Tranh cãi quanh việc dùng ngân sách xây dựng cơ sở hạ tầng cho đặc khu kinh tế

Nguyệt San Thứ ba, ngày 22/05/2018 08:36 AM (GMT+7)
Hàng loạt câu hỏi được đặt ra trước khi Luật Đặc khu kinh tế được trình và thảo luận tại Quốc hội tuy nhiên, còn rất nhiều câu hỏi xung quanh việc thành lập 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Ngay cả việc dùng ngân sách xây dựng cơ sở hạ tầng cho đặc khu cũng đang gây tranh cãi, có nên hay không?
Bình luận 0

img

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương.

Sáng mai, ngày 22.5, theo chương trình, Quốc hội sẽ thảo luận về Luật Đặc khu kinh tế. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại vẫn còn quá nhiều các câu hỏi đặt ra cho tính khả thi của dự Luật này và sự hợp lý của 3 đặc khu Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong. Để làm rõ thêm những vấn đề xung quanh Luật Đặc khu kinh tế, mục "Góc nhìn chuyên gia" của Dân Việt đã có cuộc trao đổi trực tiếp với TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Với nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu các mô hình kinh tế trên thế giới, xin ông cho biết, Đặc khu trên thế giới đang làm thế nào và hướng tới mục đích gì?

Trên thế giới, khái niệm về đặc khu rất khác nhau với nhiều loại hình, cấp độ, phạm vi khác nhau. Tuy nhiên, có một vài điểm chung đáng lưu ý về đặc khu như sau:

Thứ nhất về mặt thể chế, luật chơi, cách chơi là phải khác biệt, đặc biệt khi so với cái đang có tại quốc gia đó và rộng hơn là so với quốc tế.

Ví dụ như trước đây khi độ mở cửa tự do hoá, toàn cầu hoá chưa cao thì cái khác biệt là hội nhập, mở cửa sâu rộng. Còn hiện nay thì tình thế đã thay đổi, đặc khu thế hệ mới, không còn chỉ là mở cửa, mà muốn khác biệt, muốn vượt lên thì phải thích ứng được với xu thế mới mà có thể người ta còn chưa định hình được nó là cái gì, còn chưa hiểu biết hết về nó. Điều này lại gắn trực tiếp tới những ưu đãi cộng thêm với chữa dám chơi và làm sao hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất.

Đặc điểm chung thứ 2 của đa số các đặc khu trên thế giới là vấn đề nguồn lực. Đặc khu là nơi lựa chọn, ưu tiên, tập trung vào một số khu vực nhất định với quy mô nhất định. Vậy làm sao để tập trung nguồn lực cho nó?

Thứ 3 là mục tiêu của các đặc khu có thể là khác nhau, nhưng đều tạo ra sự đột phá về phát triển, đằng sau nó là phân bổ nguồn lực, là kỹ năng, là lan toả và không chỉ là kinh tế mà còn là đột phá về thể chế.

Nó cũng gắn với việc làm sao hạn chế rủi ro bằng việc lựa chọn những vùng có điều kiện đặc thù, lợi thế so sánh nhất định để làm đặc khu. Ví dụ như có điều kiện theo lĩnh vực công nghệ, tài chính… Đôi khi lựa chọn địa điểm cho đặc khu cũng mang tính ngẫy nhiên từ ban đầu, qua vận động của thị trường, cạnh tranh, phát triển và nhà nước muốn có 1 cú hích, thúc đẩy.

Vậy việc lựa chọn 3 đặc khu của Việt Nam có phù hợp với thông lệ Quốc tế không, thưa ông?

Việt Nam có nhiều mẫu hình về các khu kinh tế như khu công nghiệp, khu công nghệ cao, nhưng một đặc khu không chỉ tầm vóc mà gắn mạnh mẽ với chất đặc biệt, đổi mới của thể chế thì chưa có.

Và nhu cầu về đặc khu không phải bây giờ mới có. Ý tưởng này đã nhen nhóm từ những năm 1990, nhưng những vùng lựa chọn hồi đó không giống bây giờ. Còn 3 đặc khu đang được xác định hiện tại là Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong có những lợi thế nhất định nhưng cũng có những hạn chế. Các đặc khu này qua sự vận động củ thị trường cũng bắt đầu tạo dựng một hình hải cho thấy nó có lợi thế. Rõ nhất có thể thấy là ở Quảng Ninh, Phú Quốc. Tại Phú Quốc đã có cam kết đầu tư lên tới hơn chục tỷ USD. Tuy nhiên, hạn chế rõ nhất có thể nhìn thấy là vấn đề nguồn nhân lực.

Nhìn về 3 đặc khu trên, chúng ta cần nhìn rõ 3 vấn đề cần được xem xét thấu đáo. Đầu tiên là nguồn nhân lực và số lượng đặc khu.

Thứ 2 là hỗ trợ ở mức nào dưới góc độ chính sách và sự hỗ trợ này có thực sự là cần thiết? Nếu là đặc khu thì ngoài mục tiêu phát triển, thì khả năng lan toả, học hỏi, thích ứng với xu hướng phát triển mới, ví dụ kỹ năng mới, cách mạng công nghiệp 4.0, rồi đặc biệt là về thể chế - 1 trong những trụ cột chính được đặt ra. Việc này dẫn tới câu hỏi, có nhất thiết phải làm đặc khu?

Vậy thực sự chúng ta có cần làm đặc khu không, thưa ông?

Cho tới thời điểm hiện tại, nói muốn xây dựng đặc khu là đã chậm rồi. Tuy nhiên, càng chậm thì lại càng phải vượt trội, nhưng lại cũng càng khó để vượt trội. Vượt trội được hay không dựa rất nhiều vào việc chúng ta có đủ dũng cảm để chơi hay không? Có đủ sắc sảo, sáng tạo, quyết tâm chính trị và khả năng giải trình để làm cho được không?

Nói về vượt trội ở đây là nói về vấn đề dịch chuyển nguồn lực, tự do tới đâu. Dịch chuyển nguồn lực bảo gồm dịch chuyển hàng hoá, đầu ư, con người, thông tin, công nghệ; dịch chuyển trong nước, từ trong nước ra ngoài nước; dịch chuyển về hình thức sử dụng đất đai, pháp lý rất quan trọng và mở cửa như thế nào?

Chúng ta đã tham gia rất nhiều các FTA thế hệ mới, tuy nhiên, những FTA này vẫn chưa bao phủ tất cả, còn rất nhiều vấn đề đặt ra như dịch chuyển tài chính, tiền tệ, tỷ giá, con người, lao động còn bỏ ngỏ. Liệu trong đặc khu chúng ta có dám vượt lên những khuôn khổ đó không?

Cùng với việc thiết lập thể chế, luật pháp thì vấn đề thực thi tại các đặc khu đặc biệt quan trọng. Liệu thực thi có đủ nhanh, đủ quyết liệt, đủ minh bạch, đủ khả năng giải trình và đủ cao để đáp ứng nhu cầu giải quyết tranh chấp của các nhà đầu tư không? Đây là câu hỏi quan trọng cần được làm rõ khi thành lập đặc khu.

Cuối cùng, xin ông cho biết làm đặc khu, dám chơi là một chuyện, thế nào là biết cách chơi?

Đúng là dám chơi là một chuyện, biết chơi không phải là chuyện đơn giản. Nếu nhìn vào luật đặc khu của chúng ta thì dường như chúng ta chưa biết cách chơi với đặc khu, các quy định đều chưa tới.

Trong xu thế hiện nay của thế giới thì ưu đãi tài chính, thuế thôi là chưa đủ. Đó chỉ là yếu tố cuối cùng nên được đưa ra khi đã làm tốt những việc trước đó.

Cụ thể, tôi đồng tình với nhận định của Ngân hàng Thế giới khi lưu ý về làm đặc khu tại Việt Nam. Họ nói ưu đãi tài chính không phải là mấu chốt, không phải là vấn đề quan trọng. Quan trọng là hỗ trợ phải dựa trên thành quả. Chúng ta đừng suy nghĩ theo lối mòn, truyền thống rằng chỉ cần dựa vào ưu đãi lợi nhuận, thu nhập. Quan trọng hơn là cả mở cửa các loại hình dịch chuyển, thay đổi thể chế, sau đó mới đến ưu đãi về tài chính.

Có thể thấy dùng ưu đãi về tài chính là phương cách dễ nhất. Nhưng quá nhiều ưu đãi mà không có thể chế thực thi tốt, giám sát ẩu thì có thể dẫn tới một cuộc đua về ưu đãi, sẽ lại sinh ra xin cho.

Ngay cả việc dùng ngân sách xây dựng cơ sở hạ tầng cho đặc khu cũng đang gây tranh cãi, có nên hay không? Tuy nhiên, có thể thấy vai trò của nhà nước với kết cấu hạ tầng vẫn là cần thiết và quan trọng. Nhưng nếu tạo được một sân chơi, cách chơi thích hợp thì đặc khu có thể thu hút được nguồn lực khác để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Nói tóm lại, muốn chơi với đặc khu chúng ta cần biết đánh cược, dám cược và phần nào đó là hên xui, không nên kỳ vọng luật nào hoàn hảo tới 100%.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem