Số ca ngộ độc tại Trường iSchool Nha Trang (Khánh Hòa) tính đến trưa 20/11 là 600 ca, trong đó số ca nhập viện điều trị nội trú là 360 ca, 1 học sinh đã tử vong. Sự việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho bữa ăn bán trú của học sinh hiện nay.
Liên quan tới vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường iSchool Nha Trang, 600 trong tổng số hơn 800 học sinh bán trú của trường đã phải nhập viện vì có triệu chứng sốt, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy khi về nhà. Bữa trưa hôm đó toàn bộ học sinh của trường ăn món cơm, thịt gà luộc xé, rau, sốt làm từ trứng và dầu ăn do hộ hộ kinh doanh Bùi Phúc Lam cung cấp theo hợp đồng với nhà trường.
Vụ việc đến nay vẫn đang được điều tra làm rõ với mẫu thức ăn đã được gửi về Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm tìm nguyên nhân, dự kiến ngày 23/11 sẽ có kết quả.
Điều đáng nói, tại buổi gặp gỡ giữa Hiệu trưởng nhà trường và Tập đoàn Nguyễn Hoàng (chủ đầu tư trường tư thục này) với phụ huynh diễn ra chiều 20/11, các phụ huynh đã bày tỏ nỗi bức xúc vì mỗi suất ăn 70.000 đồng nhưng chất lượng không đảm bảo. Học sinh phản ánh đồ ăn không ngon nhưng hôm nào có đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm về trường thì các cháu được ăn ngon.
“Con ước gì ngày nào cũng được ăn như vậy nhỉ. Con mình nói vậy hỏi có đau lòng không? Chúng tôi đã phản ánh rất nhiều lần nhưng nhà trường tiếp thu thì đâu có xảy ra sự việc như vậy?" – một phụ huynh nói.
Câu chuyện chất lượng thực phẩm, các khâu vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn bán trú ở các nhà trường lâu nay vẫn được phụ huynh quan tâm, báo chí đề cập nhưng trên thực tế chỉ thực sự nóng lên khi ở nơi này, nơi kia có sự cố, xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm. Kiểu “mất bò mới lo làm chuồng” như phản ánh của phụ huynh Trường iSchool Nha Trang không phải là trường hợp hiếm.
Cuối năm 2020, hàng trăm phụ huynh Trường tiểu học Trần Thị Bưởi ở TP Thủ Đức (TPHCM) đã đến trường phản đối sau khi họ theo dõi và phát hiện khẩu phần ăn trưa của con mình quá tệ, nguồn thực phẩm đưa vào trường có cả rau củ giập, héo, thối...
Năm 2021, một nhóm phụ huynh Trường tiểu học Xuân Phú ở TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phản ánh đến các cơ quan chức năng hình ảnh bữa ăn của học sinh lớp 2 chỉ có 3 lát chả cá, một ít giá xào và một bát canh xơ xài với 2 lát bí đao xắt mỏng.
Hàng loạt vụ việc được phản ánh nhưng đều là những vụ việc "không may" bị phụ huynh phát hiện. Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết cũng đã từng trực tiếp tham gia vào việc giám sát bữa ăn bán trú của một trường tiểu học nhưng việc giám sát này được báo trước, không phải bất ngờ. Lúc đó, cũng chỉ có thể nhìn thấy, sờ bằng tay thực phẩm tươi hay không, cá, thịt có bị ôi thiu hay không còn đơn vị cung cấp nguyên vật liệu, phụ trách bếp ăn mới nắm được chính xác về độ an toàn, nguồn gốc của thực phẩm.
Đáng quan ngại hơn, hồi tháng 8/2022, dư luận xã hội không khỏi bức xúc trước thông tin hiệu trưởng, kế toán và bếp trưởng Trường tiểu học Hanh Thông (quận Gò Vấp, TPHCM) nhận tiền hàng tháng từ các đơn vị cung cấp thực phẩm (cho bữa ăn bán trú) với tổng số tiền 436 triệu đồng...
An toàn là trên hết
Qua sự việc của trường học ở Nha Trang (Khánh Hòa), phụ huynh cả nước một lần nữa phải đặt câu hỏi về vấn đề: Bữa ăn bán trú của các con (một số trường, nhất là khối mầm non còn bao gồm cả ăn bữa sáng, bữa xế) thế nào?
Theo phân tích của GS. TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, việc tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh là phù hợp và cần thiết trong bối cảnh nhiều phụ huynh ngày nay đi làm từ sáng sớm đến tối mịt, không thể đón con về nhà để lo bữa trưa. Đây là thỏa thuận dân sự giữa nhà trường và phụ huynh có nhu cầu. Tuy nhiên, phần lớn các trường đều tự quyết định về mức thu tiền ăn đến việc chọn đơn vị cung cấp thực phẩm, đơn vị cung cấp suất ăn...
Hiện mỗi trường đang có mức thu khác nhau tùy thuộc vào thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh, trong đó nhà trường là đơn vị thu hộ, chi hộ khoản tiền ăn, phí mua sắm dụng cụ bán trú, nước uống… nên về nguyên tắc là thu bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu.
“Câu hỏi đặt ra là chất lượng bữa ăn có tương xứng với khoản tiền phụ huynh đã đóng hay không đang hoàn toàn phụ thuộc vào cái tâm của người quản lý. Rất cần có quy định, quy chế cụ thể về việc đảm bảo chất lượng bữa ăn trong nhà trường, chẳng hạn phụ huynh học sinh có thể kiểm tra đột xuất bếp ăn, kiểm tra nguồn thực phẩm, nguyên liệu chế biến cũng như hóa đơn, chứng từ liên quan bởi hơn ai hết, họ chính là những người giám sát tốt nhất bữa ăn của con em mình” – ông Dong nói.
Hiện không có quy định về mức khống chế tiền ăn/ngày là bao nhiêu. Khảo sát của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết cho thấy, tại nhiều trường tiểu học, mầm non công lập tại các quận ở Hà Nội, trung bình tiền ăn bán trú dao động trong khoảng 25-30.000 đồng/ngày.
Bà Trần Thị Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vạn Bảo (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, năm học 2022 - 2023, trường có 1.212 học sinh. Để đảm bảo bữa ăn bán trú, từ việc lựa chọn công ty cung cấp, lên thực đơn, kiểm tra thực phẩm đầu vào đến quy trình sơ chế, chế biến thức ăn, chia khay… đều được Ban Giám hiệu nhà trường, đại diện Công đoàn, đại diện phụ huynh học sinh kiểm tra kỹ càng. Với 30.000 đồng/học sinh, suất ăn bán trú ở trường bao gồm bữa chính trưa và bữa nhẹ buổi chiều.
Liên quan đến vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GDĐT) Nguyễn Thanh Đề cho biết, ngay từ đầu năm học, các chỉ đạo, hướng dẫn về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tổ chức bữa ăn học đường, tăng cường vận động thể lực được Bộ làm rất kỹ, ban hành các công văn đầy đủ và các địa phương, đơn vị cũng đã tập huấn.
“Về vụ việc ở Trường Ischool Nha Trang, Bộ GDĐT và đại diện là Vụ Giáo dục thể chất đã trao đổi với Giám đốc Sở GDĐT Khánh Hòa để nắm thông tin và chỉ đạo phải bám sát, có báo cáo thường xuyên về Bộ. Hiện Bộ cũng đang chờ kết luận cuối cùng để đưa ra phương án xử lý” - ông Đề nói.
Mời chuyên gia y tế từ TPHCM tới Nha Trang điều trị cho học sinh bị ngộ độc
Ngày 21/11, ông Phạm Hữu Bình - Hiệu trưởng Trường Ischool Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết, hiện nay đã mời 8 chuyên gia, đội ngũ y tế giỏi từ TPHCM về Nha Trang để kiểm tra, hỗ trợ điều trị cho các học sinh đang bị ngộ độc.
Theo ông Bình, nhóm chuyên gia này đã xuống bệnh viện để kiểm tra và lên phác đồ điều trị cho các em. Thay mặt nhà trường, ông Bình nhận trách nhiệm, xin lỗi vì chưa hoàn thành nhiệm vụ, cam kết sẽ cùng phụ huynh tập trung chăm sóc tốt nhất cho các em học sinh.
Đối với trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đã chỉ đạo địa phương, ban ngành, nhà trường tới an ủi, động viên và giúp đỡ gia đình lo các thủ tục cuối cùng cho cháu. UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã giao Sở Ngoại vụ phối hợp với Công an tỉnh Khánh Hòa, thực hiện việc xử lý người nước ngoài tử vong trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đúng quy định hiện hành.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.