Trẩy Hội chùa Thầy, khám phá hang Cắc Cớ ở xứ Đoài

Bài, ảnh: Huyền Phương Thứ bảy, ngày 09/04/2016 10:28 AM (GMT+7)
Chùa Thầy vốn được nhắc đến nhiều là câu chuyện dân gian huyền bí về hang Cắc Cớ mà các đôi trai gái ở tuổi cưới vợ, lấy chồng tìm đến. Chùa còn là nơi phong cảnh hữu tình, “thiên – địa – nhân” hòa hợp khiến những ai từng trẩy Hội chùa Thầy đều khó quên.
Bình luận 0

Hội chùa Thầy hằng năm diễn ra từ mùng 5 đến mùng 7 tháng Ba âm lịch, thu hút tăng ni phật tử cùng du khách từ khắp nơi đến tham quan, trẩy hội.

Du khách đến núi Thầy vừa để lễ chùa kính phật, cầu may, vừa thưởng ngoạn thiên nhiên hữu tình, khám phá nét độc đáo của di sản văn hóa, kiến trúc, tôn giáo và câu chuyện huyền bí lý thú về hang Cắc Cớ chùa Thầy.

img

Chùa được xây trên thế đất rồng, lưng tựa núi Sài Sơn, phía trước là hồ Long Chiểu. (Ảnh: Huyền Phương)

img

Đường lên Chùa. (Ảnh: Huyền Phương)

Được lập từ thời nhà Đinh (968 - 980), ngay chân núi Thầy trên thế đất rồng của xứ Đoài xưa (nay thuộc làng Hoàng Xá, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, ngoại thành Hà Nội), Chùa Thầy là ngôi chùa thuộc hàng cổ kính nhất Việt Nam. Thời vua Lý Nhân Tông, Chùa có sự trùng tu tôn tạo khá cơ bản, mang đậm kiến trúc nhà Lý, gồm hai cụm chùa: Chùa Cao (Đỉnh Sơn Tự) trên núi và chùa Dưới (tức chùa Cả, tên chữ là Thiên Phúc Tự). Ban đầu Chùa chỉ là một am nhỏ gọi là Hương Hải am, nơi ghi dấu cho quãng đời sau của Thiền sư Từ Đạo Hạnh.

Phía trước Chùa là hướng Nam, có hồ Long Chiểu (hay Long Trì), bên trái là ngọn Long Đẩu, phía lưng và bên phải dựa núi Thầy (núi Sài Sơn). Sân chính to, rộng, nhìn ra hồ Long Chiểu tạo thành hàm của rồng. Ở địa thế ấy, Chùa được coi là nơi phong thủy hữu tình, “thiên – địa – nhân” hòa hợp, khiến cho ai đã từng đến chùa Thầy đều khó quên...  

Ngày nay, chùa Thầy cùng với chùa Hương, Trăm gian, Tây Phương… tạo nên quần thể di tích chùa, là nơi chiêm bái, danh lam thắng cảnh độc đáo ở Thủ đô.

img

Sân chính phía trước Chùa hướng Nam (Ảnh: Huyền Phương)

img

Giữa hồ Long Chiểu còn có thủy đình được dân gian truyền tụng là viên ngọc giữa miệng rồng. Đây là nơi diễn ra múa rối nước truyền thống vào các dịp khai hội. (Ảnh: Huyền Phương)

Kiến trúc chùa Thầy gồm ba khu chính nằm song song nhau là chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng. Chùa Hạ là nhà tiền tế, nơi thờ Đức Ông, Thánh Hiền. Chùa Trung là ban thờ các đức Phật, hai bên có hai tượng Hộ pháp, tượng Thiên Vương. Giữa chùa Hạ và chùa Trung có ống muống nối với nhau, tạo thành thế hạ công thượng nhất, nơi để tượng Bát bộ Kim Cương. Riêng khu chùa Thượng (hay chùa trên) được tách ra và ở vị trí cao nhất, có biển đề Đại hung Bảo điện, đồng thời là nhà Thánh, tượng Di Đà tam tôn, Thích Ca, tượng ba kiếp của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Tại ban thờ Lý Thần Tông có đôi Phượng Hoàng gỗ, 2 tượng Phỗng tạo tác từ thế kỉ XVIII đời vua Lê Ý Tông. Xung quanh và phía sau chùa còn có hai dãy hành lang dẫn đến lầu chuông và lầu trống. Tương truyền do bà chúa Chè Tuyên Phi Đặng Thị Huệ xin với chúa Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm cho xây dựng khi về thăm Chùa.

img

Ngôi chùa đậm nét kiến trúc thời nhà Lý.

Qua cầu Nguyệt Tiên là đường lên núi để tới chùa Cao, vốn là Hiển Thụy am (còn có tên là Đỉnh Sơn Tự), là nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh đến tu đầu tiên. Tương truyền rằng động Phật Tích ở sau Chùa là nơi Ngài Từ Đạo Hạnh thoát xác để đầu thai làm vua Lý Thần Tông, nên còn gọi là hang Thánh Hóa.

Phía trên chùa Cao, trên đỉnh núi có nhiều tảng đá bằng phẳng,... trong đó có một phiến đá phẳng nhẵn được gọi là bàn cờ tiên.

img

Chùa Dưới. (Ảnh: Huyền Phương)

img

img

Cảnh quan xung quanh Chùa nhìn từ đỉnh núi Sài Sơn. (Ảnh: Huyền Phương)

Đến trẩy hội chùa Thầy, du khách không thể quên câu chuyện dân gian huyền bí về hang Cắc Cớ. Tuy ở trên núi cao nhưng vào bên hang trong tối om om, phải đốt đuốc soi đường, nhất là đoạn ngách hẹp khiến những ai thích khám phá buộc phải đi sát vào nhau mới qua được. Có lẽ vì thế mà “Cắc Cớ đã chiến thắng” câu chuyện xưa tại núi Thầy khi đã cấm kị trai gái của 2 ngôi làng lấy nhau.

Thế dân gian mới có câu “Gái chưa chồng nhớ hang Cắc Cớ/ Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy” là ý vui để nhắc nhở “trai thanh, nữ tú” khi đến độ tuổi “dựng vợ, gả chồng”.

XEM THÊM >> Hội Chùa Thầy, có hang Cắc Cớ…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem