Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, dự thảo Luật Công an xã có nội dung đáng chú ý là công an xã được “huy động” phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác, người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trong trường hợp cấp bách. Chẳng hạn, để cấp cứu người bị nạn; cứu nạn, cứu hộ; truy bắt người phạm tội quả tang, người gây tai nạn bỏ chạy, người có quyết định truy nã, truy tìm…
Không ủng hộ vì dễ bị lạm dụng, trái luật
TS Phan Anh Tuấn (Trường ĐH Luật TP.HCM) không ủng hộ quyền “huy động” tài sản nói trên của công an xã. Theo ông, về mặt xã hội, quy định như vậy sẽ ảnh hưởng đến quyền về tài sản của người dân. Nếu cân nhắc mặt lợi và mặt hại thì có lẽ mặt hại nhiều hơn vì quyền này có thể bị tùy tiện lạm dụng, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý an toàn của người dân. Đồng thời, việc công an xã “huy động” phương tiện thông tin của người dân như ĐTDĐ, smartphone… là không cần thiết vì bây giờ ai cũng có.
“Ở đây không chỉ đơn thuần liên quan đến việc sử dụng phương tiện mà có khả năng rất cao là sẽ ảnh hưởng đến bí mật đời tư của người dân, để lại những hệ quả rắc rối về sau” - TS Tuấn nói.
Về mặt pháp luật, quy định trong dự thảo Luật Công an xã trái với Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản. “Tôi khẳng định quy định như dự thảo thì không phải là “huy động” mà chính xác là trưng dụng. “Huy động” tài sản có nghĩa là chủ tài sản, người quản lý tài sản vẫn được sử dụng tài sản, ví dụ người dân dùng điện thoại của mình để gọi theo yêu cầu của công an xã. Còn nếu công an xã sử dụng nó luôn thì là phải trưng dụng chứ không còn là “huy động” nữa. Nếu dự thảo Luật Công an xã quy định về “huy động” tài sản mà trái pháp luật về trưng dụng là không được” - TS Tuấn nói.
Đồng tình, luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) cũng nhận định bản chất nội dung “huy động” tài sản trong dự thảo chính là trưng dụng tài sản. “Huy động là kêu gọi để mọi người tự nguyện đóng góp, còn bắt buộc người dân giao tài sản thì là trưng dụng rồi. Việc trao thẩm quyền trưng dụng tài sản cho công an xã là xâm phạm quyền về tài sản, trái với Hiến pháp 2013” - luật sư Quân khẳng định.
Công an xã kiểm tra hành chính một trường hợp tham gia giao thông trên đường liên thôn (ảnh minh họa). Ảnh: Thế Hùng
Ủng hộ vì lợi ích chung
Ngược lại, luật sư Chu Văn Hưng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng nên mạnh dạn giao cho công an xã thẩm quyền “huy động” tài sản của dân trong một số trường hợp cấp bách.
Luật sư Hưng lý giải: Ở vùng nông thôn, miền núi gần đây xảy ra nhiều vụ đánh nhau, tai nạn giao thông, vỡ đê, vỡ đập… Người đầu tiên tiếp cận hiện trường là công an xã. Gặp người bị nạn rất nặng, công an xã có trách nhiệm đưa nạn nhân đi cấp cứu ngay. Giả sử phương tiện giao thông, phương tiện liên lạc của công an xã vì lý do nào đó không sử dụng được, trong khi người dân có phương tiện lại không hỗ trợ thì công an xã còn cách gì để cứu người bị nạn?
“Việc cho công an xã quyền “huy động” phương tiện giao thông, liên lạc để đưa người đi cấp cứu trong trường hợp này là cần thiết” - luật sư Hưng nói.
Luật sư Hưng cũng cho rằng quyền “huy động” ở đây khác với trưng dụng: “Trưng dụng là coi như cơ quan chức năng nhận toàn bộ tài sản của người dân rồi tự giải quyết. Còn như khi có người đang bị tai nạn, cần ô tô chở đi mà công an xã lại không biết lái thì việc “huy động” cả người cả xe để đưa nạn nhân đi cấp cứu là phù hợp”.
Tuy nhiên, theo luật sư Hưng, dự thảo Luật Công an xã cần quy định công an xã chỉ được “huy động” phương tiện, người sử dụng phương tiện trong trường hợp thật sự cấp bách như đưa người đi cấp cứu hoặc đối phó hỏa hoạn, vỡ đê, vỡ đập, nếu không “huy động” thì không kịp thời cứu người hoặc ngăn chặn hậu quả xảy ra. Còn trường hợp bắt người phạm tội quả tang, người bị truy nã, truy tìm thì không cần thiết vì dễ dẫn đến lạm quyền. Về thẩm quyền, dự thảo chỉ nên quy định cho trưởng công an xã, phó trưởng công an xã vì với trình độ của công an xã theo dự thảo dễ dẫn đến tùy tiện.
“Quyền tài sản là quyền hiến định của công dân, bất khả xâm phạm. Nhưng với tư cách là một người dân, tôi có thể cho lực lượng công an nói chung và lực lượng công an xã nói riêng mượn tài sản (huy động) trong những trường hợp khẩn cấp. Bởi đó là điều mà mọi công dân đều có thể đóng góp, mong muốn được đóng góp vì một xã hội bình yên hơn” - luật sư Trần Oanh (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói.
Tuy nhiên, luật sư Oanh cho biết chưa yên tâm khi đọc dự thảo. Nhìn vào tổng thể, dự thảo quy định trình độ công an xã chỉ cần tốt nghiệp tiểu học là quá thấp so với mặt bằng dân trí nước ta hiện nay. Thực tế đã xảy ra những vụ công an xã lạm quyền xâm phạm đến tài sản, sức khỏe… của người dân vì trình độ hạn chế, trong khi hầu hết người dân vùng sâu, vùng xa đều sợ “đụng” đến công an. Họ không có điều kiện tiếp xúc với các hoạt động trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình khi tài sản bị công an xã lạm quyền. “Vì vậy, dự thảo cần ghi nhận quyền khiếu nại, khởi kiện của người dân đòi bồi thường thiệt hại vì bị “huy động” tài sản trái pháp luật, lạm quyền” - luật sư Oanh nói.
Có thể gây ra nhiều hệ lụy
Thực chất việc công an xã “huy động” phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác theo dự thảo Luật Công an xã chính là hoạt động trưng dụng tài sản có thời hạn. Do vậy, việc trưng dụng tài sản phải tuân thủ Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008. Tuy nhiên, các trường hợp cấp bách trong dự thảo Luật Công an xã không thuộc điều kiện trưng mua, trưng dụng tài sản theo Điều 5 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008, đồng thời công an xã cũng không có thẩm quyền trưng dụng tài sản theo Điều 24 luật này. Từ đó cho thấy nếu Luật Công an xã cho phép công an xã “huy động” tài sản sẽ trái với luật chuyên ngành về vấn đề này là Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008.
Ngoài ra, việc “huy động” tài sản là vấn đề hệ trọng, ảnh hưởng đến quyền sở hữu tài sản nói chung và quyền được sử dụng bình thường tài sản của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận. Cạnh đó, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của lực lượng công an xã còn nhiều hạn chế, do vậy nếu trao quá nhiều thẩm quyền, trong đó có quyền huy động tài sản như trong dự thảo có thể gây ra nhiều hệ lụy lớn trong thực tiễn áp dụng.
Chúng tôi cho rằng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, trang bị các phương tiện, công cụ cần thiết ở mức độ có thể để lực lượng công an xã thực thi nhiệm vụ chứ không nên trao cho lực lượng này thẩm quyền “huy động” phương tiện, tài sản của công dân. Đồng thời, công an xã cũng phải có hoạt động phối hợp, kết hợp với các lực lượng khác để thực thi nhiệm vụ.
ThS Từ Thanh Thảo, Trường ĐH Luật TP.HCM
|
Lệ Trinh (Pháp luật TP.HCM)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.