Vật nuôi lạ thuộc nhóm nào?
Đề cập tới vấn đề giải thích từ ngữ trong dự thảo luật, đại biểu (ĐB) Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) cho rằng quy định chưa hợp lý. Ông cho rằng có nhiều loại chim nhưng tại sao chim cút lại được vào dự thảo luật, còn các loại chim khác thì không.
Ông nêu ví dụ như chim yến, ở Khánh Hòa người dân xây cả nhà cho chim yến. “Rồi nuôi ong, sâm cầm, chó mèo, chuột bạch… những loài vật này được gọi là gì, nên có giải thích từ ngữ theo hướng mở”- ĐB Thân nói.
Vấn đề môi trường, xử lý chất thải trong chăn nuôi được nhiều đại biểu quan tâm, góp ý. Ảnh: T.L
"Phải coi chất thải của chăn nuôi là nguyên liệu đầu vào phân bón, vừa qua ta chưa làm được điều đó. Sắp tới, Bộ NNPTNT có thể sẽ được giao nghiên cứu, ban hành quy chuẩn kỹ thuật để sử dụng phế thải làm phân hữu cơ. Việc này có hai mục đích, một là bảo vệ môi trường, hai là sớm đưa ra được dòng sản phẩm phân hữu cơ phục vụ cho trồng trọt”.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT
Nguyễn Xuân Cường
|
ĐB Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) tranh luận rằng dự thảo luật chia các loài vật nuôi thành 4 nhóm gồm: Gia súc, gia cầm, động vật làm cảnh và động vật hoang dã. Nhưng hiện nay trong xã hội có rất nhiều vật nuôi lạ như tằm, dế, giun… thì không biết xếp vào loại động vật nào.
Dẫn chứng ở tỉnh Hà Tĩnh, ĐB này cho biết chỉ riêng huyện Hương Sơn đang nuôi tới 42.000 con hươu (trên địa bàn cả tỉnh là 47.000 con), ở Hương Sơn hươu phổ biến hơn cả con trâu. Do hiện nay chúng ta không xếp hươu là vật nuôi nên nhung hươu của bà con làm ra không thể xuất khẩu được, vì luật vẫn đang coi hươu là động vật hoang dã nên nước ngoài không cho phép nhập khẩu.
Theo ĐB Nguyễn Như So (Bắc Ninh), dự thảo luật quy định cấm chăn nuôi trong nội thành, nội thị, chăn nuôi trang trại trong khu dân cư, nhưng lại không giải thích khái niệm “nội thành”, “khu dân cư”. Hiện nay cũng chưa có văn bản nào giải thích các cụm từ này, điều đó sẽ gây khó khăn khi thực hiện.
Về quy định đăng ký, kê khai chăn nuôi, theo ĐB So là cần thiết, giúp công tác quản lý và hoạch định chính sách phát triển ngành. Tuy nhiên, cần nghiên cứu bổ sung quy định hình thức đăng ký, kê khai phù hợp với từng loại hình, khu vực, đối tượng vật nuôi để đảm bảo tính khả thi.
“Ví dụ các hộ nông dân ở miền Tây nuôi vịt chạy đồng, không cố định thì đăng ký, kê khai ở đâu? Việc nuôi ong, nuôi tằm thì đăng ký số lượng thế nào? Ngoài ra, cần có cơ chế trách nhiệm ràng buộc người chăn nuôi thực hiện đúng nghĩa vụ khai báo của mình trước pháp luật” - ĐB So góp ý.
Quan tâm vấn đề môi trường, kháng sinh
Cơ bản đồng tình với quy định về các hành bị nghiêm vi cấm trong dự thảo luật, song ĐB Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị bổ sung thêm quy định nghiêm cấm lạm dụng kháng sinh, sử dụng chất cấm trong hoạt động chăn nuôi. Cho rằng dự thảo luật chưa đề cập đến quản lý đối với hình thức chăn nuôi gia công cho các tổ chức trong và ngoài nước, theo ĐB Quân, đây là hình thức hợp tác làm ăn giữa doanh nghiệp và người dân để phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa có trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải trong chăn nuôi. Do đó, cần bổ sung vào dự thảo luật nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong hoạt động chăn nuôi một khoản quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp trong chăn nuôi gia công.
ĐB Nguyễn Như So đề nghị cần điều chỉnh việc quy định về xả thải cho phù hợp với điều kiện thực tế các trang trại Việt Nam. Theo ĐB So, việc quy định quản lý nước thải trong chăn nuôi tại khoản 5 Điều 45 dự thảo luật đặt ra thách thức lớn ngay tại các trang trại. Hiện nay chúng ta đang áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi theo quy chuẩn 62, quy chuẩn chất lượng nước mặt theo quy chuẩn 08.
“Những quy chuẩn này quá cao so với khả năng thực tế ứng dụng công nghệ và xử lý môi trường, dẫn đến các trang trại rơi vào tình trạng phạm luật, lãng phí nguồn tài nguyên dinh dưỡng hữu cơ cho cây trồng. Đề nghị cần nghiên cứu, điều chỉnh việc quy định về xả thải cho phù hợp với điều kiện thực tế, có chính sách thúc đẩy tận dụng nguồn chất thải trong chăn nuôi như một nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón hữu cơ”- ĐB So nói.
ĐB Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) đề nghị cùng với việc quy định những nguyên tắc quản lý chất thải, quản lý phế phẩm, xử lý chất thải chăn nuôi phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung những chế định cụ thể về đẩy mạnh ứng dụng chế phẩm sinh học công nghệ cao vào chăn nuôi, chuyển giao ứng dụng công nghệ tiên tiến, xử lý chất thải chăn nuôi có giá thành phù hợp với từng loại hình, quy mô chăn nuôi và đặc thù vùng miền đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm thiểu chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng nông phẩm an toàn bền vững vì sức khỏe cộng đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.