Trên trang cá nhân của mình nữ facebooker Huệ Thi bày tỏ quan điểm của mình: “Tôi sinh ra tại huyện Đại Lộc (Quảng Nam), nơi mà hằng năm có ít nhất một trận bão hoặc cơn lũ. Dân quê tôi luôn ở trạng thái sẵn sàng ứng phó, đó cũng là lý do nhà cửa ở đây hầu như có gác hoặc xây kiên cố, dù gia cảnh nhiều người còn khó khăn.
Lũ về thì mùa màng năm sau mới được phù sa bồi đắp tốt chứ không hẳn tiêu cực hoang tàn. Mỗi khi trời chuyển mưa, dân quê đã biết dự đoán có lũ về hay không. Tất nhiên lũ to nhỏ còn do thiên nhiên, nhưng vẫn chủ động chuẩn bị mớ gạo, cá mắm để đủ chống đói trong thời gian cả tuần.
Bài đăng nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Ảnh: Chụp màn hình
Mỗi lần lũ quét, đài báo thiệt hại hàng tỷ, cứu trợ hàng tỷ này tỷ nọ... nhưng đến tay dân cũng không có gì nhiều hơn mì tôm, gạo (có khi gạo mốc), nước mắm...
Năm 1999 trận lũ lịch sử, tôi đi nhận gạo một lần bị gạo mốc, lần thứ hai nhận được 1,5 gói mì tôm vì lý do nhà 3 khẩu, mỗi người nửa gói. Tôi luôn tự hỏi: Sao ai cũng đi cứu trợ bằng mì tôm? Hay làm cho có phong trào?
Như làng tôi ở nước chỉ ngâm thôi, đường bê tông hoá không có gì gọi là thiệt hại. Lũ ngâm 1-2 ngày là bình thường. Khổ nhất của lũ là dọn nhà, khiêng đồ và dọn bùn non.
Thường mất mát lớn nhất và thiệt hại sau lũ là hoa màu, vật nuôi và ô nhiễm môi trường. Làm gì đến nỗi bà con làng tôi đói mà phát mì tôm? Sao không xác định được ai hay khoanh vùng nào đang đói, cần thực phẩm cứu đói khẩn? Cũng giá trị tương đương thùng mì tôm thì sao không qui đổi các vật dụng hay nhu yếu phẩm khác phù hợp từng khu vực. Cụ thể, nơi bị quét nặng hãy cho thực phẩm mì, gạo, dầu hoặc nơi chỉ bị ngâm thì nên cho giống...”
Những người dân dọn dẹp hậu lũ. Nguồn ảnh: FBNV
Mỗi lần lũ rút xong các xe từ thiện mì tôm về phát và hài hước hơn như hôm nay, tôi xem hình ở quê gửi lên mỗi nhà một thùng mì tôm kèm ổ bánh mì, trong khi làng tôi rõ ràng không bị cô lập hay đói. Sao họ không dành những phần quà này đến những vùng cần khẩn cấp hơn, các vùng thật sự bị mưa đói những ngày qua và đang ngóng chờ?
Từ thiện là tốt, tương trợ là tốt nhưng mảng tối sau lưng đó là gì? Làm cho khoẻ, cho nhanh để được tiếng đùm bọc nên cứ mua mì tôm, không cần biết chỗ đó có nhất thiết phải cứu trợ không? Dân có cần không?
Xin đừng phát đại trà, hãy để dành những phần quà tới tay những hoàn cảnh thật sự khó khăn. Cứu đúng nơi và đúng người, đúng việc”.
Ngược lại, trên báo Người Lao động bạn đọc Nguyễn Xuân Thành lại cho thấy rằng việc tặng những món quà như nước mắm, mì tôm cũng cần thiết và thiết thực như những tất cả các thứ khác
"Đọc bài viết về quà từ thiện, tôi có chút tâm tư. Bài viết rất dài, sâu sắc, ý nghĩa nhưng chưa hề đủ. Đúng và đủ ở đâu tôi xin chia sẻ vài nhận định từ bản thân là người từng trải nghiệm lũ lụt. 20 năm qua, năm nào cũng lũ lụt ở quê tôi và gần 10 năm tôi dấn thân trong các đợt bão lũ.
Đại Lộc (Quảng Nam) đúng là năm nào cũng lũ và người dân luôn chủ động trong công tác chạy lũ. Cái này không sai. Nhưng đâu phải năm nào cũng ngập như năm nào đâu. Mỗi năm một diễn biến khác nhau. Mực nước khác nhau, tốc độ dòng chảy khác nhau. Đỉnh lũ lịch sử mỗi năm một cao. Người dân thường hay làm nhà hay kê đồ cao bằng đỉnh lũ cũ, vậy mà đỉnh lũ mới lại xuất hiện và họ trắng tay. Chưa kể tâm lý chủ quan.
Hộ nào có nhà ở chỗ cao và kiên cố thì không sao, nhưng cả huyện đâu phải nhà nào cũng khang trang, cũng 2 tầng tránh lũ?. Rất nhiều những hoàn cảnh neo đơn, những ngôi nhà thấp xiêu vẹo. Nhưng ở quê ít ai chịu di tản. Họ thường không yên tâm bỏ nhà, bỏ tài sản để đi lánh nạn từ sớm, chỉ đến khi nước lên cao mới chịu đi, lúc đó dường như hơi muộn. Cũng không phải lụt nào các đoàn cứu trợ cũng về. Thường khi quá sức với người dân ở đó cả xã hội mới chung tay.
- Lúc lũ lên nhanh như năm nay được đánh giá rất nhanh thì ai cũng cuống cuồng lo di tản tài sản và con người lên nơi cao, hơi đâu mà đứng đó nấu nồi cơm kho con cá để sẵn tí ăn. Loay hoay chống đỡ xong thì nước ngập 2/3 nhà. Bắc bếp đâu nấu khi chỗ ngồi còn không có. Lúc này có gạo mắm thì cũng chỉ ngồi nhìn.
- Mì tôm không phải đắt đỏ để dân không mua nổi, nhưng ở quê tâm lý ai cũng ăn cơm cho chắc dạ. Lũ về thì trữ 5-10 gói mì phòng thân để làm canh ăn. Nhưng nước ngâm 2 ngày, 5-6 người thì mấy gói mì đó đủ sao?
- Áo quần thì có nhưng 2 ngày ngâm mình dưới nước; 2-3 ngày dọn dẹp sau lũ ướt bao nhiêu bộ. Đồ kê cao mà nước ngập mái còn bộ nào không? Trời thì mưa nước uống còn không có, nước đâu giặt đống đồ ngâm bùn đó. Nhà cao còn đồ mặc chứ nhà thấp thì có phải mặc đồ ướt chịu lạnh không. Vậy, cho họ mấy bộ đồ mặc vài ngày có sai không? Chúng tôi không thể hỏi từng người cần đồ không để chạy về TP mua chở vô. Đành cho đại trà, ai không dùng xin đừng lấy để cho người cần lấy; dư chúng tôi mang đi vùng khác, không sao cả.
- Vấn đề cứu trợ sau lũ không phải đoàn nào về cũng chỉ có mì tôm đâu. Trong lũ có đoàn lo nấu cơm cho vào hộp nước suối kèm theo, rồi thuê ghe lớn đi đến tận nhà cho bà con ấm dạ vì cả đêm thức dầm nước bạc lo bảo vệ tài sản. Ai đã từng ngâm mình dưới đó mới hiểu cái lạnh của nước bạc khi lũ về.
Có đoàn thì hỗ trợ gạo vì tuy dân có chuẩn bị nhưng khi lũ cao ướt hết rồi. Một số vùng nước đến mái nhà thì có gì là không ướt đâu. Tường vách, trụ móng yếu thì nhà còn đi theo dòng lũ mà. Có đoàn thì thêm thuốc khử trùng, thuốc đau bụng, thuốc cảm, dầu gió. Cũng có đoàn thì áo mưa, thùng chứa nước lớn, có đoàn hỗ trợ áo phao. Mỗi đoàn 1 sản phẩm mang tới. Mì tôm chỉ là cái hỗ trợ thêm, coi như là để dành khi tức thời. Một số nhà thiệt hại nặng thì có phong bì gọi là một chút gì để họ khắc phục.
Sau lũ, chúng tôi cũng từng vận động tặng heo, tặng bò; đâu phải không có. Tôi từng nhớ anh Chiến bên Hội Chữ thập đỏ huyện Đại Lộc năm 2009 đã dẫn đoàn về tặng heo giống cho bà con mà. Năm ngoái hay năm kia, có 1 doanh nhân trẻ ở Đại Lộc cũng kêu gọi hỗ trợ giống cây trồng cho bà con tái sản xuất. Đâu phải họ không nghĩ tới.
Sau lũ, đoàn thanh niên, bộ đội, công an cũng giúp dân khắc phục hậu quả. Mỗi người 1 nhiệm vụ, xã hội phân công rất rõ ràng.
- Những vùng ngập sâu chính quyền cũng xây nhà 3 tầng tránh lũ, cũng sắm ghe gác ở nhà văn hóa thôn, có áo phao trang bị đầy đủ; không phải không có.
Ai đã từng nhiều năm đi về vùng lũ làm công tác cứu trợ thì đều lắng nghe tiếng nói dân cần gì chứ không phải năm nào cũng cho như năm nào đâu. Trừ một số nhóm hội mới thành lập, kinh nghiệm ít hay một số tổ chức đánh bóng tên tuổi thì hầu như đều thấu hiểu nỗi khổ của bà con.
- Gạo, dầu, mì tôm, nước mắm thì không phải lũ chúng tôi mới cho Đại Lộc đâu, bình thường hàng tháng vẫn về hỗ trợ 1 xã vài chục hộ, có xã cả trăm hộ các cụ neo đơn không người thân chăm sóc. Nhà tranh vách đất thì lũ cuốn rồi nên đừng hỏi tại sao cứ gạo, mì mà không là cái khác. Một số nhà 5 ngày rồi vẫn đang ngập nước. Nên hiểu chữ ngặt lúc sự cố bất ngờ nó ra sao.
Một lần về cả xã mấy ngàn hộ không phải chúng tôi cho hết mấy ngàn suất. Có vài ba trăm phần cho nhà cần thiết thôi, còn cho không đúng đối tượng xã nhiều xã ít, người nhiều người ít thì do người đứng đầu ở đó đưa lên và phân bổ chứ chúng tôi không đủ thời gian đi điều tra từng nhà.
Trên đây là những suy nghĩ cá nhân, tôi không đem suy nghĩ của tôi áp lên các bạn nên xin đừng "ném đá"."
Vui lòng nhập nội dung bình luận.