Trâu, bò “ngoại” tràn qua biên giới

Thứ ba, ngày 15/01/2013 08:52 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thời điểm gần đến Tết Nguyên đán, trung bình, mỗi ngày có đến cả hàng nghìn con trâu, bò được các đầu nậu vô tư "dắt" qua biên giới Tây Nam về nước.
Bình luận 0

Dùng thực phẩm chức năng kích thích cho bò

Đi dọc biên giới Tây Nam từ Tây Ninh đến Kiên Giang, đâu đâu cũng thấy các điểm tập kết trâu bò của Campuchia hoạt động nhộn nhịp. Tại xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, cả chục xe tải loại lớn đậu tại các điểm thu mua chờ lùa bò lên xe. Ở các "chợ" này, người ta còn xây hẳn cầu dẫn bê tông, xe tải chỉ việc đưa thùng xe sát cầu dẫn là trâu, bò sẽ được lùa lên cầu và chui hết vào thùng.

Một người dân tại Vĩnh Điều cho biết, trâu bò nào mập mạp sẽ được đưa lên xe đưa đi ngay. Con nào thuộc dạng "hàng thải" (còi cọc, ốm yếu) sẽ được các hộ dân ven kênh Vĩnh Tế đưa vào "trại an dưỡng" - tức cho vào chuồng nuôi thúc, vỗ béo cho bò.

img
Trâu bò lậu được đưa lên xe đi tiêu thụ. Ảnh chụp tại một huyện biên giới của tỉnh Long An.

Ông Tư Bảnh, một người chuyên vỗ béo bò cho biết, mùa này bên Campuchia thiếu cỏ nên nhiều con bò khi đưa về Việt Nam rất gầy. Vì thế, khi đưa bò về đến Việt Nam, chủ trại sẽ cho bò uống nước "7Up" hoặc nước tăng lực pha hột gà, có khi tiêm thuốc bổ dành cho người, thậm chí thực phẩm chức năng Chitosan có tác dụng tăng sức đề kháng có giá gần cả triệu đồng/hộp cũng được phân liều lượng cho bò sử dụng để hồi sức.

Ông Hai Góp - chủ trại bò khá lớn ở Tà Ngáo (huyện Tịnh Biên, An Giang) cho biết, do sức tiêu thụ trong nước khá mạnh, nên trâu, bò lớn nhỏ đều được "thu gom triệt để", con lớn thì bị xẻ thịt, con nhỏ làm bê thui, con nào gầy ốm thì vỗ béo.

Trong hàng chục chợ bò dọc biên giới Tây Nam, chỉ duy nhất chợ bò Tà Ngáo được cấp phép. Trong năm 2012, chợ này thu gom gần 70.000 con trâu, bò.

Giáp biên giới Long An, nhiều nông dân các xã Bình Hiệp, Bình Tân (huyện Mộc Hóa) cũng nhận nuôi gia công trâu bò với giá 10.000 đồng/ngày/con để vỗ béo trước khi xuất bán. Mỗi con bò được nuôi trong vòng 2 - 3 tuần, người nào nuôi chừng giỏi mỗi tháng có thể thu nhập 4 - 5 triệu đồng. Trẻ em con nhà nghèo nhận nuôi vài con cũng kiếm được khoản tiền kha khá.

Một lái bò ở xã Hưng Điền (huyện Tân Hưng, Long An) nói: "Mỗi con bò đưa qua biên giới, tụi tui chung chi khoảng 100.000 đồng. Nếu bò ốm yếu, thì mấy đứa nhỏ nuôi bò được thêm 200.000 đồng tiền công, thương lái lời chừng 500.000 đồng/con". Theo các thương lái, ngoài tiền "hụi chết" cho các chốt gác Campuchia, dân buôn lậu trâu bò cũng phải "biết điều" với một số cán bộ biên phòng, thú y trong nước để việc qua lại được dễ dàng hơn.

Chỉ một chợ bò "có phép"

Theo Thông tư số 27/2009/TT-BNN ngày 28.5.2009 của Bộ NNPTNT ban hành quy định về kiểm dịch nhập khẩu trâu, bò từ các nước Lào và Campuchia vào Việt Nam, Chi cục Thú y các tỉnh biên giới Tây Nam đã tham mưu ngành nông nghiệp và UBND các tỉnh tổ chức thực hiện, nhưng cho đến nay, việc trao đổi buôn bán gia súc qua các đường tiểu ngạch vào các khu cách ly kiểm dịch nhập khẩu vẫn còn nằm trên giấy.

Trong hàng chục chợ bò lớn nhỏ, chỉ duy nhất chợ bò Tà Ngáo (Tịnh Biên, An Giang) hoạt động có phép. Chợ bò này hình thành hàng chục năm nay và được Bộ NNPTNT cho phép nhập trâu bò qua đường tiểu ngạch, có kiểm soát dịch bệnh từ năm 2010. Sau khi trâu bò nhập khu tập trung, kiểm dịch, chích thuốc ngừa, nếu 1 tuần sau không có dấu hiệu bệnh thì được bấm lỗ tai, cho xuất bán.

Trâu, bò nhập khẩu phải nuôi kiểm dịch 15 ngày

Một lãnh đạo Cục Thú y cho biết, theo quy định tại Thông tư 27, Chi cục Thú y các tỉnh biên giới tổ chức thực hiện việc kiểm dịch đối với trâu, bò thu gom sau nhập khẩu. Theo đó, sau khi đàn trâu, bò được đưa về nơi cách ly kiểm dịch 1 - 2 ngày, Chi cục Thú y theo dõi và kiểm tra lâm sàng sức khỏe đàn trâu, bò; đánh dấu trâu, bò bằng cách bấm thẻ tai theo quy định; lấy máu kiểm tra toàn đàn trâu, bò; tiêm phòng vaccin các bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng trâu bò theo quy định… Thời gian nuôi cách ly kiểm dịch là 15 ngày; nếu thời gian cách ly kiểm dịch quá thời hạn nêu trên thì Chi cục Thú y phải thông báo cho chủ hàng biết rõ lý do.

Ông Ôn Hòa Thịnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y An Giang cho biết, trong năm 2012, chợ bò Tà Ngáo thu gom và xuất bán gần 70.000 con trâu, bò cho thị trường trong nước. Việc thành lập chợ bò, đưa vào quản lý như hiện nay giúp việc kiểm soát dịch bệnh được tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, toàn tuyến biên giới khá dài nên một chợ bò này là không đủ.

Theo khảo sát của Dân Việt, tại khu vực Tà Ngáo, có gần 20 điểm thu mua khác nằm rải rác xung quanh để "ăn theo" chợ bò được cấp phép này. Các thương lái "cò con" thu gom bò từ Campuchia đem tập kết gần khu vực biên giới, chờ cơ hội thuận tiện là lùa qua kênh Vĩnh Tế rồi luồn sâu vào đường biên, bán cho các trại bò trong nước để né thuế, phí. Tương tự, khu vực Giang Thành (Kiên Giang) và các huyện biên giới Đồng Tháp, Long An, mỗi ngày hàng trăm con trâu bò được dân buôn tuồn vào Việt Nam mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.

Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Thế Năng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, một số chợ bò ở các khu vực cửa khẩu dọc biên giới tỉnh này đã được đề nghị cấp phép như chợ bò Tà Ngáo. Tuy nhiên, việc quản lý và phối hợp với chính quyền nước bạn còn có nhiều khó khăn nên tạm thời mới chỉ có chợ bò Tà Ngáo được phép hoạt động.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem