Trang trại tổng hợp "nuôi lung tung, trồng lung tung", hóa ra ông nông dân Nam Định thu nhiều tiền
"Biến" đất bỏ hoang thành trang trại, ông nông dân Nam Định nuôi con gì, trồng cây gì mà giàu lên trông thấy?
Thứ bảy, ngày 10/08/2024 12:41 PM (GMT+7)
Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ông Cao Văn Tư ở thôn Trai, xã Nam Cường (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) đã thành công với mô hình kinh tế trang trại tổng hợp với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Năm 1987, ông Cao Văn Tư lên đường nhập ngũ, đóng quân ở biên giới tỉnh Lào Cai. Năm 1989, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông Tư xuất ngũ, trở về địa phương xây dựng gia đình và bắt tay vào làm kinh tế.
Nhiều năm loay hoay với việc nuôi, trồng manh mún, kinh tế gia đình vẫn khó khăn nên ông Tư đã ấp ủ xây dựng mô hình trang trại trên đồng đất quê hương. Năm 2010, ông đã mạnh dạn đấu thầu 1ha diện tích đất công của xã để xây dựng mô hình VAC.
Ban đầu ông cải tạo hồ, ao để nuôi các loại cá nước ngọt như: cá chim, trắm, mè, chép…; kết hợp xây chuồng trại trên bờ để nuôi lợn, gà, vịt để tận dụng phụ phẩm, phân nuôi cá tăng thêm thu nhập và quay vòng vốn ngắn ngày để đầu tư vào ao thả cá.
Dựa trên kinh nghiệm của bản thân, gia đình ông đã đầu tư, xây dựng hệ thống nước thải và dẫn nước ao nuôi làm cho môi trường nước luôn đảm bảo yêu cầu, từ đó cá ít bị bệnh hơn, thức ăn cũng được bố trí đều khắp ao nên hạn chế dư thừa.
Ông Cao Văn Tư, nông dân xã xã Nam Cường (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) phấn khởi với thành quả từ mô hình VAC của gia đình. Ông Tư bên một cây mít sai quả trồng trong trang trại.
Ông thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng của cá, phát hiện sớm những bệnh thường gặp để có biện pháp chữa trị. Sau mỗi đợt thu hoạch cá, ông tiêu rút hết nước và tiến hành trục vét bùn, phơi nắng đáy ao để giải phóng khí độc.
Việc tận dụng tốt diện tích mặt nước cũng như áp dụng chu trình khép kín trong mô hình VAC nên tiết kiệm được rất nhiều chi phí.
Đến nay, mô hình chăn nuôi của gia đình luôn phát triển thuận lợi, ít xảy ra bị dịch bệnh. Mỗi năm, gia đình ông thu hoạch 2 vụ cá với khoảng 3-4 tấn cá/năm và khoảng hơn 10 nghìn con vịt, 1.000 con gà, chim câu; 5-6 con lợn nái và hơn chục con lợn thịt.
Bên cạnh việc bố trí chăn nuôi khoa học, ông còn trồng xen các cây ăn quả vừa tạo cảnh quan sinh thái, vừa đạt hiệu quả kinh tế cao.
Vốn là những người nông dân chăm chỉ nên khi chứng kiến người dân địa phương, nhất là những lao động trẻ không còn mặn mà với đồng ruộng, nhiều diện tích ruộng bị bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí nên từ năm 2014, ông Tư đã mượn lại đất nông nghiệp của các hộ dân trong xã, mạnh dạn xây dựng các vùng sản xuất quy mô lớn, đưa nhiều diện tích đất trồng lúa “thoát” cảnh bỏ hoang.
Với lợi thế của gia đình có máy cày, vợ chồng ông đã tự tin cải tạo lại cánh đồng, đảm bảo tiêu thoát nước.
Số ruộng của nhiều hộ dàn trải, manh mún, cốt đất không đều, khu nhiều bờ thửa, nhiều chỗ cỏ lác mọc quá đầu người... vợ chồng ông phải mất nhiều công sức để quy gọn vùng, phá bờ thửa không cần thiết, cải tạo đồng đều cốt đất, san phẳng mặt ruộng, củng cố bờ vùng, xây dựng hệ thống kênh tưới, tiêu nước hợp lý.
Đến nay, vợ chồng ông đã mở rộng diện tích trồng lúa là 0,8ha, chủ yếu trồng các giống lúa có giá trị kinh tế và năng suất cao như: Bắc thơm số 7, ST25. Nhờ trồng tập trung giống tốt, cơ giới hóa nhiều khâu, đảm bảo gieo cấy trong khung thời vụ và chăm sóc đồng đều, đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất lúa luôn ổn định.
Ông Tư liên kết với các công ty sản xuất lúa gạo để được hỗ trợ kỹ thuật, thu mua toàn bộ lúa giống, lúa thương phẩm theo hợp đồng thỏa thuận nên không cần lo lắng đầu ra mỗi vụ thu hoạch.
Theo ông Tư, nông nghiệp là ngành nghề có yếu tố rủi ro cao vì phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, tình hình dịch bệnh, giá cả thị trường, vật tư… Muốn thành công không thể áp dụng theo những phương pháp, kinh nghiệm truyền thống mà đòi hỏi phải không ngừng học tập, cập nhật kiến thức khoa học để áp dụng vào quá trình sản xuất, chăn nuôi.
Vì vậy, hàng ngày ông luôn quan tâm, tìm hiểu kiến thức, kinh nghiệm, các phương pháp khoa học kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi, nhu cầu của thị trường… trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội, thông qua tham quan, học tập kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao. Trung bình mỗi năm, mô hình trồng lúa, VAC của gia đình ông Tư cho thu nhập trên 200 triệu đồng.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Tư còn nhiệt tình tham gia công tác Hội Nông dân của xã.
Từ năm 2003 đến nay, ông Tư luôn được tín nhiệm bầu làm chi hội trưởng chi hội sản xuất thôn Trai, ông luôn tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức đã được tập huấn từ các cấp đến bà con nông dân trong thôn và sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm phát triển mô hình của mình với những ai có nhu cầu tham khảo, áp dụng phát triển mô hình.
Năm 2022, ông Tư tham gia tổ hợp tác “Chăn nuôi gia súc, gia cầm” của xã Nam Cường và đã có nhiều đóng góp trong việc chia sẻ những kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi đến các thành viên trong tổ.
Hiện tại, ông và các thành viên đang chuẩn bị thành lập hợp tác xã chăn nuôi cá nước ngọt để phát triển sản xuất theo hướng liên kết bền vững, góp phần thay đổi tập quán canh tác cũ, giảm bớt chi phí đầu tư, tăng thu nhập và gắn bó với đồng ruộng hơn để ổn định cuộc sống.
Sau nhiều năm mạnh dạn triển khai mô hình kinh tế tổng hợp, ông Cao Văn Tư đã trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu của xã Nam Cường.
Mô hình trang trại tổng hợp VAC của gia đình ông được nhiều bà con quanh vùng tới học tập và làm theo, góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển bền vững. Ông Cao Văn Tư là điển hình nông dân dám nghĩ, dám làm, thực hiện ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.