Trước đây, Sơn Lộc là xã miền núi nghèo của huyện Can Lộc, cuộc sống của người dân đều trông vào mấy sào ruộng nên luôn trong tình trạng thiếu thốn, gia đình anh Phước cũng không ngoại lệ. Quyết không cam chịu đói nghèo, hơn 10 năm trước, vợ chồng anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng, thuê 1ha đất ven đê đào ao thả cá.
Bà con trong xã đều cho rằng đây là quyết định khá liều lĩnh vì số vốn bỏ ra rất lớn, hơn thế Can Lộc là vùng đất hay gặp thiên tai, lũ lụt, hạn hán, nuôi cá trong điều kiện như thế rất rủi ro.
Anh Phước chăm sóc đàn gia súc. Ảnh: AP.
Thời gian đầu, anh gặp nhiều khó khăn, vì thứ nhất trên địa bàn xã chưa ai có mô hình tương tự để học tập, anh cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc chọn con giống và phòng các dịch bệnh cho cá.
Anh Phước cho biết: "Những năm đầu tôi thua lỗ nhiều, có năm cá chết, nợ chồng thêm nợ nhưng hai vợ chồng quyết không nản lòng. Tôi bỏ công đi tập huấn, tìm nguồn giống tốt, tiếp tục đầu tư nuôi cá. Lựa chọn các loại cá sống ở các tầng nước khác nhau để tiết kiệm diện tích".
Mọi chuyện tưởng xuôi chèo mát mái nhưng năm 2008, miền Trung phải hứng chịu trận lũ thế kỉ. Cả ao cá trị giá cả trăm triệu bị nước lũ cuốn trôi, toàn bộ gia sản của hai vợ chồng anh Phước cứ thế trôi theo dòng lũ, mất trắng. Gia đình anh điêu đứng, nhìn ba đứa con nhỏ đang tuổi cắp sách đến trường, áp lực nợ nần anh quyết liều một phen, coi như đánh cược lần cuối. Anh cầm cố sổ đỏ, vay mượn bà con họ hàng, làm lại từ đầu.
Đàn vịt hàng nghìn con phát triển trong trang trại. Ảnh: AP.
Để tránh rủi ro, vợ chồng anh đắp kè đê cao, đầu tư lưới vây quanh ao cá, phòng chống nước lũ. Anh Phước đi khắp đất Hà Tĩnh, học tập các mô hình nuôi cá thành công, cách chống các dịch bệnh cho cá. Anh thay nước cho ao liên tục bằng cách xả nước ra ruộng cho bà con trong thôn và lấy nước đầu nguồn về. Trời không phụ lòng người, bằng sự quyết tâm, anh đã có khoản thu nhập đầu tiên từ ao cá.
Ban đầu chỉ với ý định thả cá, nhưng với lợi thế sẵn ao, anh lợp chuồng nuôi thêm vịt. Mô hình vịt trên cá dưới giúp đàn vịt của anh có môi trường bơi lội, phát triển tốt. Năm 2014, anh mở rộng diện tích, nuôi thêm gà và lợn. Hiện tổng diện tích trang trại của anh gần 3 ha, trong đó có 3 ao cá, một khu nuôi gà, vịt và một khu nuôi lợn.
Một góc trang trại của anh Phước. Ảnh: AP.
Chăn nuôi gia súc gia cầm bí quyết hàng đầu chính là khâu chọn giống và đảm bảo vệ sinh chuồng trại. Trước khi thả vật nuôi khoảng hai tuần, anh Phước khử trùng chuồng trại bằng vôi sống nhằm chủ động phòng dịch bệnh. Đối với gà, vịt hai tuần đầu anh phải tiêm vắc-xin phòng tránh H5N1, tuyệt đối thực hiện nguyên tắc vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi bằng thuốc khử trùng theo định kỳ. Nhờ quy trình chăm sóc cẩn thận, vật nuôi của anh ít khi mắc bệnh và luôn cho hiệu quả kinh tế cao.
"Trang trại của gia đình tôi hiện có 2.000 con vịt siêu trứng và siêu thịt, hơn 300 con gà thịt, 6 con lợn nái sinh sản. Mỗi năm một con lợn sinh được hai lứa, mang lại lợi nhuận tối đa. Bên cạnh đó, vợ chồng tôi còn nuôi thêm nhiều lứa lợn thịt, cho xuất chuồng liên tục. Riêng 3 ao cá, mỗi năm thu hoạch một lần, tổng giá trị lên đến hơn 7 tấn cá mỗi năm" - anh Phước chia sẻ.
Hằng năm, trừ đi các chi phí, tổng thu nhập từ trang trại tổng hợp của vợ chồng anh Phước lên đến 300 triệu đồng. Mô hình chăn nuôi của anh cũng được người dân xã Sơn Lộc học tập, rút kinh nghiệm và nhân rộng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.