Tranh cãi nảy lửa chuyện tái tạo virus từng giết 500.000 người

Thứ bảy, ngày 05/07/2014 12:17 PM (GMT+7)
Một nhà nghiên cứu từng gây tranh cãi với việc hồi sinh thủ phạm gây đại dịch cúm Tây Ban Nha chết người vào năm 1918, đang tiếp tục gây ra những tranh luận trái chiều gay gắt khi tái tạo một chủng virus cúm H1N1 đặc biệt nguy hiểm, có khả năng kháng vắc-xin.
Bình luận 0

Tiến sĩ Yoshihiro Kawaoka, giáo sư chuyên ngành virus học thuộc Đại học Wisconsin (Mỹ), đã biến đổi chủng cúm từng gây đại dịch, cướp đi sinh mạng của khoảng 500.000 người trên toàn thế giới, để khiến nó có thể chống lại những kháng thể thuộc hệ miễn dịch của người. Nhiều người chỉ trích cáo buộc, thử nghiệm mới nhất của ông Kawaoka về cơ bản đã khiến người dân thế giới không còn khả năng bảo vệ trước virus cúm nguy hiểm.

Theo Các trung tâm kiểm soát và ngăn chặn bệnh dịch Mỹ, virus H1N1, vốn từng làm khởi phát đại dịch cúm 2009 - 2010, đã biến thành một loại virus cúm thông thường ở người, tiếp tục lan truyền theo mùa ở khắp nơi trên thế giới. Mục tiêu của ông Kawaoka là biến virus này sang trạng thái tiền đại dịch để xem nó thay đổi như thế nào trong 4 năm vừa qua.

Dường như, mục tiêu ông Kawaoka là nhận diện các virus có thể xâm chiếm hệ miễn dịch của người, hướng tới sự ra đời của các loại vắc-xin cúm hiệu quả trong tương lai. Nhưng để đạt được điều đó, ông đã khiến virus cúm "thoát khỏi" hệ miễn dịch của người. 

img

Tiến sĩ Yoshihiro Kawaoka đã biến đổi chủng cúm H1N1 từng cướp đi sinh mạng của 500.000 người trong giai đoạn 2009 -  2010 thành dạng nguy hiểm hơn, có thể vô hiệu hóa vắc-xin. Ảnh: Corbis 

"Thông qua chọn lọc các virus thoát khỏi miễn dịch trong phòng thí nghiệm dưới những điều kiện ngăn chặn phù hợp, chúng tôi đã có thể nhận diện các vùng then chốt, từng cho phép các virus H1N1 năm 2009 thoát khỏi sự miễn dịch", giáo sư Kawaoka phát biểu trên báo The Independent.

Ông Kawaoka không đề cập chi tiết về dự án mới nhất của mình, nhưng ông thừa nhận, nghiên cứu này hiện đã hoàn thành và sẵn sàng được công bố. Là nhà virus học tiên phong, đã và đang tiến hành các thử nghiệm mạo hiểm bên ngoài một phòng thí nghiệm tối tân tại Viện nghiên virus cúm ở Madison, Mỹ, ông Kawaoka lần đầu tiên đã tiết lộ về nghiên cứu H1N1 của mình hồi đầu năm nay, trong một cuộc họp kín của giới khoa học, gây sốc cho toàn bộ những người tham dự.

Một nhà khoa học giấu tên từng chứng kiến buổi thuyết trình của ông Kawaoka giải thích, người đồng nghiệp của ông đã chọn lọc các chủng H1N1 kháng các kháng thể và sau đó lặp lại quá trình nhiều lần, cho tới khi nắm trong tay một siêu virus không thể bị tiêu diệt bằng vắc-xin.

"Ông ấy (Kawaoka) đã sử dụng một virus cúm từng lây nhiễm cho người và sau đó thao túng nó theo cách khiến toàn bộ dân số thế giới không còn khả năng kháng cự nếu mầm bệnh đó thoát khỏi phòng thí nghiệm của ông ấy. Mọi thứ ông ấy từng làm  rất nguy hiểm, nhưng điều này thậm chí còn điên rồ hơn", nhà khoa học giấu tên nhấn mạnh.

Các quan chức thuộc Đại học Wisconsin đã lên tiếng trấn an công chúng rằng, có rất ít hoặc không có nguy cơ virus thoát khỏi phòng thí nghiệm. Bản thân ông Kawaoka cũng nhất quyết bảo vệ các phương pháp nghiên cứu và quy trình bảo đảm an toàn trong phòng thí nghiệm của mình. Bất chấp lời kêu gọi ngưng công trình nghiên cứu, ông Kawaoka tuyên bố, nó có thể mang đến những lợi ích giúp cứu mạng người.

(Theo Vietnamnet/Dailymail)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem