Tranh chấp đất ở Tam Đảo: Chính quyền đùn đẩy trách nhiệm

Thứ hai, ngày 07/03/2011 18:13 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong đơn khiếu nại gửi NTNN, ông Hoàng Thư - con trai cụ Hoàng Cầm - người nổi tiếng vì đã sáng tạo ra bếp không khói, phục vụ quân đội ta trong suốt hai cuộc kháng chiến, viết: Từ năm 1960, sau khi rời quân đội, cụ Cầm về sinh sống tại tiểu khu 2, thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc)...
Bình luận 0

Tại đây, cụ đã khai hoang được hơn 538m2 đất, sau đền Đức thánh Trần. Suốt một thời gian dài, cụ làm thủ nhang đền Đức thánh Trần và trồng trọt trên mảnh đất ấy. Bản đồ địa chính 299, tờ số 4 (lập năm 1988), sổ mục kê ghi rõ thửa đất số 23 mang tên Hoàng Cầm. Biên lai nộp thuế các năm 1993, 1994, 1995 đều mang tên cụ.

img
Bà Hoàng Thị Định bên mảnh đất cha mình đã dày công khai phá.

Năm 1995, do tuổi cao sức yếu, cụ được Bộ Quốc phòng đón về điều trị tại Quân y Viện 108. Năm 1996, cụ qua đời. Đầu những năm 2000, con cháu cụ có nguyện vọng xin được xây dựng nhà tưởng niệm và trưng bày các loại bếp Hoàng Cầm. Tuy nhiên, mảnh đất ấy đã mang tên bà Nguyễn Thị Liềm - người có đất liền kề với đất của cụ Cầm.

Để giải quyết vụ việc, UBND thị trấn Tam Đảo đã 3 lần tổ chức hoà giải, nhưng bất thành… Sự việc đi vào bế tắc. Phía gia đình bà Liềm cho rằng, mảnh đất trên là của mình, bởi từ năm 2000, đất đã mang tên bà trong bản đồ địa chính.

Về nguồn gốc đất, bà Liềm cho rằng mảnh đất trên đã được con gái cụ Cầm là bà Hoàng Thị Nhàn cho. Tuy nhiên, trong các phiên hoà giải, bà Liềm không trình được giấy tờ gì liên quan đến việc cho đất. Điều bất thường nữa là chính bà Liềm đã làm giấy trả lại mảnh đất trên cho con cháu cụ Cầm.

Ngày 1.3, trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Chúc - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đảo cho biết: Qua xác minh bộ thuế và sổ mục kê mảnh đất trên đều mang tên cụ Cầm. Năm 1993 và 1994, có đợt khảo sát và đối chiếu lại đất đai, do gia đình không kê khai, nên chính quyền đã đưa mảnh đất trên về uỷ ban quản lý.

Tuy nhiên ông Chúc không lý giải được việc tại sao đất của cụ Cầm đã có trong hồ sơ, lại chuyển thành đất hoang. Trong khi nhiều nhân chứng đều khẳng định mảnh đất trên cụ Cầm vẫn canh tác trước khi mất. Cuối cùng ông Chúc cho rằng, việc này là do… chính quyền các khoá trước làm!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem