch và đặc biệt không có mùi hôi. Nhân viên đang làm việc mặc quần áo bảo hộ nhưng không đeo khẩu trang.
Bà Bích Liên bốc nắm phân lót chuồng lợn để giới thiệu về công nghệ nuôi vi sinh. Ảnh: Ngọc Lan.
Yêu cầu một nhân viên xúc xẻng phân lót chuồng lợn, bà bốc một nắm, giơ lên mũi ngửi rồi đưa mọi người sờ thử: “Phân sạch, ấm và không có mùi”.
Một vài ánh mắt nhìn ái ngại xuất hiện. Kyle Hubbard, thực tập sinh đại học Portland State (Mỹ) đang nghiên cứu một dự án nông nghiệp ở Việt Nam có mặt trong đoàn tham quan. Anh nắm một chút phân từ tay bà, cười nói: “Good!”. Sau khi đưa lên mũi ngửi, Kyle phát âm bằng tiếng Việt: “Rất… thơm!”. Cả đoàn tham quan bật cười và ai cũng gật đầu đồng tình.
Theo bà Bích Liên, phân lợn “thơm” là do nền chuồng được lót đệm mùn cưa sinh học kết hợp hệ men vi sinh vật (VSV) có ích. Tạp chất do lợn thải ra được kháng khuẩn và khử sạch mùi. “Tấm đệm dày khoảng 90 phân, luôn ở nhiệt độ 30-35 độ C. VSV có lợi sẽ phân giải phân, nước tiểu; ức chế và tiêu diệt VSV có hại; khống chế sự lên men sinh khí thối. Tấm lót giữ ấm cho vật nuôi và hoàn toàn vô hại với người nuôi”, bà cho hay.
Là người trực tiếp chăn nuôi thử nghiệm mô hình này trong 3 năm, bà Bích Liên cho biết, nuôi lợn trên đệm lót sinh học không chỉ khử được mùi hôi mà còn giảm được 50-60% công lao động vệ sinh chuồng trại. Đệm lót cũng được tận dụng làm phân bón, rất tốt cho cây trồng.
Khi dẫn đoàn đến khu vực nuôi gà, nữ giám đốc ôm một con gà mái nặng chừng 5 kg có đeo chiếc kính đỏ. Nhìn thấy sự tò mò của khách tham quan, chủ trang trại cho hay, khoảng 3 tháng tuổi, gà được đeo kính để tránh mổ nhau và làm vỡ trứng.
“Vật nuôi ở đây rất dạn, chúng không sợ người. Được sống trong không gian nuôi thiên nhiên, tạo cảm giác relax (thoải mái), chúng không bao giờ stress”, nữ giám đốc cười tươi chia sẻ.
Phân lót chuồng được ủ từ hỗn hợp mùn cưa và men vi sinh kháng khuẩn, không mùi hôi. Ảnh: Ngọc Lan.
Theo bà, đây là mô hình chăn nuôi theo công nghệ EM khép kín của Nhật Bản. EM viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Effective microorganism”, nghĩa là vi sinh vật hữu hiệu. Thức ăn là nguồn tự nhiên như ngô, khoai, sắn… Tất cả được lên men, giúp cho quá trình tiêu hóa và sức khỏe của vật nuôi được đảm bảo an toàn.
Tại trang trại, gà và lợn được đánh số thứ tự. Chuồng nuôi có bộ lọc khí, điều hòa, quạt và máy phun sương. Môi trường kháng khuẩn nên rất ít con bị bệnh. Nếu bị bệnh, thuốc chữa cũng đều là các bài thuốc dân tộc tự chế từ những cây dân dã như tỏi, ớt, sả, gừng…
Trang trại rộng 1.000 m2 đang duy trì trên dưới 1.000 con lợn, 600-700 con gà và khoảng 3.000 trứng mỗi tháng. Không tiết lộ về số vốn đầu tư, nhưng theo bà Liên, chi phí xây dựng chuồng trại gấp 4-5 lần so với thông thường. Sau 3 năm nghiên cứu và thử nghiệm, trang trại đã bắt đầu đi vào hoạt động. 3 cửa hàng ở Hà Nội có số lượng hàng hóa tiêu thụ khá ổn định.
Bà Bích Liên chia sẻ, khó khăn nhất của doanh nghiệp hiện nay là giá cả. Giá thịt lợn tại cửa hàng khoảng 239.000 đồng/kg, thịt gà 279.000 đồng/kg, trứng 6.800 đồng một quả... Mức giá nói trên đắt gần 2 lần thực phẩm thông thường. “Tại nước ngoài, thực phẩm organic (hữu cơ) đắt gấp 3-4 lần bình thường. Nhưng ở Việt Nam, chúng tôi đã cố gắng để mức chênh lệch chỉ khoảng 2 lần”, bà nói.
Gà đeo kính tại trang trại sạch của bà Liên. Ảnh: Ngọc Lan.
Thông thường, một đàn lợn nuôi kiểu công nghiệp mất khoảng 3,5 tháng sẽ được xuất chuồng. Mỗi con đạt trọng lượng 100-120 kg. Còn lợn nuôi vi sinh phải mất từ 7 đến 8 tháng mới có trọng lượng tối đa 90 kg. Thời gian nuôi là gấp đôi. Do đó, bà Liên cho hay, giá bán thực phẩm hữu cơ của cửa hàng bà hiện tại là giá vốn.
Sau khi tiễn chân đoàn tham quan, bà Liên chia sẻ, bà đã bị dị ứng 20 năm với hơn 10 loại thức ăn khác nhau. Trên con đường tìm ra những thứ có thể ăn được - phương thuốc cứu mình trong quãng đời còn lại, bà Liên đã biết đến công nghệ này. Và rồi, bà chợt nhận ra, việc phát triển quy mô thực phẩm hữu cơ không chỉ cứu mình mà còn là phương thuốc cứu nhiều người khác, thậm chí là cả một thế hệ.
Anh Kyle Hubbard, điều phối viên dự án tới Việt Nam rất tâm đắc về câu chuyện của bà Liên. Anh chia sẻ: “Tôi được chơi cùng các chú lợn. Chúng rất đáng yêu, thơm tho và sạch sẽ. Tôi chưa từng thấy môi trường chăn nuôi nào ở Việt Nam sạch như thế này. Người nuôi không phải đeo khẩu trang”.
"Hãy cộng tiền ăn thực phẩm hữu cơ với tiền thuốc trong một quãng đời nhất định. So sánh với số tiền mua thức ăn giá rẻ, thuốc thang và chi phí nằm viện, bạn sẽ thấy có sự chênh lệch gấp nhiều lần.
Và điều quan trọng nhất, thực phẩm hữu cơ mang lại cho bạn là cơ hội sống trong niềm vui, sống để kiếm tiền. Đây mới thực chất là giá trị lâu dài".
Bà Bùi Bích Liên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.