Vùng đất tưởng bỏ phí, bất ngờ biến thành trang trại "nuôi trồng lung tung" đắt khách ở Thanh Hóa

Hoài Thu - Lương Hà Thứ sáu, ngày 15/04/2022 19:05 PM (GMT+7)
Từ diện tích đất nhiễm mặn, canh tác không hiệu quả, ông Mai Khắc Hạt (ở thôn 3, xã Nga Phượng, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã cải tạo thành trang trại tổng hợp, vừa trồng cây ăn quả, đào ao thả cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm, xây dựng nhà lưới trồng dưa, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Bình luận 0

Biến vùng đất nhiễm mặn thành trang trại tổng hợp

Đưa chúng tôi đi tham quan mô hình trang trại tổng hợp của mình, ông Mai Khắc Hạt (ở thôn 3, xã Nga Phượng, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ, để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, ông đã nếm trải không ít những khó khăn, vất vả.

Theo ông Hạt, cánh đồng này trước đây vốn là đất nhiễm mặn, không thể trồng lúa nên gia đình ông và nhiều hộ dân trong thôn đã bỏ hoang nhiều năm không canh tác, cỏ dại mọc um tùm.

Thanh Hóa: Lão nông biến vùng đất khó thành trang trại tổng hợp, thu hàng trăm triệu mỗi năm - Ảnh 1.

Đoàn công tác của Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa thăm mô hình trang trại tổng hợp của ông Mai Khắc Hạt (ở thôn 3, xã Nga Phượng, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: Lương Hà

Năm 2016, khi chính quyền xã có chủ trương đổi điền dồn thửa kèm theo một số chính sách ưu đãi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cải tạo đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Hạt quyết định nhận thuê hơn 1ha đất của các hộ xung quanh để làm trang trại.

Qua tìm hiểu thực tế, ông Hạt nhận thấy đồng đất này phù hợp để trồng cây ăn quả nên đã cải tạo đất, vay vốn ngân hàng và được Hội Nông dân huyện giúp đỡ mua 400 cây bưởi diễn từ Viện Nông nghiệp về trồng.

Quá trình trồng cũng như chăm sóc cây bưởi, ông Hạt chủ động tìm hiểu kiến thức trên mạng Internet cũng như tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do Hội Nông dân tổ chức và đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình trồng bưởi đạt hiệu quả ở các địa phương khác để nắm vững kỹ thuật.

"Tôi sử dụng phân chuồng ủ hoai mục, phân trùn quế và đậu tương ủ cá để bón cho cây. Ưu điểm của trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ là cây khỏe, bền cây, cây sinh trưởng tốt, chất lượng quả thơm ngon và không gây ô nhiễm môi trường", ông Hạt chia sẻ.

Thanh Hóa: Lão nông biến vùng đất khó thành trang trại tổng hợp, thu hàng trăm triệu mỗi năm - Ảnh 2.

Ông Hạt chăm sóc vườn bưởi của mình. Ảnh: Lương Hà

Mỗi năm, vườn bưởi gia đình ông Hạt cho thu hoạch trên 1 vạn quả. Đặc điểm của bưởi Diễn là có thể trữ dài ngày, để càng lâu, bưởi xuống nước sẽ càng ngọt nên khách hàng rất chuộng.

Từ những thành công ban đầu, ông Hạt tiếp tục mở rộng thêm diện tích trang trại. Ngoài trồng bưởi, ông đào ao thả nuôi cá nước ngọt các loại và xây dựng chuồng trại nuôi 10 con bò sinh sản theo hình thức bán chăn thả.

Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao

Năm 2020, sau khi tích góp được một số vốn, ông Hạt đã liên kết với Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn xây dựng hơn 1000m2 nhà lưới trồng dưa kim hoàng hậu.

"Sau khi biết thông tin hiệu quả khi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tôi cũng đã đi thăm quan một số mô hình. Cũng đúng lúc này, nhà nước có chủ trương hỗ trợ bà con canh tác nông nghiệp công nghệ cao, tôi đã đăng ký tham gia để làm ngay", ông Hạt nhớ lại.

Thanh Hóa: Lão nông biến vùng đất khó thành trang trại tổng hợp, thu hàng trăm triệu mỗi năm - Ảnh 3.

Ông Hạt liên kết với Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn xây dựng hơn 1000m2 nhà lưới trồng dưa kim hoàng hậu.

Ông Hạt cho biết, mỗi năm ông trồng 3 - 4 vụ dưa vàng, mỗi vụ kéo dài trên dưới 70 ngày, tùy theo từng mùa. Trên diện tích hơn 1000m2 nhà kính, ông trồng hơn 2000 cây dưa giống, cứ vụ này trồng dưới đất thì vụ sau lại trồng trên giá thể.

Dưa sau khi trồng khoảng hơn một tháng tiến hành thụ phấn cho cây, sau đó chỉ chọn mỗi cây một quả đẹp nhất để lại còn lại ngắt bỏ toàn bộ. Đồng thời, khi cây dưa phát triển đến 22 - 23 lá thì bấm ngọn để cho cây tập trung nuôi quả.

Trong quá trình trồng, thường xuyên kiểm tra để có các biện pháp kịp thời nếu có bệnh gây hại cho cây dưa, bón phân định kỳ cho cây dưa theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

"Cây dưa vàng hay bị bệnh bọ trĩ, phấn trắng… nên phải kiểm tra thường xuyên, nếu thấy có hiện tượng thì phải xử lý ngay, khi để nặng mới chữa rất có thể sẽ mất trắng. Chính vì vậy, trồng dưa chẳng khác gì nuôi con mọn, ăn ngủ với chúng", ông Hạt tâm sự.

Thanh Hóa: Lão nông biến vùng đất khó thành trang trại tổng hợp, thu hàng trăm triệu mỗi năm - Ảnh 4.

Nhờ chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên dưa ông trồng trái nào cũng to, vàng ươm đẹp mắt. Ảnh: Lương Hà

Nhờ ứng dụng tốt các khâu chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên dưa ông trồng trái nào cũng to đẹp, vụ nào cũng thắng, được thương lái đến mua tại vườn.

"Trung bình mỗi gốc dưa cho thu khoảng 1,5kg quả, giá bán tận vườn luôn ổn định gần 25.000 đồng/kg. Với hơn 2000 gốc dưa này, tôi ước tính sẽ thu về trên dưới 3 tấn quả, thu về gần 80 triệu đồng", ông Hạt nhẩm tính sản lượng vụ dưa tới.

Trung bình mỗi năm, sau khi trừ hết chi phí, trang trại tổng hợp cho gia đình ông lợi nhuận trên 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông cũng tạo việc làm cho một số lao động và hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm cho bà con trong thôn xóm với mong muốn cùng nhau tiến bộ, làm giàu tại quê hương.

Theo kinh nghiệm của ông Hạt, để cây trồng sinh trưởng tốt trên đất nhiễm mặn quan trọng nhất là khâu cải tạo đất theo đúng quy trình khoa học, trồng luân canh nhiều loại cây, tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng cho cây trồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem