Trẻ mầm non bị ép học chữ: Cả làng cho con đi học thêm

Thứ tư, ngày 15/05/2013 06:49 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dù Bộ GDĐT đã có văn bản cấm dạy thêm trước lớp 1 vì đây là việc làm phản khoa học, nhưng thực tế, tình trạng ép trẻ mầm non đi học chữ trước khi vào lớp 1 vẫn ngày càng lan rộng hơn.
Bình luận 0

Tình trạng này “hoành hành” ở nhiều vùng nông thôn. Điều đáng nói, vấn nạn này nở rộ vì chính tâm lý của cha mẹ.Chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp nhưng các gia đình ở xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội đều cho con đi học thêm từ khi sắp sửa vào lớp 1 đến khi thi ĐH. Đặc biệt, có làng tới 100% trẻ 5 tuổi hiện đang phải học viết chữ ở các lớp học thêm.

“Thành phong trào rồi”

img
Học sinh lớp 1 học thêm tại nhà cô giáo Th (xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội).

Trong vai một dân ngụ cư đi xin học cho con chuẩn bị vào lớp 1, tôi dễ dàng được người dân “chỉ điểm” cho những giáo viên thâm niên, có tiếng dạy thêm trong xã và được các giáo viên nhiệt tình “giúp đỡ”.

Theo những người dân nơi đây, xã Đại Đồng nổi tiếng với phong trào... học thêm. Hầu hết các gia đình ở đây dù giàu hay nghèo, trí thức hay bần nông đều cho con đi học thêm từ khi chuẩn bị vào lớp 1. Các lớp học phần lớn do các phụ huynh tự đứng ra tổ chức, có nhà tự quây lớp, rủ 4-5 nhà khác rồi mời giáo viên dạy cho con em mình và sẵn sàng trả cho giáo viên 300.000 - 400.000 đồng/buổi.

Phòng Giáo dục không biết

Trao đổi với NTNN ngày 14.5, ông Nguyễn Quốc Mạnh - Trưởng phòng Giáo dục huyện Thạch Thất cho biết, việc dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1 là hoàn toàn sai quy định. Sở GDĐT Hà Nội đã có chỉ đạo tới các phòng giáo dục và Phòng Giáo dục Thạch Thất cũng đã gửi văn bản tới các trường nghiêm cấm các trường cũng như các giáo viên không được tổ chức hoạt động dạy trước cho trẻ. “Nếu có phản ánh địa phương nào xảy ra tình trạng dạy thêm, chúng tôi sẽ kiểm tra và lập tức đình chỉ cơ sở dạy thêm” - ông Mạnh khẳng định. Ông Mạnh cũng cho biết, hiện phòng chưa nhận được thông tin gì về tình trạng học thêm tràn lan ở xã Đại Đồng. Hà An

Chị Kiều Thị Huyền Trinh (thôn 6, xã Đại Đồng) cho biết, nguồn thu nhập chính của gia đình chị chủ yếu dựa vào mấy sào lúa nhưng chị vẫn cho con đi học thêm đầy đủ. Đứa con gái 5 tuổi của chị năm tới vào lớp 1 cũng đã nhận một suất học thêm tại nhà cô giáo H ở cùng thôn, dù chưa “tốt nghiệp” trường mầm non.

Lớp học bắt đầu từ đầu tháng 6 đến hết tháng 7 với mức học phí khoảng 20.000 đồng/buổi. “Nhà không có cũng phải cố cho con đi học, ở đây nhà nào cũng thế. Con nhà người ta học cả, con nhà mình không học sao được. Ở đây, nó thành phong trào rồi. Thôi thì, mình bớt ăn, bớt tiêu mà cho con đi học thôi” - chị Trinh chia sẻ.

Là giáo viên, hiểu rõ việc học thêm sớm cho trẻ cũng chưa thật cần thiết nhưng chị Oanh (thôn 6) cũng có kế hoạch cho cô con gái đi học trước 2 tháng hè ở nhà cô S trước khi đi học lớp 1 ở trường.

Chị Oanh tâm sự: “Ở đây có phong trào học thế. Trẻ chuẩn bị học lớp 1 thì hết học ở trường mầm non là đến gửi nhà các cô học 2 tháng hè. Đến học kỳ 2, cháu nào học tốt thì cho vào lớp nâng cao. Vì thế phải cho cháu học thêm, không thì không theo được các bạn”.

Gia đình chị Linh (đội 7) có 4 đứa con, đứa lớn học lớp 7, đứa bé đang học mẫu giáo 5 tuổi và đứa nào cũng đi học thêm đầy đủ, có đứa đi học 3-4 lớp. “Chi cho việc học của các cháu tôi đâu có tiếc. Ở đây nhà nào cũng thế, chỉ nhà nào thật thiếu đói, không đủ ăn mới không cho con đi học, còn nhà nào cố gắng đi làm thuê được thì vẫn cho con đi học. Tối đến, người các xã lân cận cũng cho con đến đây học, xe đông chật các đường, đưa con đi học còn vui hơn đi hội” - chị Linh khoe phong trào học của xã.

Mặc dù học thêm chỉ 20.000– 30.000 đồng/buổi nhưng vì “con thích học lớp nào là cho đi” nên có tháng chị Linh chi cho 4 đứa con tới 2 triệu tiền học thêm.

Chất lượng: Giáo viên tự... đảm bảo

Trong vai phụ huynh đến xin học cho con chuẩn bị vào lớp 1, chúng tôi được cô H – giáo viên Trường Tiểu học Đại Đồng có mở lớp dạy thêm thật thà cho biết, nhà trường cấm không được dạy cho trẻ trước khi vào lớp 1, nhưng vì các con, các cô vẫn nghe ngóng và cố gắng thu xếp để dạy.

Theo đó, chị H cho biết, đến ngày 2.6, các phụ huynh đến tập trung, ghi tên và chia lớp. Nếu số lượng đông thì các cô chia lớp ra để dạy. “Nhà trường cấm đấy, nhưng nếu không dạy trước cho các cháu, đến khi vào học vất vả lắm. Học hè, các cô chủ yếu rèn cho các cháu cầm bút và tập viết đúng dòng kẻ. Lớp 20 cháu, các cô còn rèn được chứ vào năm học lớp 40 cháu thì không có thời gian” - cô H lý giải việc giáo viên “cố gắng giúp phụ huynh”. Về lịch học và chi phí học tập, cô H cho biết, 1 tuần các cháu học 3 buổi, học phí và đồ dùng cả thời gian học hè khoảng 500.000 đồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, xã Đại Đồng có phong trào học thêm từ nhiều năm nay, thế nhưng số học sinh lớp 12 đỗ đại học hàng năm cũng chỉ khoảng 20 – 30 em.

Nhà cô Th – giáo viên chuyên đứng lớp 1 cũng là một địa điểm học thêm uy tín của phụ huynh xã Đại Đồng. Mức học phí và thời gian học ở lớp học này cũng tương đương với lớp của cô H.

Tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ, cô Th cho biết, hiện nay danh sách đăng ký học thêm của lớp chuẩn bị vào lớp 1 (học đầu tháng 6) đã hơn 90 cháu và cô không nhận thêm. Nếu phụ huynh có nhu cầu, cô sẽ nhờ các cô giáo khác dạy giúp.

Điều đáng nói, theo ghi nhận của phóng viên, các lớp học thêm ở đây chủ yếu tổ chức tại nhà giáo viên hoặc thuê nhà dân, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn không đảm bảo cho việc dạy và học. Đặc biệt, giáo viên không dạy theo “chuẩn” nào cả. “Ban đầu, chúng tôi tự soạn giáo trình dạy nhưng sau này thấy ở hiệu sách có bán cuốn sách dành cho đối tượng học sinh bắt đầu học lớp 1, tôi thấy phù hợp nên dùng để dạy cho các cháu. Học hết cuốn sách đó cũng là kết thúc 2 tháng học hè” - cô Th cho biết.

Bài 2: Mùa hè nóng bỏng ở... phòng học

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem